Người nghèo chung tay thoát nghèo từ Dự án “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển”

07:43, 29/10/2014

HGĐT- Dự án giảm nghèo bằng phát triển “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản luân chuyển” của Hội Nông dân tỉnh đã và đang được nhân rộng. Với nguồn vốn hỗ trợ dành cho các đối tượng, tập trung vào hộ nghèo, dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tạo nên bước tiến mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) mang tính bền vững cho các hội viên nông dân.



Hưởng lợi từ hỗ trợ của Dự án, hộ nghèo Tráng Văn Ngoan ở thôn Lùng Càng (Phong Quang) đã trả được vốn vay của Ngân hàng Chính sách.

Từ Dự án của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam ...

Đầu năm 2002, tỉnh ta tiếp nhận nguồn vốn Dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm” do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ nhằm XĐGN cho người dân ở vùng ĐBKK trong tỉnh (Dự án hỗ trợ cho 29 hộ nghèo ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên 29 con bò sinh sản). Qua nhiều năm triển khai, dự án mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống kinh tế của 29 hộ nghèo được cải thiện nhiều. Phát huy hiệu quả đó, đầu năm 2012, Hội Nông dân tỉnh phối hợp các sở, ngành cùng các cấp Hội cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình với việc triển khai thêm 4 mô hình hỗ trợ 17 con trâu, bò sinh sản luân chuyển cho 17 hộ nghèo ở các xã Tiên Yên, Bản Rịa (Quang Bình), Bản Máy, Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Ngoài những buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, Hội Nông dân tỉnh còn triển khai chính sách hỗ trợ mỗi hộ thêm 1 triệu đồng làm chuồng và 430 nghìn đồng tiền hỗ trợ mua giống trồng cỏ chăn nuôi. Dự án được thực hiện theo Quy chế luân chuyển rõ ràng và phổ biến đến từng hộ dân. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ nuôi 1 con bò sinh sản, khi bò mẹ sinh con bê thứ nhất thì bản thân chủ hộ được hưởng, đến khi bò mẹ sinh con thứ hai sẽ trả cho Ban quản lý dự án để luân chuyển cho hộ nghèo khác; tiếp tục sinh con thứ 3, chủ hộ được hưởng. Sau khi bò mẹ sinh con thứ 3 thì Ban quản lý sẽ tiến hành bán bò mẹ, số tiền bán được chia đều cho Ban quản lý và chính quyền địa phương. Trong đó, 50% số tiền được nhập về nguồn của Ban quản lý, 50% số tiền còn lại được chia cho xã làm Quỹ XĐGN. Nếu chủ hộ có điều kiện và mong muốn mua bò mẹ cũng sẽ được Ban quản lý dự án ưu tiên bán với giá hỗ trợ hợp lý. Chính vì vậy, cho đến nay dự án đã được triển khai và phát huy mạnh mẽ, mang lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân.


...đến XĐGN bền vững:

Sau hơn 12 năm thực hiện, dự án đã tạo nên hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho hộ nghèo; góp phần đẩy mạnh tăng gia sản xuất, từng bước XĐGN cho người dân nhiều địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng chí Đỗ Đức Yên, Bí thư Đảng ủy xã Phong Quang (Vị Xuyên) đánh giá: Đây thực sự là một dự án mang lại hiệu ứng rất tốt trong đời sống người dân. Hiện tại, xã Phong Quang có 118 hộ nghèo thì đã có 70 hộ được hưởng lợi từ dự án. Lợi ích đầu tiên là hộ nghèo không cần phải bỏ vốn đầu tư con giống nhưng lại được hưởng lợi đáng kể. Từ nguồn lợi bán những con bò được thụ hưởng, nhiều hộ nghèo đã tự mua được những trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, như máy tuốt lúa, máy xay xát... Một số gia đình tận dụng nguồn lợi đó đã trả được số vốn vay Ngân hàng mà nhiều năm qua còn đọng lại. Anh Tráng Văn Ngoan, ở thôn Lùng Càng, xã Phong Quang, vui mừng: “Từ khi được hỗ trợ bò sinh sản từ dự án của Hội Nông dân tỉnh, với chính sách luân chuyển cũng như được hưởng thụ bê con, sau 2 năm kinh tế gia đình khá lên nhiều; vì trước đây dựa vào hạt thóc, hạt ngô chỉ đáp ứng “tự cung, tự cấp”. Nhưng đến nay, số tiền 10 triệu mà gia đình đã vay của Ngân hàng Chính sách cách đây 5 năm giờ đã trả được...”. Cũng như gia đình anh Ngoan, nhiều hộ nghèo trong xã Phong Quang và các xã khó khăn của Quang Bình, Hoàng Su Phì đang được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của dự án.

 
Ông Nguyễn Văn Tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: Xuất phát từ yêu cầu và nguyện vọng của người dân, Hội Nông dân tỉnh quyết tâm duy trì dự án đến với người nghèo. Đây là dự án mang tính chất cộng đồng, giúp người nghèo cùng chung tay giúp đỡ nhau thoát nghèo... và thực tế mang lại hiệu quả điển hình như ở xã Phong Quang. Thời gian tới, dự án tiếp tục được nhân rộng để phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành hàng hóa, góp phần XĐGN cho người dân trong tỉnh.


VĂN LONG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

13 năm hạ sơn, người dân Khuổi Niềng còn nhiều trăn trở
HGĐT- Năm 2001, 21 hộ dân, 100% là người dân tộc Dao, xã Kim Thạch (thị xã Hà Giang cũ) sống tách biệt trên những dãy núi cao theo sự vận động của Nhà nước hạ sơn về thôn Khuổi Niềng, xã Kim Linh (Vị Xuyên). Sau khi xuống núi, được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, giáo dục và đời sống văn hóa tiến bộ, những hủ tục dần được xóa bỏ, cuộc sống của người dân ngày một tốt
29/10/2014
Khởi sắc Vĩ Thượng
HGĐT- Là một xã thuần nông, kinh tế khó nhăn, nhưng với cách làm thiết thực, khoa học, phong trào xây dựng NTM ở xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình đã lan tỏa và ngày càng thu hút nhiều nguồn lực tham gia, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
29/10/2014
Sủng Trà đánh giá kết quả giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo năm 2014
HGĐT- Chiều 24.10, Đảng ủy xã Sủng Trà (Mèo Vạc) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo năm 2014. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Hà Giang (cơ quan đỡ đầu xã Sủng Trà); Vàng Mí Dình, Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cùng và đại diện cơ quan phụ trách xã của huyện Mèo Vạc; các tổ chức, đoàn
27/10/2014
Khởi động chương trình Tình nguyện Mùa Đông năm 2014 và Xuân tình nguyện năm 2015
Ngày 26/10, tại Cao Bằng, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 và khởi động chương trình Tình nguyện Mùa Đông năm 2014 và Xuân tình nguyện năm 2015.
27/10/2014