13 năm hạ sơn, người dân Khuổi Niềng còn nhiều trăn trở

07:30, 29/10/2014

HGĐT- Năm 2001, 21 hộ dân, 100% là người dân tộc Dao, xã Kim Thạch (thị xã Hà Giang cũ) sống tách biệt trên những dãy núi cao theo sự vận động của Nhà nước hạ sơn về thôn Khuổi Niềng, xã Kim Linh (Vị Xuyên). Sau khi xuống núi, được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, giáo dục và đời sống văn hóa tiến bộ, những hủ tục dần được xóa bỏ, cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 13 năm hạ sơn, người dân Khuổi Niềng còn nghèo và nhiều trăn trở.



                          Toàn cảnh khu trung tâm thôn Khuổi Niềng.


Đến Khuổi Niềng, gặp anh Phùng Kiều Hưng, người giữ chức Trưởng thôn đã 10 năm và nắm rõ về thôn nhất, chúng tôi nhận thấy nhiều trăn trở trong những chia sẻtừ người đứng đầu thôn. Anh Hưng tâm sự: Từ khi hạ sơn, cuộc sống của người dân Khuổi Niềng đã tốt hơn rất nhiều. Điện được kéo đến từng hộ; đường được mở rộng, bằng phẳng thuận tiện cho giao thông thay vì phải đi bộ, leo những con dốc dựng đứng để lên, xuống núi như trước; trường học được xây dựng kiên cố; trong nhà có người bị ốm, đau được khám và điều trị kịp thời chứ không còn cúng bái như trước... Chỉ có điều, sau 13 năm hạ sơn, hiện nay thôn chỉ có duy nhất 1 hộ trung bình còn lại là hộ nghèo, cận nghèo và có đến gần 1/3 trong tổng số hộ thiếu đói giáp hạt phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là điều trăn trở lớn đối với người dân Khuổi Niềng nói riêng và xã Kim Linh nói chung.


Tìm hiểu nguyên nhân vấn đề này, anh Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Kim Linh cho biết: “Địa điểm đặt khu hạ sơn Khuổi Niềng nằm giữa 2 thôn Nà Pù và Bản Mạ bởi khu vực này có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng có một khó khăn là diện tích đất toàn thôn chỉ hơn 10 ha, trong đó, ngoài diện tích được cấp làm nhà, các công trình phụ thì tổng diện tích đất sản xuất cả thôn được cấp khi đó khoảng 2,6 ha, trung bình mỗi hộ được hơn 800m2 nên thời gian đầu các hộ vẫn phải về nơi ở cũ canh tác”. Sau nhiều năm, nhờ triển khai những chính sách của Nhà nước hỗ trợ chăn nuôi, áp dụng các mô hình thâm canh cây trồng cho người dân Khuổi Niềng, một số hộ có chút vốn tiếp tục mua, trao đổi đất với các hộ dân bản địa để có thêm đất canh tác; cùng với việc khai khẩn những diện tích đất hoang nên đến nay, Khuổi Niềng đã có 6,5 ha đất sản xuất, trung bình mỗi hộ khoảng 2.000m2,. Trong đó 4 ha trồng lúa và ngô 1 một vụ, 2,5 ha trồng lúa 2 vụ. Thế nhưng với từng đó diện tích, người dân vẫn sản xuất không đủ lương thực để ăn trong năm nên thôn mới còn nhiều hộ nghèo và thiếu đói như vậy, Chủ tịch UBND xã Kim Linh cho biết thêm.


Thêm một nguyên nhân nữa của vấn đề này là nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch với người dân còn thấp, nhiều hộ sinh con thứ 3, thậm chí thứ 4, thứ 5 dẫn đến số khẩu trong hộ lớn. Thực tế là từ khi hạ sơn đến nay, đã có thêm 10 hộ ở Khuổi Niềng được tách mới, nâng tổng số hộ lên 32 nhưng số khẩu trung bình trong một hộ vẫn tương đối lớn bởi toàn thôn có đến 187 khẩu, trung bình mỗi hộ có tới gần 6 khẩu, thậm chí hộ anh Triệu Kim Mình có đến 10 khẩu. Theo tính toán của xã Kim Linh, trung bình mỗi hộ cần có ít nhất 8.000 m2 đất sản xuất mới đủ lương thực ăn trong năm và có khả năng thoát nghèo. Tuy nhiên, diện tích đất của các hộ có hiện nay chỉ bằng ¼ số đất cần có để canh tác. Cũng từ nguyên nhân chính do thiếu đất sản xuất nên việc chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng hàng hóa gặp không ít khó khăn, không hiệu quả do thiếu đất trồng cỏ, thức ăn, bãi chăn thả cho gia súc; lương thực sản xuất không đủ ăn cũng không thể dành nhiều cho gia súc, gia cầm... Làm thế nào để người dân Khuổi Niềng thoát nghèo là bài toán không hề dễ đối với xã Kim Linh và huyện Vị Xuyên.


Thực tế hiện nay, tình trạng thiếu đất sản xuất, gây khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo không chỉ xảy ra riêng ở Khuổi Niềng mà rất nhiều khu hạ sơn trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Điều này rất cần các cấp, ngành chức năng có sự tính toán lâu dài với mỗi dự án hạ sơn để người dân yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và có cuộc sống tốt hơn không phải trong một tương lai ngắn. Nhưng trước mắt xã Kim Linh và huyện Vị Xuyên cần tìm lời giải cho bài toán giúp người dân Khuổi Niềng thoát được cái đói, cái nghèo trong thời gian tới.


Duy Tuấn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi sắc Vĩ Thượng
HGĐT- Là một xã thuần nông, kinh tế khó nhăn, nhưng với cách làm thiết thực, khoa học, phong trào xây dựng NTM ở xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình đã lan tỏa và ngày càng thu hút nhiều nguồn lực tham gia, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
29/10/2014
Sủng Trà đánh giá kết quả giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo năm 2014
HGĐT- Chiều 24.10, Đảng ủy xã Sủng Trà (Mèo Vạc) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo năm 2014. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Hà Giang (cơ quan đỡ đầu xã Sủng Trà); Vàng Mí Dình, Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cùng và đại diện cơ quan phụ trách xã của huyện Mèo Vạc; các tổ chức, đoàn
27/10/2014
Khởi động chương trình Tình nguyện Mùa Đông năm 2014 và Xuân tình nguyện năm 2015
Ngày 26/10, tại Cao Bằng, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 và khởi động chương trình Tình nguyện Mùa Đông năm 2014 và Xuân tình nguyện năm 2015.
27/10/2014
Trên 100 hộ dân thôn Há Chế góp sức làm đường giao thông nông thôn
HGĐT- Trong ngày 22.10, bà con nhân dân thôn Há Chế, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) đã cùng nhau tham gia san lấp, mở rộng gần 200m đường trục thôn. Đây là hoạt động do 104 hộ gia đình tự vận động nhau góp sức, nhằm mục đích tạo sự thuận lợi trong việc đi lại và tham gia xây dựng NTM.
23/10/2014