Thị xã Hà Giang: Chuyển biến trong xây dựng, quy hoạch đô thị loại III

08:02, 18/12/2008

Với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ, đầu mối giao lưu mọi mặt và là đầu tàu trong sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà, thị xã Hà Giang đang nỗ lực xây dựng, quy hoạch để xứng tầm đô thị loại III trước năm 2010.


 

 Một góc thị xã Hà Giang.


Nhiệm vụ này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 04 – NQ/TU ngày 24.11.2004 của BTV Tỉnh ủy. Hơn 3 năm triển khai, thực hiện, công tác xây dựng, quy hoạch thị xã Hà Giang trở thành đô thị loại III đã có nhiều khởi sắc.


Xác định rõ việc phát triển kinh tế sẽ là nền tảng quan trọng quyết định đến việc xây dựng, quy hoạch đô thị, nên những năm qua, thị xã tập trung phát triển những ngành nghề có thế mạnh như: Du lịch, dịch vụ, thương mại; các ngành nghề nông, lâm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì thế, hệ thống các Làng Văn hoá du lịch cộng đồng, các vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm và các cơ sở sản xuất cũng được quy hoạch và có hướng đầu tư phát triển theo chiều sâu nhất định. Tốc độ phát triển kinh tế trong 3 năm trở lại đây có những chuyển biến vượt bậc, năm sau cao hơn năm trước, thị xã đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,67%. Trải qua quá trình phát triển, thị xã Hà Giang đã mang dáng vóc của một đô thị văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch - đẹp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã phấn đấu trong năm 2008 đạt mức 17,2% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,5 triệu đồng, đưa tỷ lệ hộ khá, giầu đạt từ 55% trở lên và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; tỷ trọng thương mại – du lịch chiếm 58,72%; công nghiệp xây dựng chiếm 35,28%; nông - lâm nghiệp chiếm 6%; thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 90 tỷ đồng trở lên và giải quyết việc làm ổn định cho từ 700 – 1.000 lao động…


Trong công tác quy hoạch, thị xã Hà Giang đã hình thành được những tuyến phố kinh doanh dịch vụ chuyên ngành như: Kinh doanh dịch vụ ẩm thực; kinh doanh hoa quả, băng đĩa hình, đồ gỗ nội thất, dịch vụ văn hoá phẩm và khu vui chơi giải trí… gắn liền với những tuyến phố, những con đường có tên tuổi riêng một cách hợp lý; hoàn thành quy hoạch chi tiết khu đường 19.5 Cầu Trắng – Hà Yên, khu Công viên cây xanh, khu sinh thái Bồng Lai; sắp xếp quy hoạch các khu vực khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn; xây dựng và sắp xếp lại trật tự kinh doanh tại các chợ xép đáp ứng với quy luật phát triển khách quan, giải quyết được các vấn đề về mỹ quan đô thị, trật tự ATGT và vệ sinh môi trường… Các tổ dân phố, trụ sở tổ dân phố và liên tổ dân phố cũng được sắp xếp lại thuận tiện trong việc quản lý hành chính, quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Việc quy hoạch khu công viên, vườn hoa cây xanh đã được thay thế bằng những cây có độ dẻo dai, sức bền, nhiều bóng mát và có tính thẩm mỹ cao thay cho những loại cây có tuổi thọ ngắn, dễ sâu bệnh và đổ gấy khi trời mưa bão; đồng thời hoàn chỉnh việc quy hoạch và sử dụng các loại đất trong các phường nội thị… Thị xã đã thành lập được Đội kiểm tra đô thị nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đô thị và thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định kiến trúc để xét duyệt phương án kiến trúc các công trình trước khi xây dựng trên địa bàn, đảm bảo mỹ quan đô thị.


Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị luôn được thị xã quan tâm thường xuyên, tuân thủ theo một trật tự nhất định, có sự hưởng ứng của người dân. Đến nay, vóc dáng thị xã Hà Giang đang dần thay đổi, hệ thống nhà cao tầng, đường giao thông, hệ thống thoát nước, đường điện sinh hoạt và nhiều công trình xây dựng khác tiếp tục được chỉnh trang và đưa vào sử dụng hiệu quả; các “điểm đen” trên địa bàn thị xã không đảm bảo tầm nhìn, mất ATGT, mất mỹ quan đô thị đã từng bước được giải phóng, trả lại không gian thoáng mát. Thị xã đã giải toả hàng trăm lều quán trong diện lấn chiếm hành lang, đảm bảo tầm nhìn thoáng mát; tỉa thưa, di chuyển trồng lại ở vị trí thích hợp hơn 600 cây xanh đường phố, trồng mới 8.000 cây ở các tuyến đường, vừa tạo cảnh quan môi trường nội thị, vừa tạo cảm giác mát mẻ. Công tác thu gom và xử lý rác thải đô thị, phun nước rửa đường và rửa xe sơ bộ trước khi vào thị xã, tiến hành lắp đặt hệ thống bóng cao áp tiết kiệm điện cao áp tiết kiệm điện năng… đã được thực hiện nghiêm túc, từng bước tạo nên một thị xã Hà Giang với một diện mạo hoàn toàn mới so với trước.


Có thể thấy rằng, sau một chặng đường phát triển, thị xã Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện tốt các tiêu chuẩn đánh giá, công nhận đô thị theo nhiều yếu tố khác nhau như: Yếu tố chức năng; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; cơ sở hạ tầng xã hội; quy mô, mật độ dân số…Các chỉ tiêu đánh giá này đã đạt 86% so với yêu cầu và kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chặng đường từ nay đến khi thị xã Hà Giang được công nhận đạt đô thị loại III còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, việc duy trì và giữ vững các chỉ tiêu này luôn đươc thị xã quan tâm. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Trần Mạnh Lợi, Chủ tịch UBND thị xã được biết: Trong thời gian tới, thị xã Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tốt các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng các cấp tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để thu hút và thực thi các dự án, các chương trình, các nguồn lực của T.Ư và địa phương mang tầm vóc lớn vào địa bàn... tiếp tục tạo ra những đột phá toàn diện để xứng tầm với diện mạo một đô thị loại III, là thành phố du lịch xanh – sạch - đẹp, văn minh, hiện đại và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.


Lê Thơm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn tập khu vực phòng thủ - bài học ý nghĩa của lớp trẻ hôm nay
HGĐT- Lớn lên sau chiến tranh, thế hệ trẻ chúng tôi được hưởng biết bao nhiêu sự bình yên và hạnh phúc. Chiến tranh đối với chúng tôi chỉ có trên những thước phim, ảnh tài liệu và qua lời kể của cha anh hoặc của những người lính trở về từ các chiến trường, những người mà trên cơ thể còn mang những vết thương, những mảnh bom, đạn...
28/11/2008
Tàu Thanh niên Đông Nam Á đến Việt Nam
Chiều 26.11 tại Cảng Sài Gòn đã diễn ra lễ đón 328 đại biểu đến từ Nhật Bản và 10 nước Đông Nam Á tham gia chương trình tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) 2008.
28/11/2008
Đắm đò ở xã Đạo Đức - 3 người chết
HGĐT- Lúc 16h20’ ngày 23.11.2008, tại Km10 thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, đã xảy ra một vụ đắm đò làm 3 người chết.
27/11/2008
Em Nguyễn Lan Phương đang cần được giúp đỡ
HGĐT- Em Nguyễn Lan Phương, học sinh lớp 6B trường THCS Ngọc Hà (TXHG) là một cô bé ngoan, hiền lành, xinh xắn, học giỏi, nhưng hiện nay em đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong học tập.
15/12/2008