Vượt lên nỗi đau da cam

11:01, 10/08/2017

BHG - Chiến tranh đã đi qua, những vết thương đã dần lành và những nỗi đau, mất mát cũng dần phôi phai theo năm tháng. Nhưng có một nỗi đau mang tên chất độc da cam vẫn tồn tại từng ngày, từng giờ trong cuộc sống của biết bao con người mang trong mình chất độc hóa học dioxin. Trong bất hạnh, tật nguyền, nhiều người trong số họ vẫn kiên cường vượt lên số phận, viết nên những câu chuyện đẹp giữa đời thường.

Năm 1967, khi cuộc chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt, mảnh đất miền Trung bị bom đạn giày xéo không kể ngày đêm, chàng trai Nguyễn Thành Lâm khi ấy đang ở tuổi đôi mươi - độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đã hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Sau 6 năm ròng rã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng, mất sức chiến đấu, về điều trị ở Viện 109 (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Tại đây, ông đã gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Vĩnh.

Dù mang trong mình chất độc hóa học nhưng Ông Nguyễn Thành Lâm vẫn chăm chỉ lao động, sản xuất, vượt lên nỗi đau da cam. Trong ảnh: Ông Lâm rửa xe cho khách.
Dù mang trong mình chất độc hóa học nhưng Ông Nguyễn Thành Lâm vẫn chăm chỉ lao động, sản xuất, vượt lên nỗi đau da cam. Trong ảnh: Ông Lâm rửa xe cho khách.

Sau khi kết hôn, ông bà trở về sinh sống tại tổ 5, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang). Là thương binh hạng ¼, tỷ lệ thương tật 81%, mất một tay, lại bị nhiễm chất độc hóa học nên cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh ấy, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng trong con người ông, những năm tháng cầm súng chiến đấu đã tôi luyện cho ông một ý chí sắt đá, vượt lên mọi khó khăn. Hai vợ chồng ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, kiếm sống, ban đầu là chăn nuôi lợn, sau khi có một ít vốn thì mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, buôn bán hoa quả và các vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu. Ông còn nhận thêm việc trông xe cho trường học và mở tiệm rửa xe đạp, xe máy. Kinh tế dần khấm khá hơn, ông bà có điều kiện chăm lo, nuôi dạy 3 người con trưởng thành, trong đó người con trai út có biểu hiện tâm thần từ nhỏ, hiện đang mắc bệnh ung thư gan, dù đã 40 tuổi vẫn một tay ông bà chăm sóc. Bây giờ, dù tuổi đã cao, người dân quanh vùng vẫn thấy người thương binh hạng nặng, bị mất một tay ngày ngày vẫn cặm cụi rửa xe cho khách, phụ vợ bán hàng. Bằng ý chí, nghị lực của bản thân, ông đã chiến thắng bệnh tật, vượt lên nỗi đau da cam, vươn lên trong cuộc sống.

Rời nhà ông Lâm, chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình anh Đường Ngọc Quỳnh, sinh năm 1976, bị nhiễm chất độc da cam từ người cha của mình. Căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm ở tổ 11, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) ngập tiếng nô đùa của con trẻ. Từ khi sinh ra, anh Quỳnh đã có nhiều biểu hiện bất thường, chân tay teo tóp, thiểu năng trí tuệ. Lớn lên với một cơ thể tật nguyền lại mắc chứng thiểu năng, may mắn cho anh khi có một người phụ nữ vì thương cảm mà đã đồng ý nên duyên vợ chồng. Sau đó, anh chị sinh được 2 người con trai, các cháu chỉ bị dị tật nhỏ, vẫn có thể đến trường học chữ như bao bạn bè khác. Những ngày khỏe, anh Quỳnh vẫn chăm chỉ làm lụng, ai thuê việc gì thì làm nấy để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Hạnh phúc lại quay lưng với anh một lần nữa khi cách đây hơn 1 năm, người vợ vì không chịu được cảnh sống kham khổ đã bỏ đi, để lại anh với hai đứa con thơ. Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, anh thì cơ thể tật nguyền, không làm được việc nặng, nhiều khi bệnh thần kinh lại tái phát, lúc nhớ, lúc quên khiến cho cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng và Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, thành phố vận động, hỗ trợ, anh Quỳnh vẫn từng ngày cố gắng vươn lên, vượt qua nỗi đau để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành…

Ông Dương Tiến Soạn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang, thông tin: Hiện nay trên toàn tỉnh có 1.048 nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, 1.215 đối tượng nghi bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Từ đầu năm đến nay đã vận động ủng hộ Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam tỉnh được trên 155 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa 5 nhà ở với số tiền 80 triệu đồng, tặng trên 1.000 xuất quà cho gia đình các nạn nhân… “Điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi hiện nay là còn 1.215 nạn nhân nghi nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp. Hiện, chúng tôi đang tiến hành lập hồ sơ cho 1.115 nạn nhân hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, tuy nhiên gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục, giấy tờ. Hầu hết các nạn nhân đều tuổi đã cao, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, vì vậy rất mong các cấp, các ngành chức năng sớm đưa ra giải pháp linh hoạt trong giải quyết thủ tục, hồ sơ để các nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, góp phần an ủi, động viên họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống…” - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Giang, Dương Tiến Soạn cho biết thêm.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảm bảo thông suốt huyết mạch giao thông - gian nan còn ở phía trước

BHG - Trong những đợt mưa lớn, kéo dài vừa qua, hàng trăm nghìn m3 đất, đá từ trên núi đổ ập xuống, vùi lấp nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh; giá trị thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Sự cố "đứt mạch" giao thông đã được ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân sở tại "nối" kịp thời theo đúng tinh thần "4 tại chỗ". Tuy nhiên, cao điểm mùa mưa, lũ vẫn đang ở phía trước, việc đảm bảo thông suốt "mạch máu" giao thông còn rất gian nan!

10/08/2017
Khám chữa bệnh nhân đạo – Hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe nhân dân

BHG - Thực hiện kế hoạch "Triển khai tháng cao điểm chương trình khám chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2017" của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Từ ngày 6 đến 9.8.2017, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Hiệp hội Vì trẻ em Việt Nam của Pháp, Bệnh viện mắt Hà Giang và huyện Bắc Quang tổ chức chương trình khám chữa bệnh nhân đạo phát thuốc, kính miễn phí tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang.

09/08/2017
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

BHG- Đã hơn 45 năm, kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn đè nặng lên nhiều gia đình tại Việt Nam. Hà Giang không phải là địa phương bị rải chất độc, nhưng gần 10.000 người con của tỉnh đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở những chiến trường trọng điểm mà Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin.

09/08/2017
Hãy thực sự quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam/điôxin

BHG- Khi bàn giao nhiệm vụ cho Chủ tịch mới của Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tỉnh, tôi có nói nhiều lý do; trong đo, có lý do không hoàn thành nhiệm vụ giải quyết chế độ cho các đối tượng nên xin nghỉ làm công tác Hội, song tôi vẫn còn có trách nhiệm đối với các nạn nhân CĐDC vì họ là người có công với cách mạng.

09/08/2017