Ở nơi đầu nguồn sông Chảy

08:33, 04/11/2008

HGĐT- Trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, đỉnh Lũng Cú (Đồng Văn) là điểm chóp của mái nhà hình chữ S cao vời vợi, thì điểm mốc số 1 trước kia, nay là cột mốc 172 Ma Lì Sán, nơi tận cùng ở đầu nguồn sông Chảy (Xín Mần) lại là nơi sâu thẳm.


 

 Lớp học lớp 1 của thầy Sử có 4 học sinh. Ảnh: Nhật Hồng


Đỉnh cao Lũng Cú, người ta đến nhiều, thậm chí rất nhiều rồi, nhưng đến điểm sâu nhất của dải biên giới Bắc Hà Giang, nơi con sông Chảy bắt nguồn đổ về đất Việt thì ít, thậm chí rất ít ai biết đến. Tựalưng vào cột mốc 172 Ma Lì Sán nhìn lên phía Bắc là con sông Trắng chảy về Thín Dí Hạ của nước bạn Trung Hoa. Nhìn về phía Tây Bắc nơi con sông Chảy bắt nguồn là ngã ba tiếp giáp phần Bắc nhiều hơn là thôn Thèn Ván (Trung Quốc), nghiêng về Tây Bắc là mảnh đất Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai. Nhìn về Đông Nam là mảnh đất Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Còn tựa lưng vào cột mốc 172 nhìn về phía Đông là đất Pà Vầy Sủ (Xín Mần - Hà Giang). Người ta bảo, nếu tụt dốc từ khu yên ngựa thuộc thôn Khẩu Sỉn, chỗ tiếp giáp thôn Ma Lì Sán xuống tới cột mốc 172 phải đi hơn 4.700 bậc thang. Còn từ cột mốc 172 xuống tới dòng sông Chảy phải tụt dốc hơn nửa giờ đồng hồ nữa. Đến Ma Lì Sán, chạm tay vào cột mốc biên giới nơi ngã ba thẳm sâu này phải cuốc bộ 8 km từ xã Pà Vầy Sủ đến yên ngựa Khâu Sỉn. Rồi từ yên ngựa Khâu Sỉn xuống đây hơn 1 giờ cho những người đi bộ giỏi. Ma Lì Sán được ví như nơi “chót” của chiếc đuôi “Con Cáo” trên dải đất biên giới Xín Mần - Hà Giang. Xin nói thêm rằng, nếu ai đó muốn khám phá nơi sâu thẳm có ngã ba sông Chảy (Việt Nam), sông Trắng (Trung Quốc) và miền đất Si Ma Cai (Lào Cai) đòi hỏi rất lớn ở tinh thần thép và nhớ cầm theo “một cây gậy tốt” để chống đẩy khi lên núi, lúc xuống đèo, kẻo trượt chân xuống vực.


Mảnh đất ở điểm chót đuôi con cáo này chỉ có 21 hộ đồng bào Mông sinh sống, với 139 khẩu. Ông Sùng Seo Páo, cán bộ khuyến nông thôn Ma Lì Sán, cho biết: Trong thôn 21 hộ chia làm 2 điểm dân cư tạm gọi là Ma Lì Sán 1 (nơi bờ sông ở chân cột mốc 172 có 9 hộ. Còn lại ở Ma Lì Sán 2 là 12 hộ, nằm sát đường biên giới Việt - Trung nơi cột mốc 173 - 174 đi qua kéo lên đến cột mốc 175 nơi lưng chừng dốc Ma Lì Sán, kéo đến cột mốc 176 là điểm cao chỗ yên ngựa tiếp giáp thôn Khâu Sỉn. Lúc đầu có ý định vào Ma Lì Sán để viết về việc “gieo chữ” thôi, nhưng đến đây rồi, nhiều điều bất ngờ quá, sâu sắc quá, đồng thời cũng gian lao, phi thường quá. Lớp 1 của thầy giáo Hoàng Lịch Sử chỉ vẻn vẹn có 4 học sinh học ở Ma Lì Sán 2. Lớp 5 của thầy giáo Lù Văn Long, 47 tuổi ở Ma Lì Sán 1 có 7 học sinh. Và lớp 3 + 4 ghép của thầy Hoàng Trung Hiếu có 10 học sinh. Các lớp học được bà con làm tường, lớp Phi brô xi-măng. Còn nhà lưu trú của các thầy thì tường đất, lợp tranh, trong đó, là những chiếc giường ọp ẹp, bàn soạn giáo án sơ sài và chiếc đèn dầu cũ sỉn ám muội lên tường đất lổ loang theo thời gian. Thầy Sử tâm sự: Năm nay thầy 42 mùa hoa cải. Quê thôn Nà Mèo, xã Tân Nam (Quang Bình). Học xong Sư phạm thầy đi dạy học hết ở Chế Là, Nấm Dẩn, Bản Ngò, đến Quảng Nguyên xa lắc, đến năm 2003 được phân công về nơi “đuôi cá” Ma Lì Sán. Thầy có 1 vợ 3 đứa con ở quê. Năm nay anh đã lên chức “Pú Ta” (ông ngoại) rồi mà vẫn “cơm niêu, nước lọ” nơi sâu nhất, xa nhất, gian khó đến tột cùng của vùng biên ải để “gieo vần”. Cả một chặng đường dài từ Xín Mần (Cốc Pài) vào đây vài chục km, chỉ có 15 km đi xe máy, còn hơn nửa chặng đường nữa là đi bộ, chống gậy leo dốc, tụt dốc. Mọi thứ: Gạo, dầu, muối mắm đều cõng từ Cốc Pài vào. Trừ mỗi rau xanh đồng bào, học sinh cung cấp tại chỗ, bởi ở đây người Mông chủ yếu làm nương trồng ngô, ăn mèn mén. Trong cả 3 thầy, thì thầy Sử có “thâm niên” cao nhất gieo chữ ở Ma Lì Sán, 6 năm đằng đẵng gắn bản, bám trường. Thầy Sử bảo tôi: Lớp 1 của em có 4 học sinh, còn 2 em nữa ngay tại bản đã lên 8-9 tuổi, quá tuổi vào lớp 1 nên không đi học nữa. Hỏi tại sao lớp 1 có 4 em, còn lại 2 em quá tuổi không đi học? Đấy là lúc muốn mở lớp cho đúng tuổi, thì lại chưa đủ điều kiện mở lớp vì không đảm bảo chỉ tiêu số học sinh để thành lập lớp học. Thành thử khi có đủ học sinh mở lớp theo quy định, thì các em đã quá tuổi. Nghịch lý nơi thẳm sâu là thế, bây giờ thầy phải cố vận động để các em quá tuổi đi học, mà xem ra khó. Khó đấy, khó nhất là tư tưởng đồng bào chưa thông. Thầy Sử cười như thèn thẹn với mình: Mà anh thấy đấy, bản thân em 6 năm gắn bản cái gì cũng thiếu, thiếu từ hạt muối, phao dầu và một chút hơi ấm của người thân bao ngày xa cách. Hơn 42 tuổi rồi, cái “góc đổ” đã say bên dốc xuôi, giờ thì phải cố níu giữ, kìm phanh để nó khỏi tuột xuống dốc. ở đây, cả 3 thầy đều thế cả anh ạ, vẫn “cơm niêu, nước lọ và ngủ lều” để bám bán, bám học sinh, kiên nhẫn chở “từng li” con chữ, tri thức của nhân loại về đến tận cùng nơi gian khó, mong cho ngày mai tươi sáng hơn. Hơn 6 năm gắn bó, các thầy đã kế tiếp nhau mở lớp 1, lớp 2 + lớp 3; rồi lớp 3 ghép lớp 4, giờ đã có học sinh lớp 5 sắp đi hết đoạn đầu của hệ tiểu học, mong cho Ma Lì Sán được các học trò của mình đem “con chữ” làm đổi thay diện mạo vùng biên. Mong ước là thế, nhưng còn xa xa nữa. Lão khuyến nông bản Sùng Seo Páo bảo như vậy. Lại nó về ông lão “ăn cơm nhà, vác tù và hàng thôn”. Lão Páo năm nay 54 tuổi, được ví như “con cáo” của “đuôi cao” Ma Lì Sán và con sóc của vùng rừng sâu, suối thẳm, bởi lão nhỏ người, đi lại như sóc, nhảy chuyền như khỉ. Lão Páo bảo tôi: Mình cần 3 giờ để vượt dốc, xuống dốc ra đến xã. Và cần thêm 3 giờ là đến huyện. Làm khuyến nông thôn 3 năm nay “vác đủ” các loại thập cẩm từ: Giống, cách trồng cây ngô, đậu, đến hết 21 hộ dân, nói chuyện, bắt tay, chỉ việc cho cả thôn trên trăm người rồi. Bây giờ dân trong thôn, tay chưa giàu, nhưng cái nghèo “đi qua” lâu rồi. Cả thôn chỉ còn 2 hộ thiếu ăn, nhưng nó lười lắm, nói mãi, bảo mãi, cái đầu nó không chịu. Đành vậy! Lão Páo thở dài: Cái đầu không chịu, thì cái bụng nó đói là lẽ đương nhiên rồi. Cái bệnh ấy chỉ có giời cứu, lười là đói, là hèn, phải không anh? Câu chuyện khi đến thăm như lão khuyến nông già của thôn thực sự một lần nữa gây ngỡ ngàng... nhà lão Páo có cả thảy 16 người, 3 thế hệ sống chung nhau. Lão hiện có 3 cô con dâu, 3 đứa cháu nội, 6 thằng con trai, 1 cô con gái và vợ chồng già. Khoe tôi khoang gác đứng đựng đầy ngô từ năm 2007, rồi ngô mới thu năm 2008, đậu tương, trâu, gà, lợn... lão Páo bảo: Ngô ăn không hết, trâu có, lợn có, gà nhiều, nuôi chỉ để “làm rau” ăn thôi. Cả làng “đuôi cao” này đều: Tự sản - tự tiêu là chính, ngoài dầu, muối phải mua, lẽ cũng phải, khỏe, nhanh như lão mà mỗi tháng cũng chỉ dám ra xã giao ban khuyến nông, tình hình cơ sở có 1 lần. Lương thu nhập Nhà nước đài thọ cho lão khuyến nông thôn chỉ trăm ngàn đồng/tháng. Lương của anh Phó trưởng thôn Sùng Seo Sán xác nhận như vậy và kể cả lương Phó trưởng thôn cũng không quá trăm ngàn/tháng, èo ợt không đủ ăn, đi về khi giao ban, chứ chưa nói đến mọi việc: Trồng cấy, mùa vụ, sinh nở, canh phòng, tuần tra đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh, trật tự, giữ vững lòng tin nhân dân, tất cả đều đến tay họ, những cán bộ vì dân, vì đất nước, vì biên giới của Tổ quốc thân yêu, thiêng liêng, cao cả.


Ở Ma Lì Sán, ngoài ít tấm lợp Phi rô xi-măng giúp 21 hộ lợp nhà, còn có 17 cái bể nước được đầu tư từ những năm 90 thế kỷ trước đến nay chỉ có 4 bể có nước, 13 bể bỏ không từ khi nó được xây vì không dẫn được nước vào bể? Ngoài ra Ma Lì Sán là nơi tách biệt, tận cùng ở điểm sâu nhất, khó nhất trên dải biên cương Hà Giang. ở đây, không đường, không điện, gần như không trường (trường lớp tạm bợ). Đến Ma Lì Sán đã khó, ra khỏi Ma Lì Sán lại càng khó hơn vì con đường dốc đứng, dựng ngược. Anh Mai Trọng Thủy, cán bộ Công an xây dựng cơ sở, ở Pà Vầy Sủ 5 năm nay xác nhận: Đến điểm “chóp đuôi cáo” chỉ đến được khi trời nắng mát. Và cũng chỉ có duy nhất người đến là các thầy giáo “cắm bản”, các cán bộ cắm bản cơ sở như: Biên phòng, Công an. Mới đây là cơ quan “gắn thôn” khi và chỉ khi được giao nhiệm vụ. Lại hỏi về ước mong của anh Hoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ kiêm cán bộ khuyến nông xã, anh bảo: Không riêng gì cá nhân tôi, mà cả Ma Lì Sán chỉ mong “có 1 lần thôi” Ma Lì Sán được đón tiếp những nhà lãnh đạo của tỉnh, của huyện về thăm nhân dân, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ Ma Lì Sán. Hỏi thêm mới biết, ở Xín Mần, anh Dương Minh Hòa, Chủ tịch huyện và cũng là người lãnh đạo huyện “độc nhất từ xa nay” đã đến thăm, chia sẻ với đồng bào nơi mũi chóp đầu nguồn sông Chảy. Điện thoại cho tôi, anh Hòa bảo đến Ma Lì Sán khảo sát mở đường vào, đưa Ma Lì Sán “về gần” hơn với cuộc sống thường ngày. Tôi mong sớm được như vậy để Ma Lì Sán gần hơn.


Bữa cơm trưa tại lớp học của thầy Sử ở Ma Lì Sán 2 được “ưu tiên” cất đi cá mắm, lạc rang mang từ Cốc Pài vào, thay vào đó là một con gà “tối” (gà đen) 1 con “gà ngày” của bản do Phó thôn, khuyến nông viên, công an viên, người dân gần trường đưa đến đãi cán bộ về thôn thăm bản. Lão Páo, khuyến nông viên bảo, ở Ma Lì Sán, dân bản nuôi gà, trâu, lợn... chỉ để “làm rau” ăn thôi, có cả can rượu ngô trồng nương mang về làm lấy uống... “Nào ta cùng uống một chén rượu đoàn kết nhé”. Chiến sỹ biên phòng gắn bản Trần Đức Cường, 4 năm nằm vùng, gắn bản, cho biết: ở Ma Lì Sán, tất cả dân bản, công an, bộ đội, các thầy giáo, già làng, đều một lòng như chén rượu đầy lão Páo mời đó. Tôi đã thấy rồi: ở Ma Lì Sán gian khó, thủy chung, hiện lên trong sâu thẳm tấm lòng của những người tôi đã thấy, đã gặp ở đây. Một cuộc sống mộc mạc, chân thành, đã gắn kết họ lại để giữ vững một vùng biên giới bình yên. Chụp xong bức ảnh lưu niệm ở mốc 174, chúng tôi dời Ma Lì Sán lúc chiều tà. Từng đợt gió lạnh của cái lạnh đầu mùa cứ hắt ngược từ phía ngã ba đầu nguồn sông Chảy dội lên như vừa thúc đẩy, vừa núi kéo. Biên giới thì bình yên,nhưng tôi và cả đoàn công tác cán bộ: Phòng Giáo dục, công an, bộ đội, cán bộ xã... mỗi người trong lòng ngổn ngang suy tư. Đêm Cốc Pài, nằm trong chăn đệm nhà khách miền Tây không sao chợp mắt, Ma Lì Sán cứ hiện về với bao trăn trở khôn nguôi.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gắn biển chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam
HGĐT- Ngày 28.10, tại công trường xây dựng cầu Ngán Chiên (Xín Mần), LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công đoàn ngành GT-VT tổ chức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X và phát động thi đua trong toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công cầu.
29/10/2008
Mèo vạc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
HGĐT- Mèo Vạc là một trong 6 huyện vùng cao của tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn, toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, trong đó có 15 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
29/10/2008
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Đồng Văn đã vươn lên thoát nghèo
HGĐT- XĐGN ở vùng đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó có huyện Đồng Văn, hiện nay không chỉ là chính sách xã hội được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm mà còn là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển KT - VH - XH.
27/10/2008
Qua kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng - dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang: Mua xăng A95 nhưng chất lượng chỉ bằng A92
HGĐT- Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Đo lường kiểm tra chất lượng, chi cục Quản lý thị trường Hà Giang và Phòng PC 15, Công an tỉnh, đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang.
27/10/2008