Năng động Xuân Giang

07:27, 06/11/2008

HGĐT- Anh Hoàng Tuyền, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang (Quang Bình) đã có lần khoe: Lâu lắm anh chẳng về, Xuân Giang quê tôi đang đổi thay từng ngày. Làng lúa xanh xưa chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành “phố”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Tuyền giải thích: ý tớ là “Làng ở trong phố, hay phố ở trong làng” đại loại là như thế, đổi thay nhiều lắm, về thăm nhé...


Xuân Giang cuối thu, trời xanh thẳm. Làng trên, xóm dưới rộn rã mùa thu hoạch. Từ thôn Trung vào thôn Quyền, xuống thôn Kiêu... lúa trĩu bông như trải thảm trên đồng. Anh Lê Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Vụ mùa năm nay Xuân Giang cấy 288 ha lúa, lúa lai 216 ha, lúa chất lượng cao 62 ha, còn lại 10 ha là lúa thuần. Xét về cơ cấu thì lúa lai chiếm 75% diện tích gieo cấy, lúa chất lượng cao chiếm 21,5%, lúa thuần chiếm 3,5%. Toàn bộ diện tích gieo cấy được áp dụng 100% giống mới, trồng thâm canh. Khác với mọi năm, vụ mùa này Xuân Giang chủ động gieo cấy sớm hơn cùng kỳ chừng 7 - 10 ngày. Một mặt là thời tiết thuận lợi, một mặt là để “chạy” vụ 3 cho kịp thời gian, tránh rét, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Xét về góc độ chủ quan thì thời tiết tốt, thuận hòa mưa nắng. Xuân Giang có hệ thống tưới tiêu đảm bảo, có cán bộ khuyến nông gắn cơ sở, đảm bảo cho khâu chuyển giao kỹ thuật. Thực hiện “làm chắc, ăn chắc” ngay từ đầu vụ. Xét về mặt khách quan, Xuân Giang đã làm nhiều năm vụ 3, nên có kinh nghiệm chỉ đạo. Đồng bào cơ bản nắm vững phương cách làm ăn. Cạnh đó, Xuân Giang có thị trường mở, đang tập trung đầu tư xây dựng thành “thị tứ” vào năm 2010 đưa “Làng thành phố”. Phó thôn Trì, Hoàng Văn Thủy đưa tôi về thôn xem bà con thu hoạch, xem hồ Lai Quang rộng 9,8 ha được xã chọn làm điểm du lịch sinh thái cộng đồng, vừa đi vừa kể: Xuân Giang bây giờ đã thay đổi cách làm ăn mới. Trồng lúa, ngô giống mới. Đầu tư đủ nước, đủ phân, cấy theo sự chỉ đạo chung, làm nhanh gọn. Hết thu hoạch mùa, đồng bào làm ngô đông, đậu tương, rau các loại. Theo đánh giá năng suất lúa bình quân toàn xã mùa này đạt gần 60 tạ/ha. Thu hoạch đến đâu dân thôn Trung, thôn Kiêu trồng ngay ngô bầu xuống ruộng. ở thôn Quyền, thôn Mới, đồng bào còn trồng rau cải sớm, su hào chính vụ và trồng đậu tương đông. Nhìn tổng thể, cả xã Xuân Giang mấy năm gần đây phát triển sản xuất “chẳng khác” dưới Vĩnh Phúc, Phú Thọ, đang tập trung chỉ đạo “coi” vụ đông là vụ “sản xuất chính” mang thu nhập cao cho người lao động nhằm xóa hết đói nghèo. Anh Hoàng Tuyền cho biết: Tính đến hết tháng 6.2008, xã điều tra lại chỉ còn 74 hộ nghèo, chiếm gần 7% dân số toàn xã. Hướng thoát nghèo chủ yếu của làng xã là: “áp dụng giống mới + KHKT + thâm canh tăng vụ”, tức là đổi mới hoàn toàn phương thức làm ăn cũ để làm ăn mới. Theo đánh giá, toàn xã có 9 thôn, 1.043 hộ thì 74 hộ nghèo chủ yếu nằm ở thôn Bản Tát, thôn vùng sâu trên đường vào Nà Khương. Cái nghèo của họ là thiếu đất, vốn sản xuất và “chậm” đổi mới tư duy. Để đưa họ thoát nghèo, xã đã thành lập Ban chỉ đạo “kèm” chặt bằng những cán bộ chủ chốt “gắn” thôn, kèm hộ, quyết xóa nghèo từ “cái đầu” kết hợp với ngân hàng “giúp” thêm “lưng vốn” để họ làm ăn, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Trông khuôn mặt đầy quyết tâm của Chủ tịch UBND xã, tôi nghĩ, chẳng bao lâu nữa đến Xuân Giang sẽ là một làng xã không có người nghèo nhờ giải pháp, cơ chế đúng mức.


Đến Làng Văn hóa thôn Trì, mới hay chị Hoàng Thị Nhị “phục tráng” lại nghề truyền thống để đón khách du lịch thăm hồ Lai Quáng. Những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, tinh tế được làm ra từ đôi bàn tay nhà nông tưởng như thô ráp. Đặc biệt hơn là giọng Si, Lượn mượt mà, chứa đựng cả tâm hồn quê hương, làm say lòng người đến. Trưởng thôn Hoàng Văn Khoa cho biết: Xây dựng và gìn giữ nét đẹp truyền thống của người dân ở Xuân Giang, của thôn Trì là xây dựng đời sống mới ở khu dân cư mà chúng tôi đang đưa ra một “điểm chuẩn” đó là: “Bản sắc dân tộc Tày của Xuân Giang” được bảo tồn, kết hợp văn hóa các dân tộc khác, tinh hoa khác. Theo đó, thôn có 106 hộ, mỗi hộ phấn đấu từ một đến hai tiết mục hát Cọi, hát Lướn. Và tập hợp nhiều tác phẩm thêu, dệt truyền thống để đón và phục vụ du khách đến thăm.


Rời cánh đồng làng đang mùa gặt, trung tâm xã Xuân Giang ngổn ngang nhiều công trình xây dựng. Chủ tịch UBND xã Hoàng Tuyền cho biết: Mục tiêu của xã là xây dựng làng xã văn minh, phát triển kinh tế, không có hộ đói nghèo vào năm 2010. Mục tiêu thứ là xây dựng trung tâm xã thành thị tứ “nông thôn” nghĩa là: Có hạ tầng đáp ứng như: Điện, đường, trường, trạm, có phố sá văn minh. Theo tính toán, xã sẽ quy hoạch thêm 1 ha mở rộng lên thôn Trung, tiếp nhận thêm 100 hộ, nhằm mở rộng phố sá. Hiện tại, trung tâm xã có trên 100 hộ, có 80 hộ kinh doanh. Hạ tầng hiện có: 4 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Có 3 trạm tiếp sóng di động, có cụm khám đa khoa, HTX tín dụng và một hệ thống giao thông đang mở rộng, nâng cấp. Dự định, hết năm 2008 đến giữa năm 2009, toàn bộ hạ tầng trung tâm cụm xã Xuân Giang sẽ hoàn thiện “đủ” để công nhận nâng cấp lên thị tứ, trở thành “phố” xã Xuân Giang. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Tiến Cường cho biết thêm: Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay để đưa Xuân Giang từ “làng” lên “phố” chính là đào tạo thêm nghề cho nông dân. Trong đó, chọn nghề truyền thống là hướng đi chính. Tiếp đó sẽ mở thêm các nghề đan, nghề mộc, nề và nghề điện, nước mới đáp ứng cho phát triển. Để đáp ứng việc đó, xã đã xây dựng kế hoạch liên kết với Trung tâm Dạy nghề của tỉnh, mở rộng thêm với các đối tác khác để đào tạo nghề cho con em. Tạo việc làm mới, gắn công tác quy hoạch sẽ tạo ra một “Xuân Giang có làng gắn phố” mở rộng để phát triển đa dạng. Hiện Xuân Giang đang đặt ra mục tiêu phát triển làng quê có sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, gắn liền làng nghề, làng văn hóa. Xây dựng trung tâm cụm xã trở thành “đô thị nông thôn” gắn liền với nghề mới, với dịch vụ, xây dựng... Đi kèm theo mục tiêu đến hết năm 2010, toàn xã cơ bản xóa xong 7,4% số hộ nghèo, đưa Xuân Giang phát triển bền vững trong bức tranh: “Làng ở trong phố và nhìn trong phố thấy làng quê xanh”.


Xuân Giang hôm nay đang trong bộn bề của sự phát triển, sự năng động của một vùng quê.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo vạc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
HGĐT- Mèo Vạc là một trong 6 huyện vùng cao của tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn, toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, trong đó có 15 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.
29/10/2008
Gắn biển chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam
HGĐT- Ngày 28.10, tại công trường xây dựng cầu Ngán Chiên (Xín Mần), LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công đoàn ngành GT-VT tổ chức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X và phát động thi đua trong toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công cầu.
29/10/2008
Qua kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng - dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang: Mua xăng A95 nhưng chất lượng chỉ bằng A92
HGĐT- Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Đo lường kiểm tra chất lượng, chi cục Quản lý thị trường Hà Giang và Phòng PC 15, Công an tỉnh, đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn huyện Bắc Quang.
27/10/2008
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Đồng Văn đã vươn lên thoát nghèo
HGĐT- XĐGN ở vùng đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó có huyện Đồng Văn, hiện nay không chỉ là chính sách xã hội được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm mà còn là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển KT - VH - XH.
27/10/2008