Dòng họ 9 đời gìn giữ bộ váy áo truyền thống của người Cờ Lao

08:03, 16/07/2014

HGĐT- Đã qua 9 thế hệ từ khi người Cờ Lao di cư đến và định canh, định cư ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì), nhiều nét truyền thống về bản sắc văn hóa đã bị mai một hoặc pha trộn với những dân tộc bản địa cùng sinh sống trên địa bàn.


Thế nhưng, một bộ váy áo cổ với những họa tiết, hoa văn đặc sắc, tinh tế thể hiện rõ nét từng chi tiết trong bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Cờ Lao có niên đại khoảng thế kỷ 18, 19 vẫn còn được dòng họ Min lưu giữ gần như nguyên vẹn. Điều đó cho thấy bản sắc dân tộc vẫn không ngừng được người Cờ Lao quan tâm, gìn giữ.




Từ nguồn thông tin của bà con và cán bộ xã Túng Sán, chúng tôi tìm đến gia đình ông Min Hùng Sài, thôn Tả Chải, người được giao trọng trách gìn giữ bộ váy áo của cha ông truyền lại. Nhưng rất tiếc, khi chúng tôi đến nhà thì được biết ông Sài mới qua đời. Hiện nay, bộ váy áo được vợ và các con, các cháu ông Sài trông coi. Anh Min Phà Thìn, người con trai cả của ông Sài - đời thứ 8 của dòng họ Min cho chúng tôi biết: “Trước khi bố tôi mất, ông đã gọi các con và các cháu nội, cháu ngoại đến và căn dặn: Dòng họ Min đã qua 8 đời với biết bao biến động của thời đại nhưng vẫn giữ được bộ váy áo cổ của cha ông để lại. Nên dù thế nào đi nữa, cháu con từ đời thứ 9 trở đi cũng phải giữ gìn cẩn thận bộ váy áo, đó là kỷ vật của Tổ tiên và cũng là hiện vật biểu trưng những nét truyền thống, văn hóa dân tộc Cờ Lao”.


Sau câu chuyện về ông Sài, gia đình anh Thìn cho chúng xem bộ váy áo cổ với những hoa văn, họa tiết đẹp, được dệt thủ công một cách tỉ mỉ. Phần chân váy nổi bật với 4 gam màu: Đỏ, xanh tràm, đen và trắng, kết hợp với những mảng màu nổi bật là những ô vuông, hình trám dệt trên đường sọc ngang giữa chân váy. Riêng phần áo lấy màu xanh tràm làm chủ đạo, hai cổ tay là màu đen trắng làm nổi bật trên nền xanh; cổ áo có thiết kế giống của dân tộc hoa, cúc được đóng bên phải... Nhìn bộ váy áo chúng tôi thấy vẫn còn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, anh Thìn cho biết: “Bộ váy áo hay được các gia đình làm đám ma mượn để thầy cúng làm lễ, trải qua hàng trăm năm nên dù nhìn vẫn nguyên vẹn nhưng nó không còn được tốt như trước nữa, thậm chí một số điểm trên áo đang có dấu hiệu bị thủng do chất liệu bị hỏng”. Được biết, nhiều lần các bảo tàng của tỉnh, Trung ương ngỏ ý muốn đưa chiếc áo về trưng bày nhưng gia đình ông Sài và cộng đồng người Cờ Lao không đồng ý vì nó liên quan đến phong tục, tín ngưỡng, tâm linh.


Theo các tài liệu ngiên cứu, dân tộc Cờ Lao có mặt ở Hà Giang cách đây khoảng 120 đến 250 năm. Cộng đồng người Cờ Lao ở nước ta tính đến 2009 có 2.636 người, trong đó sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 2.301 người, chiếm 87,3% tổng số người Cờ Lao ở nước ta. Người Cờ lao sinh sống chủ yếu ở các huyện Su Phì và Đồng Văn còn một số ít ở Vị Xuyên, Yên Minh. Hiện nay, cộng đồng người Cờ Lao ở Túng Sán có 183 hộ với 836 nhân khẩu. Khi đến định canh định cư ở đây, họ đem theo nhiều đồ dùng, vật dụng từ nơi ở cũ đến để sinh sống khai phá đất đai, phát triển kinh tế. Theo những người Cờ Lao ở Túng Sán cho biết: Qua thời gian, các đồ dùng, vật dụng được cha ông họ thay đổi để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và canh tác của nơi ở mới và những bộ trang phục cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, 3 trong số 8 dòng họ người Cờ Lao ở Túng Sán là Vàng, Tráng và Min đã giữ lại 3 bộ váy áo cổ (dành cho phụ nữ mặc) của cha ông để lại bởi những bộ váy áo đó có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của họ, đặc biệt là trong các đám ma, thầy cúng phải dùng những bộ trang phục này để thực hiện các nghi thức cúng tế, thần linh và người đã khuất. Trong khi di cư đến Túng Sán, cha ông họ không thể mang theo khung dệt vải và ở đây không có những chất liệu để dệt nên những bộ quần áo như thế. Vì vậy chúng được cả cộng đồng người Cờ Lao ở đây bảo vệ. Thế nhưng, theo những già làng kể lại thì vào thập niên 50 của thế kỷ trước, thổ phỉ đã đến càn quét, cướp bóc của cải của người Cờ Lao và trong sự hỗn loạn, 2 bộ váy áo của dòng họ Tráng và dòng họ Vàng đã bị cướp và thất lạc, chỉ còn duy nhất bộ váy áo của dòng họ Min còn giữ lại được cho đến ngày nay.


Dân tộc Cờ Lao là một trong số những dân tộc ít người nhất ở nước ta nên được Đảng, Nhà nước cực kỳ quan tâm, hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế và đặc biệt là việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ còn lại rất ít phong tục truyền thống của người Cờ Lao được gìn giữ. Thế nên, bộ váy áo cổ của người Cờ Lao đã được giữ gìn hàng trăm năm qua, một vật chứng rõ nét về một khía cạnh văn hóa truyền thống của dân tộc này rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng để tiếp tục gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay, vì thường xuyên được người Cờ Lao sử dụng vào các nghi thức tế lễ trong đám ma đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất liệu và tuổi thọ của bộ trang phục. Nếu muốn giữ được nó nguyên vẹn, các ngành, chức năng cần vào cuộc để có biện pháp bảo tồn bộ trang phục, bởi đó không chỉ là bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Cờ Lao và cả cộng đồng 54 dân tộc ở Việt Nam.


DUY TUẤN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình Đồ Rê Mí lên sóng VTV3 từ ngày 13-7
Năm nay, "sân chơi" âm nhạc dành cho thiếu nhi yêu ca hát - "Đồ Rê Mí 2014" - sẽ lên sóng VTV3 với 11 số, vào 20h chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 13-7.
30/06/2014
Tin nhắn
HGĐT- Đầu tháng 5 vừa rồi, khi theo mẹ sang thăm và tặng quà ông ngoại nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đạt thấy ông rất lạ. Mọi bận, khi thấy Đạt đến chơi ông thường ra tận cổng đón, ôm nó vào lòng, thơm lên tóc, lên trán, rồi cọ bộ râu ráp như bàn chải vào má nó. Nhưng lần này thì khác. Ông ngồi như hóa đá trước màn hình ti vi, gương mặt nghiêm nghị pha chút
28/06/2014
Ông Nội tôi
Người ông Nội của tôiNay thọ tuổi chín mươiNhưng ông vẫn vui vẻÔng tôi thường hay kểCuộc kháng chiến đánh Tây
28/06/2014
Trong tôi... biển, đảo
Mênh mông xanh ngắt một mầuSóng xô bờ cát đón tầu ra khơiSao vàng cờ đỏ thắm tươiTung bay trong gió biển trời của ta.
28/06/2014