Tin nhắn

08:46, 28/06/2014

HGĐT- Đầu tháng 5 vừa rồi, khi theo mẹ sang thăm và tặng quà ông ngoại nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đạt thấy ông rất lạ. Mọi bận, khi thấy Đạt đến chơi ông thường ra tận cổng đón, ôm nó vào lòng, thơm lên tóc, lên trán, rồi cọ bộ râu ráp như bàn chải vào má nó. Nhưng lần này thì khác. Ông ngồi như hóa đá trước màn hình ti vi, gương mặt nghiêm nghị pha chút căng thẳng. Hai mẹ con Đạt phải chào lần thứ hai mới thấy ông quay lại. Giọng ông không vui như mọi khi:


- Hai mẹ con cháu đến thăm ông đấy à? Đạt lại đây với ông nào!

Mẹ Đạt đặt túi quà lên bàn, hỏi ông ngoại:

- Hôm nay bố không ra nghĩa trang liệt sĩ viếng đồng đội à?

- Có. Bố đang định xem xong bản tin thời sự về tình hình biển Đông rồi mới sang rủ mấy ông bạn cựu chiến binh cùng đi. Tệ thật! Bạn bè, anh em, đồng chí, láng giềng gì mà lại thành ra kẻ cướp!

- Bố nói ai cơ? - Mẹ Đạt hỏi.

- Là bố nói cái “ông bạn” láng giềng Trung Quốc chứ ai! Miệng lúc nào cũng ra rả “bốn tốt” rồi “mười sáu chữ vàng” với ta, vậy mà lại ngang nhiên đem giàn khoan đến hạ đặt trái phép ở vùng biển nước ta, rồi cho các loại tầu lớn đến uy hiếp, chèn ép, phun vòi rồng, đâm húc vào các tầu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư và tàu đánh cá của Việt Nam! Đúng là nếu không vì hòa bình, vì tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc thì chúng ta phải nện cho chúng một trận tơi bời, cho chúng biết thế nào là lễ độ, cho chúng hết cái thói côn đồ, bành trướng. Để chúng thấy rằng, đừng có cậy nước lớn, cậy giầu có mà làm càn. Lịch sử còn rành rành ra đó. Xưa kia bao nhiêu lần ông cha họ đem quân xâm lược nước ta đều bị ông cha ta đánh cho thua tan tác cả dưới nước lẫn trên cạn. Chả lẽ họ đã quên những bài học lịch sử đó rồi sao?

Mẹ Đạt đợi cho ông ngoại bớt cơn xúc động, nhỏ nhẹ nói:

- Bố đúng là cựu chiến binh có khác, cứ hay nói chuyện đánh nhau. Bây giờ hòa bình, yên ổn làm ăn là mục tiêu trên hết, đánh nhau chỉ có khổ thôi bố ạ!

Ông ngoại ngẫm nghĩ một lát, rồi nói với mẹ Đạt như tâm sự:

- Con ạ, chính các cựu chiến binh như bố là những người hiểu rõ nhất sự khốc liệt của chiến tranh và cái giá phải trả cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Chúng ta yêu chuộng hòa bình và quý trọng tình hữu nghị, nhưng chúng ta không thể cúi đầu trước bạo ngược. Một khi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm và lẽ phải bị chà đạp thì chúng ta không thể ngồi yên được đâu con ạ!

Ông ngoại vừa dứt lời thì ở ngoài cửa có tiếng ồn ào. Các bạn cựu chiến binh của ông đến đàm đạo về chuyện biển đảo và rủ ông ra nghĩa trang viếng các liệt sĩ. Ai cũng mặc quần áo bộ đội, đeo quân hàm, quân hiệu và huân, huy chương đỏ ngực.

* Từ hôm ở nhà ngoại trở về, hôm nào Đạt cũng xem bản tin thời sự về tình hình biển Đông trên ti vi. Mặc dù vừa mới học xong lớp 5, chưa hiểu rõ mọi chuyện như người lớn, nhưng Đạt cũng cảm nhận được một điều gì đó rất tồi tệ, nhất là khi nó nhìn thấy tàu Trung Quốc phun vòi rồng, vây đuổi, đâm húc các tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân ta. Nhìn những gương mặt hốc hác, đờ đẫn, sạm đen của các ngư dân thoát chết từ chiếc tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm trở về, Đạt thấy thương quá! Những hình ảnh đó trở thành nỗi ám ảnh khắc sâu trong lòng nó. Đạt bỗng ước mình lớn thật nhanh để ra biển giúp những ngư dân hiền lành chống lại lũ tàn ác, bất nhân. Đêm ấy Đạt mơ thấy mình lớn nhanh như Thánh Gióng, ăn một bữa hết cả nồi cơm, trở thành một người lính Hải quân cường tráng, bơi giỏi như cụ Yết Kiêu thời nhà Trần, cưỡi tàu màu đỏ sao vàng lướt sóng ra biển Đông, đuổi dạt giàn khoan Hải Dương 981 cùng tất cả các tàu của bọn bành trướng ra khỏi vùng biển nước ta.

Sáng hôm sau Đạt kể lại giấc mơ cho mẹ nghe. Mẹ ôm Đạt vào lòng, khẽ thở dài, nói với con:

- Mẹ chỉ mong sao phía Trung Quốc sớm nhận ra việc làm sai trái của họ, tự rút giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng biển nước ta. Nếu họ làm được như vậy thì tình cảm giữa ta với họ sẽ tốt hơn, các nước sẽ tin tưởng họ hơn; đứa con nhỏ bé của mẹ sẽ không phải cưỡi tàu màu đỏ sao vàng ra biển đuổi họ nữa!

Cô bán hàng rau quả dựng xe ngay trước cửa, gọi mẹ Đạt:

- Chị ơi! Hôm nay em có mướp hương ngon lắm. Chị lấy mấy quả nhá!

- Ờ. Để cho chị mấy quả!

Mẹ đang chọn mướp thì điện thoại của mẹ báo có tin nhắn. Mẹ bảo Đạt:

- Con đọc tin nhắn hộ mẹ!

- Vâng ạ.

Đạt nhanh nhẩu mở tin nhắn. Đó là tin về chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” thông qua tin nhắn của các thuê bao. Đọc xong tin nhắn, Đạt ngồi thẫn thờ, vẻ nghĩ ngợi. Lát sau gương mặt nó lộ ra nét vui tươi vốn có. Nó chạy vào buồng, mở tủ lôi ra con lợn nhựa. Nó ôm lợn nhựa hôn hít một hồi, rồi nói như tâm sự: “Lợn nhựa ơi! Chúng mình xa nhau nhá! Tôi rất yêu bạn nhưng hôm nay vẫn phải mổ thịt bạn thôi. Vì tôi đang có việc cần đến tiền! Bạn hãy thông cảm cho tôi nhá!”. Dứt lời, Đạt dùng dao rạch bụng lợn nhựa. Nó đổ tiền trong bụng lợn ra chiếu. Đếm tổng cộng được bốn trăm nghìn đồng. Đây là số tiền Đạt được lì xì hồi Tết Giáp Ngọ vừa qua, cộng với một trăm nghìn tiền thưởng học sinh giỏi mới đây. Lúc đầu Đạt chỉ định dùng một nửa số tiền mua thẻ cào để nhắn tin ủng hộ, số còn lại tiếp tục “nuôi” lợn nhựa. Nhưng hình ảnh các ngư dân với những cặp mắt xót xa nhìn xác chiếc tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc đâm thủng cứ hiện lên trước mặt, khiến Đạt không đành lòng. Nó cầm hết cả bốn trăm nghìn đồng bước ra khỏi nhà. Nhân lúc mẹ đang lúi húi nấu cơm dưới bếp, Đạt chạy ù ra ngoài quán cô Phượng mua thẻ cào. Thấy Đạt hỏi mua loại thẻ mệnh giá lớn, cô Phượng bảo:

- Sao hôm nay cháu mua thẻ nhiều tiền thế? Cô không có loại thẻ này đâu, chỉ có loại mấy chục nghìn thôi. Hay là cháu đợi cô ra đại lý lấy thẻ mới nhá!

Đạt thoáng buồn. Nó khẽ gật đầu, giục cô Phượng:

- Vâng. Cô đi nhanh nhanh lên nhá!

Cô Phượng như nhớ ra, nói với Đạt:

- À, hay là cháu cứ về đi. Lúc nữa có thẻ cô sẽ mang đến nhà cho!

- Thế cũng được cô ạ.

Thoạt đầu Đạt định chờ cô Phượng mang thẻ đến sẽ cào để nhắn tin. Nhưng sự háo hức khiến nó thấy sốt ruột. Không chờ được nữa, Đạt liền mở điện thoại của mẹ để nhắn tin. Trước khi nhắn, nó kiểm tra tài khoản của mẹ, còn 92 nghìn đồng. Nó nhẩm tính, mỗi tin 18 nghìn, cộng với 300 đồng tiền cước, vị chi là 18 nghìn 300 đồng, sẽ được 5 tin nhắn. Nhí nhoáy một lúc nó nhắn xong. Đang ngồi chờ cô Phượng mang thẻ đến thì Đạt nghe tiếng mẹ gọi:

- Đạt ơi! Mang cho mẹ cái điện thoại!

- Để làm gì hả mẹ?

- Để mẹ gọi chú Tuân Mai mang bình ga đến. Đang nấu canh thì hết mất ga!

Đạt đưa điện thoại cho mẹ rồi chạy luôn lên nhà ngồi chờ cô Phượng.

Mẹ bấm số gọi. Tổng đài thông báo: “Tài khoản quý khách không đủ để thực hiện cuộc gọi”. Mẹ bực dọc, hét toáng:

- Đạt! Đạt đâu? Xuống đây tao bảo!

- Dạ, con đây ạ.

- Mày gọi gì mà từ nãy đến giờ hết gần một trăm nghìn tiền điện thoại, hả? Hôm qua tao vừa mua cái thẻ một trăm, mới gọi có hai cuộc mà sao đã hết tiền?

- Dạ, con có gọi đâu ạ?

- Mày còn cãi à. Mày không gọi thì ai gọi mà hết tiền? Mày hư vừa vừa chứ. Cuối tuần bố về tao sẽ mách, xem bố mày có bảo được mày không. Đồ mất nết!

- Sao chưa biết đầu đuôi gì mà mẹ đã mắng con thế? - Đạt nói vẻ ấm ức.

- Thế đầu đuôi gì, mày nói đi?

Đạt chưa kịp nói thì cô Phượng đến. Nhìn cô Phượng đưa cho Đạt hai chiếc thẻ, mỗi chiếc hai trăm nghìn đồng, mắt mẹ tròn xoe. Mẹ hỏi Đạt, giọng nạt nộ:

- Mày lấy tiền ở đâu mua thẻ? Mà mua làm gì những bốn trăm nghìn đồng một lúc thế này? Hả?

- Tiền này con mổ lợn nhựa. Con mua thẻ để nhắn tin ủng hộ chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương...”. Cái tin nhắn lúc nãy con đọc giúp mẹ chính là thông báo về cuộc vận động này, bằng cách nhắn tin đến tổng đài 1409. Mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ 18 nghìn đồng cho ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đấy mẹ ạ. Con định bụng nhắn 20 tin, nhưng mới nhắn được 5 tin thì máy mẹ hết tiền. Bây giờ con sẽ nạp thẻ mới để nhắn tiếp 15 tin nữa. Mẹ đưa máy đây con nạp cho!

Cơn xúc động khiến cổ họng mẹ nghẹn cứng không nói được câu nào. Khi Đạt nạp tiền xong mẹ mới cất nổi lời:

- Mẹ xin lỗi đã mắng oan con! Mẹ rất vui vì con đã biết làm việc nghĩa!

Được thể, Đạt nũng mẹ:

- Con lớn lên mẹ phải cho con vào Bộ đội Hải quân đấy nhá!

- Được rồi, mẹ đồng ý. Nhưng tuổi conbây giờ là phải học thật giỏi cái đã. Có giỏi thì sau này mới lái được những con tàu hiện đại; mới đủ tài, đủ sức đuổi được bọn ăn cướp ra khỏi vùng biển nước ta; mới khai thác được tài nguyên biển để làm giàu cho Tổ quốc, con ạ!

Đạt nhào đến ôm lấy cổ mẹ, liến thoắng:

- Ui! Mẹ tui là cô giáo có khác. Mẹ nói cái gì cũng đúng!

Mẹ chí ngón tay váo trán Đạt, mắng yêu:

- Cha bố anh. Chỉ được cái bẻm mép!

Hà Giang, những ngày “biển nóng”

Tháng 5. 2014


Truyện thiếu nhi: Nguyễn Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giới thiệu tác phẩm mới
LTS: Giữa tháng 5.2014, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ cho ra mắt và gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa Tập thơ “ Biển gọi”,được tập hợp từ trên 50 bài của trên 40 tác giả trong cả nước đoạt giải Cuộc thi Thơ: Biển đảo Việt Nam. Nhà thơ,Nhà báo Đặng Quang Vượng, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang đoạt Giải Nhất chùm 3 bài. Báo Hà Giang trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2
30/05/2014
Về Kim Thạch ngắm bức tranh quê
HGĐT- Vượt đỉnh dốc Phú Linh, rẽ trái, theo con đường liên xã được rải nhựa êm mượt, uốn lượn theo những sườn đồi khoảng 10 km là đến trung tâm xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Bước vào địa bàn xã, trải rộng trước mắt là màu xanh sẫm ngút ngàn của đồi keo, đồi mỡ, rừng cọ; màu xanh non của lúa, ngô, rau, đậu. Ẩn hiện trong đó là những nếp nhà sàn, mái lợp lá cọ, lợp ngói đỏ truyền
30/05/2014
Ấn tượng Cao nguyên đá
HGĐT- Ngày 12 và 13.4.2014, Báo Hà Giang cùng lúc tổ chức 2 sự kiện: Đăng cai Hội thảo Báo Đảng khu vực trung du miền núi phía Bắc lần thứ XVI - năm 2014 với chủ đề “Tuyên truyền phát triển du lịch - dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội” và Kỷ niệm 50 năm thành lập - Báo Hà Giang ra số báo đầu tiên. Một cuộc tụ hội đồng nghiệp ý nghĩa và thật ấn tượng tại Công viên Địa
30/05/2014
Hội thảo xây dựng cuốn Lịch sử LLVT thành phố Hà Giang (1945 – 2013)
HGĐT - Vừa qua, Đảng ủy Quân sự thành phố Hà Giang tổ chức Hội thảo về xây dựng cuốn sách truyền thống LLVT thành phố, nhằm thẩm định những tư liệu lịch sử, lấy ý kiến tham gia đóng góp của các nhân chứng; các ban, ngành, đoàn thể để bổ sung, hoàn chỉnh.
29/05/2014