“Tết sớm người Mông” ở Mèo Vạc: Nhiều bất ngờ và thú vị

08:32, 02/01/2014

HGĐT- Chẳng biết từ bao giờ đồng bào Mông ở Mèo Vạc đã có cách tính riêng về lịch ăn Tết của mình, chỉ biết rằng hàng năm, cứ vào thời điểm cách Tết Nguyên đán đúng một tháng là bà con nơi đây lại nô nức đón Tết theo phong tục, tập quán của riêng mình. Năm nay, với sự chuẩn bị chu đáo, sự đổi mới trong tổ chức các hoạt động văn hóa, Mèo Vạc đang có nhiều bất ngờ thú vị trong những ngày diễn ra “Tết sớm người Mông”.



Nhân dân xã Lũng Pù san lấp mặt đường để tổ chức các hoạt động trong những ngày Tết.

Trong những ngày này, mặc dù cái lạnh đang bao trùm trên dải cao nguyên Mèo Vạc, làm cho những cánh đào sớm còn chưa muốn vội khoe sắc nhưng ở các xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai vẫn rộn ràng không khí đón Tết của người Mông. Bởi đây chính là địa điểm huyện Mèo Vạc chọn làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc. Theo đó, để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và các xã có tính chất đặc thù nói riêng, huyện Mèo Vạc đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân vui đón Tết theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, các xã tích cực tuyên truyền rộng rãi đến thôn, hộ gia đình tham gia các hoạt động đón Tết, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã. Bên cạnh đó, phát huy vai trò Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc.


Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: “Việc tổ chức Tết sớm không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống có tính chất đặc thù trong cộng đồng dân tộc Mông mà đó còn là cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong tổ chức, huyện luôn xác định trước hết phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng. Thông qua đó để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Do đó, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đảm bảo công tác vệ sinh ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian diễn ra “Tết sớm”.

“Tết sớm người Mông” năm nay diễn ra từ ngày 27 – 31.12.2013 (tức ngày 25 – 29.11 âm lịch) nhưng do đặc thù đồng bào Mông ăn Tết theo từng dòng họ nên phần lễ diễn ra tại các hộ gia đình theo đúng phong tục, tập quán truyền thống. Để tạo sự tập trung, phần hội được tổ chức trong hai ngày từ 1 – 2.1.2014 tại trung tâm 3 xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù và Khâu Vai, gồm các hoạt động văn hóa, thể thao như: chọi dê, chọi bò và các môn thể thao dân gian như: kéo co, đẩy gậy, đi khà kheo, đánh sảng, bắn nỏ... Đặc biệt trong dịp này, nét đẹp văn hóa của tục “Vỗ mông” sẽ được phục dựng theo đúng bản sắc vốn có. Đây được xem là điểm nổi bật, mang đến nhiều điều mới mẻ và những bất ngờ thú vị. Trong các trò chơi dân gian truyền thống của người Mông, tục “Vỗ mông” vốn được xem là đặc sắc nhất. Theo phong tục, trong những ngày Tết, các chàng trai, cô gái Mông đưa mắt lựa chọn đối tượng cho riêng mình. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi. Chàng trai ngay lập tức tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông cô gái và thả lời o­ng bướm. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời đường mật. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi, vừa chơi hội và vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ 9 cặp tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chỉ chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng. Do bị mai một nên ít ai biết được tục “Vỗ mông” không chỉ đơn thuần là trò vui trong ngày xuân mà còn chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, bởi đó là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái. Vì vậy mà tục “Vỗ mông” từ lâu luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ đến như vậy.


Với sự chuẩn bị chu đáonhững ngày diễn ra “Tết sớm người Mông” ở Mèo Vạc mang lại không khí đầy sắc xuân trong cộng đồng người Mông nơi đây. Ở đó, nét văn hóa truyền thống đặc trưng cùng những trò chơi dân gian đặc sắc sẽ hứa hẹn nhiều điều mới mẻ và lôi cuốn.


KIM TIẾN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bia chùa Sùng Khánh và Chuông chùa Bình Lâm huyện Vị Xuyên được công nhận bảo vật quốc gia
HGĐT - Ngày 30.12, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2599/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 2) cho các hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó Bia chùa Sùng Khánh và Chuông chùa Bình Lâm huyện Vị Xuyên là một trong 37 hiện vật trên toàn quốc được công nhận đợt này.
31/12/2013
Trước biển, trước đời
Mặt trời lên từ mặt biển xaÁnh hào quang toả rộng bao laBiển thức Hay lòng ta thức?Mặt trời hồng phải đường thực đời ta?
28/12/2013
Gầu tào trên núi mùa xuân
HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.
26/12/2013
Gầu tào trên núi mùa xuân
HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.
26/12/2013