Hà Giang

Gầu tào trên núi mùa xuân

16:21, 26/12/2013

HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.


Nhà tôi chuẩn bị làm tết Gầu tào từ giữa năm. Là để cảm ơn thần núi, thần rừng đã cho bố mẹ tôi một đứa con trai, cho ông bà nội một đứa cháu trai và cho tôi một đứa em trai. Tôi đã mười lăm tuổi mới có em trai, không có em gái. Ông nội luôn ngồi bên bếp sưởi lẩm nhẩm: "Ngày xưa thì đã đầy một nhà cháu. Có khi giờ còn có chắt rồi. Thế mà bây giờ chỉ đẻ hai đứa nên vắng quá. Năm nay phải mở Gầu tào to to một tí để thực hiện lời hứa đấy". Lời hứa là ông hứa với thần núi, thần rừng trong hơn chục năm nay. Năm nào cũng mang lễ đi xin thần cho một đứa cháu nội nữa là con trai. Khi nào được cháu nội sẽ mở Gầu tào mời khắp làng trên bản dưới. Năm nay được đứa cháu nội rồi, ông vui lắm. Vui nhưng không đi đâu khoe, không làm gì, chỉ ngồi bên bếp hút thuốc lào và uống rượu vặt, cốt là để ngóng thằng em tôi. Nó oe một tiếng là ông nhắc mẹ: "Nó khóc. Nó khóc kìa". Thế là mẹ lại dỗ bằng mọi cách để nó không cất lên tiếng oe nào nữa.

 

    
                          Trò chơi leo dây trong lễ hội Gầu tào. Ảnh: Hùng Hiền

Buồng của mẹ chỉ cách cái bậu cửa so với bếp sưởi ông ngồi. Đấy là ông bắt mẹ tôi nằm ở cái giường ấy. Chứ thường ngày bố mẹ tôi đâu có ở căn buồng ấy. Ông bảo nằm ở đấy để ông được nghe thằng cháu trai. Tiếng nó bú sữa, nó đạp chân, hay nó ị ông cũng biết, cốt là để nhắc mẹ tôi chú ý thằng cháu của ông. Vì lệ, bố chồng không được vào buồng con dâu nên ông không vào thì ngồi cạnh bếp ấy mà ngóng. Từ ngày em ra đời nhà tôi rộn hẳn lên, giờ thì càng rộn vì sẽ mở hội Gầu tào để tạ ơn thần đã cho đứa con trai nối họ.

 

Ông già rồi, không đi được xa nữa. Bố đã sắm rượu, thuốc lào, thuốc lá đi nhờ thầy đến cúng lễ Gầu tào. Lại mang lễ đi mời anh em, bạn bè xa gần đến vui hội. Lần nào bước chân ra cổng ông cũng dặn: "Nói khéo đấy nhé! Khéo thì mọi người mới đến vui chơi đấy". Cứ đúng lúc bố ra đến cổng, tay bám vào một bên cột cổng thì ông bắt đầu cất lời. Bố dừng lại, tựa hẳn vào một bên cột cổng làm cho cây lê già cũng đang tựa vào bờ rào đá chỗ cổng rung lên và rụng một màn hoa xuống mái cổng, trên bờ rào đá và khoảnh đất dưới gốc nó. Tôi ngỡ lúc ấy là một màn hoa lê được thả xuống từ trời chứ không phải từ cây lê già tựa lưng vào bờ rào đá nhà tôi rụng hoa.

 

Dáng bố tựa lưng vào cột cổng giống hệt cây lê tựa lưng vào bờ rào đá. Hai cái thân già này bằng đúng tuổi nhau. Khi sinh bố tôi thì ông nội trồng cây lê này, năm nay hai cái thân này đã hơn ba mươi tuổi rồi. Cây lê hơn ba mươi tuổi thì già quá rồi, nhưng bố tôi hơn ba mươi tuổi chưa thể là già. Song bố vất vả quá nên cũng già như cây lê. Năm nay bố có niềm vui nên lê bạn bố cũng có niềm vui. Mọi năm, giờ này lê chưa nở hoa, vậy mà năm nay nó nở sớm đúng vào tết Mông, chắc vì nó biết, gần nửa năm nay bố đã có người nối dõi nên mừng bố bằng một trời hoa trắng đúng vào những ngày tết Mông để tiếp thêm sinh khí cho bố mạnh chân, khoẻ tay để đi mời anh em bạn bè ở khắp các núi quanh vùng về chơi hội Gầu tào cùng nhà tôi.

 

Tự nhiên, tôi lại liếc sang gốc lê. Nó xù xì, vỏ bong tróc trắng cả ra. Có lẽ rét quá làm nó bong vỏ ra như thể vẩy rắn vậy. Nó già quá, lại gặp đận rét này mà trổ hoa nên bông lê to như nắm tay, trắng muốt, cánh dày và mịn làm thành một thảm hoa trắng trên mái cổng, trên hàng rào đá, rộng cả ra vườn hoa cải đang độ vàng hươm. Lúc bố tựa vào cột cổng, màn hoa ấy rụng như thể chúc bố một ngày nữa đi mời anh em bè bạn vui vẻ. Nó cũng mong đến lúc khai hội để được vui tết. Chiều qua, bố đã mang giấy bản dán cho nó rồi. Ngang thân nó đã được đánh dấu bằng một tờ giấy bản, giống như cây đào, cây chanh đằng chuồng bò. Được thể nó càng ra sức trổ hoa.

 

Ông nội nhìn màn hoa rơi cười cười, nói: "Đi được rồi đấy. Chào nhau thế là đi nhanh, về nhanh nhé!" Bố không đáp lại, chỉ quay lại nhìn ông cười rồi quay ra đi tiếp. Ông quay vào ngồi cạnh bếp. Ấp nước sôi giỏ xuống bếp bụp bụp, xèo xèo, lửa cùng réo ù ù. Ông rít xong hơi thuốc lào, ngồi phả khói lên nóc nhà và lim dim mắt thưởng thức độ đậm của lá thuốc do chính ông làm ra. Xong lại rót chén nước chè vẫn vần cạnh bếp, chẹp chẹp khoan khoái rồi bảo bà nội: "Bà dự định thịt mấy con lợn đấy?" Bà nhẩn nha đáp: "Ông bảo mấy con thì mấy con". Vốn xưa nay vậy, ông bảo thế nào thì bà làm y như thế, không cần tính lại, không cần bàn thêm. "Thế thịt hai con nhé! Nuôi cả năm rồi, cũng phải mừng nhân tết chứ nhỉ! Gầu tào mà!" Bà cũng không cần đáp lại, biết thế để làm thế. Tức là từ giờ đến khi khai hội bà cố chăm tốt hơn nữa để hai con lợn béo thêm được tí nào tốt tí ấy.

 

Cũng dễ đến gần chục năm rồi, vùng này chưa ai mở hội Gầu tào. Không phải vì kinh tế khó khăn, cũng không phải không đoàn kết nhau, mà cốt lõi là vì chưa có cớ. Năm nay thì có rồi, nhà tôi đã có một thằng con trai được thần núi, thần rừng cho thì có cớ mời mọi người chơi hội Gầu tào.

 

Mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy. Rượu xếp một dãy chum từ đầu nhà này đến đầu nhà kia. Hai con lợn dự định cũng béo hơn một tí. Gà thì không cần đếm. Mấy bản trong vùng, cả anh em họ hàng ở mạn Đồng Văn, Mèo Vạc cũng sẽ về đúng dịp. Và trời cũng đã mưa. Cây lê rung rung cho rụng những cánh hoa già để đón một đợt hoa mới. Nó cũng mong mưa để trổ hết lượt nụ vẫn ủ trong những ngày rét đậm vừa qua. Mưa cũng đúng ngày, lê nở đúng dịp và tết đang bắt đầu. Ông nội đã ra bãi đồi. Thầy đã mở những lời đầu tiên. Bố đang cùng anh em dựng cây nêu. Thanh niên đã dựng cột trèo, cột đu. Bọn choai choai bằng tôi đã mang đến những dây thừng to tướng, trắng muốt để chơi kéo co. Bọn bạn gái đã giắt thắt lưng bộ yến. Bọn con trai lít nhít thì ấp ấp ủ ủ con quay tròn xoe và cái dây dai mà mịn. Đặc biệt nhất là chỗ đầu đường vào bãi đã buộc hơn chục con ngựa lừng lững. Năm nay sẽ có hội đua ngựa. Bố tôi thích nhất đua ngựa. Bố đã quyết đến tận những nhà có ngựa tốt để mời đua ngựa và họ đã đem ngựa đến. Hội đua ngựa là bố mong con trai bố được như những chú ngựa dũng mãnh, sau này trong cuộc sống sẽ trường sức như những chú ngựa đua để vượt qua mọi vất vả, gian lao trong cuộc đời.

 

Em trai đã được ông đưa ra bãi để tạ ơn thần núi, thần rừng và khai hội Gầu tào. Ở nhà, cây lê già đang trút màn hoa mới mừng năm mới vui vẻ, đầm ấm cho bản làng.


Tản văn: Chu Thị Minh Huệ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh
HGĐT- Ngày 26.11, huyện Đồng Văn đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tham dự có đồng chí Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở VHTT&DL; đại diện lãnh đạo các huyện; các doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh.
28/11/2013
Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú
HGĐT- Người Lô Lô, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 86 hộ với 371 nhân khẩu, 7 dòng họ cùng sinh sống là Vàng, Sình, Dìu, Làn, Mùng, Giầu, Sính. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải kể đến một nghi thức quan trọng của đồng bào là Lễ cúng Tổ tiên.
27/11/2013
Ấn tượng đêm khai mạc “Tuần du lịch Di sản Văn hóa các dân tộc”
HGĐT- Sau nhiều ngày kỳ công chuẩn bị, đêm khai mạc “Tuần du lịch Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013” tại huyện Quang Bình đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng trước sự chứng kiến của các đại biểu đến từ Trung ương, tỉnh bạn và cán bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
27/11/2013
Gầu tào trên núi mùa xuân
HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.
26/12/2013