Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch

16:46, 01/01/2014

HGĐT- Tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 38 di tích lịch sử văn hoá – danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Trong đó, có 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 05 di sản được ghi vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.



Tiết mục múa trong đêm khai mạc Tuần du lịch Di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 2013.


Huyện Đồng Văn nằm ở vùng trung tâm Cao nguyên đá có nhiều di tích được xếp hạng nhất, với 4 di tích cấp quốc gia, đặc biệt có một di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia khu vực hoá thạch Tay cuộn tại xã Ma Lé mới được công nhận và 04 di tích cấp tỉnh, 2 Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia là: Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo và Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô. Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hoá các dân tộc và sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hoá địa phương. Trước đây, cũng có lúc các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh trải qua giai đoạn thăng trầm như: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Gầu Tào của người Mông; Quýnh hén của người Dao... cùng với các làn điệu hát Then của người Tày, lời cúng của thầy Tào, trang phục truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ dần mai một theo sự phát triển của xã hội hiện đại. Thấy được sự cấp thiết bảo tồn các giá trị văn hoá theo Nghị quyết T.Ư 5, (khoá VIII) của Đảng, ngành Văn hoá và chính quyền địa phương đã tổ chức phục dựng lại các lễ hội văn hoá truyền thống, nghề thủ công của đồng bào các dân tộc. Nhất là trong năm 2013, tổ chức thành công Tuần du lịch Di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hà Giang đặc sắc và ấn tượng cho thấy sự quan tâm của chính quyền với công tác này. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Khu, cho biết: “Từ năm 2010, huyện chính thức nằm trong vùng mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) của Đảng. Đến năm 2012, huyện phối hợp với Sở VH,TT&DL khôi phục lại Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tại xã Đường Thượng là một Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, hàng năm chúng tôi hỗ trợ kinh phí cho bà con tổ chức lễ hội”.

 

Qua Tuần du lịch di sản văn hóa, các đại biểu, du khách và nhân dân toàn tỉnh đã thấy được vẻ đẹp và sự đa dạng, phong phú của các di sản văn hoá: dân tộc Pà Thẻn, Mông, Dao, Pu Péo, Giấy, Lô Lô.... các làn điệu dân ca dân vũ, lễ hội truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm, lanh. Các loại hình du dịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân như: xếp rơm, dệt lanh, cày trên nương đá... cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế về văn hoá, thắng cảnh thích hợp phát triển du lịch. Tìm hiểu về hướng phát triển du lịch, anh Ma Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Cao nguyên đá, cho rằng: “Để phát triển du lịch cần có sự ủng hộ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho du khách đến đăng kí tạm trú nghỉ tại nhà dân và có các hình thức phục vụ du lịch như: cho khách tham gia hoạt động canh tác, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương; rồi khi khách đến nhà các gia đình nên thân thiện ra đón, giới thiệu cho họ nghe về phong tục của gia đình mình... Hiện nay, hình thức du lịch cộng đồng ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc chưa nhiều, chúng tôi dẫn khách đi thăm quan các xã nhưng không có dịch vụ du lịch nào; chỗ ăn, nghỉ tìm cũng khó.” Đưa ra giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hoá ở địa phương, Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, Lý Trung Kiên, nhận định: “Huyện luôn nhận thức được trách nhiệm trong việc tăng cường quản lý bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Chúng tôi đã thường xuyên vận động chính quyền và nhân dân các xã, thị trấn có các di tích tham gia gìn giữ và khai thác có hiệu quả; nhất là ở di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia khu vực hoá thạch Tay cuộn tại xã Ma Lé, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ... Đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học đến nghiên cứu.”

 

Trước những giá trị về di sản văn hoá, lịch sử trên địa bàn tỉnh, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho rằng, để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cũng như văn hoá các dân tộc trên địa bàn các huyện thì cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm tới công tác quản lý các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh theo Luật Di sản Văn hoá và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Thành lập Ban quản lý di tích, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể như: Hướng dẫn khách tham quan du lịch; nghiêm cấm lợi dụng di tích để hoạt động trái pháp luật làm ảnh hưởng tới di tích; quan tâm đến đầu tư, tôn tạo di tích... Kết hợp nhiều biện pháp cụ thể thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị trên mới hiệu quả.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bia chùa Sùng Khánh và Chuông chùa Bình Lâm huyện Vị Xuyên được công nhận bảo vật quốc gia
HGĐT - Ngày 30.12, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2599/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 2) cho các hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó Bia chùa Sùng Khánh và Chuông chùa Bình Lâm huyện Vị Xuyên là một trong 37 hiện vật trên toàn quốc được công nhận đợt này.
31/12/2013
Trước biển, trước đời
Mặt trời lên từ mặt biển xaÁnh hào quang toả rộng bao laBiển thức Hay lòng ta thức?Mặt trời hồng phải đường thực đời ta?
28/12/2013
Gầu tào trên núi mùa xuân
HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.
26/12/2013
Gầu tào trên núi mùa xuân
HGĐT - Hơn tháng nay chưa mưa. Tết Mông đã về đến cổng mà chưa có lấy giọt mưa nào. Ngày nắng óng trên những phiến lá cỏ Voi mẹ trồng quanh nhà. Nắng nhiều thì gió lắm. Gió luồn vào những phiến lá cỏ làm xào xạc, xào xạc cả ngày nghe sốt ruột. Ruột gan nhìn nắng mà lo đêm rét sâu.
26/12/2013