Giữ “tâm”, rèn “đức”, luyện “tài”

09:21, 23/11/2013

HGĐT - Là Nhà giáo sinh ra từ vùng quê Nam Định giàu tính nhân văn; nghề dạy học gắn bó với tôi từ lúc còn là cậu học trò tiểu học: Năm 1958, học lớp 4 vừa học vừa tham gia dạy BDHV. Lên Hà Giang (1963), được đào tạo tại trường Sư phạm Việt Bắc. Năm 1967 ra trường với tấm bằng loại ưu, được nhà trường dự kiến giữ lại phụ giảng kiêm công tác giáo vụ. Giữa hai ngã đường: Ở lại hay về cơ sở giảng dạy? Tôi tình nguyện lên công tác tại Hà Giang biên giới.


14 năm công tác ở vùng cao, với lòng yêu nghề, mến trẻ, tôi đã gắn bó với nghề dạy học, với Cao nguyên đá; tới hầu khắp các xã của huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc làm công tác tuyển sinh, giảng dạy, giáo dục..., góp phần đào tạo hàng trăm nhà giáo, cán bộ dân tộc ít người, họ đã và đang phục vụ sự nghiệp giáo dục hoặc giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh,huyện.

 

Tháng 9.1981, trở về Bắc Quang; được người thân, nhân dân, bạn bè và học sinh đón nhận, dành cho những tình cảm thân thương...; tôi tự hỏi phải làm gì cho quê hương thứ hai này? Trong gần 26 năm công tác ở Bắc Quang, Nhà nước, trực tiếp là ngành Giáo dục, giao cho tôi lần lượt quản lý hai trường học mới thành lập: PTCS An Tiến (1981) và PTDT Nội trú (1993). Tại môi trường mới, một lần nữa, tôi đã phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp “Trồng người”.

 



Giờ học ngoại khóa của các bé trường Mầm non Sao Mai (TPHG). Ảnh: VƯƠNG QUỲNH


Tháng 11. 2006, ở tuổi 62, tôi về nghỉ chế độ; lại được giao làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức (CGC) và Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) huyện. Tôi đã cùng BCH các Hội và lãnh đạo ngành Giáo dục Bắc Quang tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mạng lưới HKH, Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ), Hội CGC ở 23 xã, thị trấn và đưa các Hội, TTHTCĐ vào hoạt động khá nề nếp, bước đầu phát huy hiệu quả...

 

Đến nay, đã có 50 năm gắn bó với Hà Giang, 47 năm với nghề giáo, với công tác khuyến học; để lại trong tôi biết bao kỷ niệm đẹp... Lúc đó (năm 1963), tôi còn nhớ: Ngành Giáo dục tỉnh nhà còn khó khăn đủ bề: Thiếu trường, lớp, giáo viên, không vận động được học sinh đi học. Nhiều xã không có lớp mẫu giáo, chỉ có trường bán cấp I, không có trường cấp II; hai, ba xã mới có một trường cấp II toàn cấp; cả tỉnh mới có 3 trường cấp II-III, 1 trường BTVH, 1 trường TNLĐ vừa học, vừa làm... Từ đó đến nay, nhất là thời kỳ thực hiện đổi mới, ngành Giáo dục Hà Giang ngày càng phát triển bền vững. Đến năm học 2013 – 2014, toàn tỉnh đã có 656 cơ sở giáo dục (13 trường nội trú, 115 trường bán trú, 86 trường đạt chuẩn Quốc gia), trải rộng khắp địa bàn: Xã, phường, thị trấn nào cũng có trường Mầm non, Tiểu học, THCS; huyện nào cũng có trường THPT (có huyện tới 7 trường); huyện nào cũng có Trung tâm GDTX; hệ thống trường dạy nghề, sư phạm, kinh tế đủ khả năng đào tạo cán bộ cho các ngành trong tỉnh; hệ thống giáo dục đã đón 213.000 học sinh tới học tập, rèn luyện...

 

Đặc biệt, tỉnh có đội ngũ 20.476 nhà giáo, CB-CNVC đang đảm nhận công tác quản lý, giảng dạy, phục vụ trong ngành Giáo dục. Nhiều người được phong tặng Nhà giáo Ưu tú, Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi... Nhiều nhà giáo trở thành biểu tượng cho các thế hệ noi theo, như cố Nhà giáo Nguyễn Văn Miêu, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, đã có 27 năm làm Trưởng ty, rồi Giám đốc sở - tấm gương về cần cù, giản dị, giàu lòng nhân ái, một tài năng về giảng dạy, giáo dục và quản lý...; Nhà giáo Hùng Đình Quý - Nhà thơ của Cao nguyên đá, luôn vượt khó vươn lên, sống giản dị và khiêm tốn: Làm Trưởng phòng Giáo dục, Phó Chủ tịch huyện, Trưởng một ngành của tỉnh mà thật bình đẳng, dễ gần...; Nhà giáo Nguyễn Hữu Ninh - Thi sỹ, Nhạc sỹ, Nhiếp ảnh gia - tấm gương về tự học và học tập suốt đời...

 

Chính các thế hệ nhà giáo góp công sức to lớn để hàng năm đào tạo hàng ngàn học sinh tốt nghiệp THPT, hàng trăm sinh viên ra trường... Nhiều học sinh, sinh viên làm rạng rỡ cho quê hương Hà Giang: Bùi Thanh Duyên (THPT Chuyên) thi đỗ 3 trường đại học, học và đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc 2 trường đại học, được nhận học bổng 7 tỷ đồng đi đào tạo Tiến sỹ khoa học tại Hoa Kỳ. Đặng Ngọc Cảnh (THPT Hùng An), thi đỗ 3 trường đại học, học và tốt nghiệp 2 trường đại học (CNTT và Tài chính - ngân hàng), được du học tại Nhật, Singapo; hiện là Tiến sỹ Tài chính - ngân hàng, làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nguyễn Phương Thảo, tốt nghiệp đại học loại giỏi, hiện là điều phối viên Văn phòng đại diện Hội CCB Mỹ tại Việt Nam ...

 

So yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập, đặc biệt là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian tới chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều; để góp phần triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI)của Đảng vừa ban hành về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

 

Đứng trước nhiệm vụ này, chúng ta phải phát huy những thành quả đạt được, tiến hành đổi mới quản lý giáo dục; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong GD-ĐT; kiên quyết chống tư tưởng ỷ lại, trông chờ, bệnh thành tích...; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện.

 

Với chúng tôi, tuy bước vào tuổi “cổ lai hy”; song, vẫn luôn sẵn sàng hiến kế và tiếp tục cống hiến. Chúng ta hãy quyết tâm đoàn kết, chung sức, chung lòng giữ lấy chữ Tâm, rèn chữ Đức, luyện chữ Tài, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo động lực xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày một phát triển, góp phần xây dựng Hà Giang nói riêng, đất nước nói chung thành xã hội “Tôn sư - trọng đạo”, một xã hội học tập ngày càng giàu đẹp, văn minh!


Nhà giáo Ưu tú: Phạm Đức Vượng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Học Anh ngữ với giáo viên nước ngoài nên hay không?
HGĐT- Mới có thông tin trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang sẽ triển khai thực hiện chương trình Anh ngữ chất lượng cao nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh bằng phương pháp học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài với mức học phí 3,5 triệu đồng/năm/học
30/10/2013
Tiến tới Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
HGĐT- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục, đào tạo (GDĐT) là thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non (PCGD) cho trẻ 5 tuổi, vì đây là “mắt xích” đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, tiến trình PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
29/10/2013
Thị trấn Đồng Văn - điểm sáng khuyến học, khuyến tài
HGĐT- Thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) có 1311 hộ gồm 5801 khẩu và 17 dân tộc anh em sinh sống; trong đó dân tộc Mông chiếm 45%. Những năm qua công tác khuyến học, khuyến tài ở thị trấn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền, các ngành đoàn thể cùng với đó là sự nhiệt tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
24/10/2013
Ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng đào tạo
HGĐT - Thành lập năm 1969, tiền thân là Trường Trung học Sư phạm 7+3, trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Giang đã, đang đào tạo và liên kết đào tạo trên 3.000 giáo viên, cán bộ trình độ đại học, cao đẳng; gần 6.000 giáo viên, nhân viên kỹ thuật trình độ trung cấp chuyên nghiệp, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp “Trồng người” và phát
22/11/2013