Gắn bó với nghề giáo bằng trách nhiệm, tình thương

08:03, 21/11/2013

HGĐT- Ở một xã còn nhiều khó khăn như Yên Thành (Quang Bình), mỗi sự đồng cảm và tận tình của các thầy, cô giáo với những thiếu thốn của các em học sinh là một nhánh hoa đẹp và đáng quý. Phát huy tinh thần đó, trong những năm qua, cùng sự tâm huyết với nghề, yêu trường, mến trẻ, tập thể cán bộ giáo viên trường Mầm non Yên Thành luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là những người thầy, người cô mẫu mực...


Trường Mầm non Yên Thành được thành lập từ năm 2004, khi đó, trường chỉ có một phòng hội đồng và 2 phòng học cấp 4 cho trẻ, cơ sở vật chất còn sơ sài, thiếu thốn đủ bề. Đến năm 2010, ngôi trường mới khang trang chính thức được đưa vào sử dụng trước niềm vui và phấn khởi của thầy, trò và người dân xã Yên Thành... Tuy nhiên, trường hiện có 7 điểm trường thì vẫn còn đến 16 lớp phải học nhờ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học vẫn còn nhiều thiếu thốn. Trường có 33 cán bộ giáo viên, trong đó, có 20 cô là người dân tộc thiểu số; con số đặc biệt này dường như cũng là một trong những nhân tố quyết định để các thầy, cô thấu hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của các em...

 


Các cô giáo trường mầm non Yên thành hướng dẫn các bé tập thể dục buổi sáng.


Cô Hủng Thị Sinh, giáo viên tại điểm trường Thượng Bình chia sẻ: “Các em học sinh ở đây không nói được tiếng phổ thông, bởi vậy, bất đồng trong ngôn ngữ, nhận thức của các em còn chậm là một trong những rào cản lớn và khó khăn của các cô trong việc giảng dạy và giúp các bé hòa nhập, làm quen với môi trường học tập. Để truyền đạt kiến thức và hiểu được tâm lí của các em, mỗi cô giáo ở điểm trường thường tự trang bị cho mình “hai thứ tiếng”, vừa phiên dịch, vừa dạy các em... Các cô giáo vất vả là một lẽ, người dân ở các điểm trường hầu hết vẫn chưa có điện, nước sinh hoạt còn thiếu, con đường đất, vừa dốc, vừa quanh co nên những ngày mưa lớn, cả thôn dường như rơi vào tình trạng bị “cô lập”... Yên Thành là xã vùng 3, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, La Chí, Pà Thẻn, Dao... nên nhận thức của người dân còn chậm, các bậc phụ huynh chưa chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhất là ở các điểm trường, đời sống người dân còn quá khó khăn, chưa thể tự lo bữa trưa cho trẻ. Các điểm trường Mầm non chỉ trông trẻ cả ngày vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, những ngày này, bố mẹ các em phải tự gói cơm từ nhà cho các bé ở lại ăn trưa... Từ thực trạng trên, công tác phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ các em và cộng đồng luôn là một nhiệm vụ được nhà trường quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe cho 100% trẻ, phổ biến kiến thức chăm sóc, phòng, chống bệnh tật cho cha mẹ của các em và có những đợt khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe để các em vui chơi, học tập. Ở trường chính, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn kiến thức giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên nuôi dưỡng, quản lí tốt chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn của trẻ... Nhằm giúp trẻ phát huy sáng kiến, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong từng tiết học, nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phối hợp những tiết học ngoài trời để các em được tiếp thu nguồn kiến thức phong phú; giúp trẻ bạo dạn hơn và tích cực tham gia các hoạt động bằng các cuộc thi mang tính sáng tạo và truyền thống của nhà trường như: “Bé nhanh trí”, “Bé kể chuyện”... Song song với đó, nhà trường tích cực, mạnh dạn đổi mới công tác quản lí, phương thức hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, năng lực của cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Không chỉ truyền đạt tri thức, rèn luyện kỹ năng, nhà trường luôn chú trọng tạo dựng niềm tin giữa gia đình vào nhà trường và nhà giáo; sự yên tâm cho các bậc phụ huynh khi cho con em mình học tập và vui chơi ở trường. Những năm gần đây, nhà trường đã chủ động đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sử dụng phần mềm trình chiếu powerpoint, phần mềm kidsmats...

 

Năm học 2011 – 2012, trường vinh dự đạt danh hiệu trường tiên tiến và đạt nhiều thành tích cao trong các hoạt động thi đua như: Thi đồ dùng tự tạo đoạt giải Nhì; văn nghệ ngành đoạt giải Nhì; thi bóng chuyền cụm đoạt giải Nhì; có 2 tổ đạt lao động tiên tiến cấp huyện; 1 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 6 giáo viên giỏi cấp huyện... Cô Đặng Thị Trung Hoa, Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Điểm mạnh của nhà trường chính là nhờ có đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, năng động và nhiệt tình... Nhà trường luôn tạo điều kiện để mỗi thầy, cô giáo phát huy những sở trường riêng, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, giúp đỡ nhau trong công tác. Không chỉ là kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, không khí thi đua sôi nổi trong nhà trường, ý thức đổi mới từ mỗi thầy, cô giáo là những đổi thay tích cực để trường Mầm non Yên Thành góp sức phát triển ngành Giáo dục của tỉnh nhà...”.

 

Như Bác Hồ đã từng dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt, Học tốt”, mỗi thầy, cô giáo ở trường Mầm non Yên Thành luôn nỗ lực học tập, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, làm tốt thiên chức của mình... Để đến hôm nay, trường Mầm non Yên Thành đã thật sự trở thành ngôi nhà thứ 2 - nơi luôn đầy ắp tiếng cười, những tình cảm ấm áp, thiêng liêng của những người cha, người mẹ thứ hai của các em.


QUỲNH NGA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Học Anh ngữ với giáo viên nước ngoài nên hay không?
HGĐT- Mới có thông tin trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang sẽ triển khai thực hiện chương trình Anh ngữ chất lượng cao nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh bằng phương pháp học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài với mức học phí 3,5 triệu đồng/năm/học
30/10/2013
Khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam
HGĐT- Sáng 30.9, tại huyện Quản Bạ, UBND tỉnh đã tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và kỷ niệm ngày khuyến học Việt Nam 2.10. Dự buổi lễ có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Quản Bạ.
30/09/2013
Tiến tới Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
HGĐT- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục, đào tạo (GDĐT) là thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non (PCGD) cho trẻ 5 tuổi, vì đây là “mắt xích” đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, tiến trình PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
29/10/2013
Hiệu quả từ việc đưa giáo dục về di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vào trường học
HGĐT - Tháng 10.2009, Cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức GGN (Global geopark networld – Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu) công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC). Vấn đề cấp bách đặt ra đối với tỉnh Hà Giang là cần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản Công viên địa chất, thực hiện tiêu chí tái đánh giá của GGN vào năm 2014.
27/09/2013