Du lịch Hà Giang cần những nỗ lực phát huy tiềm năng, cơ hội

17:37, 30/12/2011

HGĐT- Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể nói những thuận lợi đối với ngành du lịch của Hà Giang là không nhỏ.


 

 Chợ Mèo Vạc, một địa chỉ ưa thích của du khách khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.


Hà Giang không chỉ được cả nước mà rất nhiều bè bạn trên khắp thế giới biết đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận. Cùng với đó, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã vinh dự được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản Quốc gia. Những yếu tố đó giống như một đôi cánh giúp cho ngành du lịch của Hà Giang có cơ hội vượt lên...


Với lợi thế, cùng với những nền tảng đã tạo dựng nhiều năm qua bởi tiềm năng và sự quảng bá rộng rãi, đã giúp cho ngành du lịch Hà Giang tiếp tục có sự tăng trưởng đáng khích lệ trong năm 2011. Theo con số thống kê của ngành VHTT&DL, năm 2011, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt khoảng 330.000 lượt người, tăng 9,5% so với năm 2010. Trong đó, lượng du khách quốc tế đến Hà Giang lên tới 40.376 lượt khách. Đặc biệt, với sức hút của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đã tạo ra hiệu ứng đưa số lượng khách quốc tế đến từ các nước châu Âu, Châu Mỹ đạt con số 5.017 lượt khách, tăng 27,9% so với năm 2010; khách nội địa đến Hà Giang đạt 289.561 lượt người, tăng 14,3% so với năm 2010 và tăng 3,4% so với kế hoạch năm. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 337 tỷ đồng, tăng 9,1 % so với năm 2010.


Mặc dù những con số trên chưa vượt cao so với năm 2010. Nhưng, trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới vẫn có nhiều điểm “mầu xám”, thì kết quả đó cũng cho thấy chúng ta đang có những bước tiến tích cực. Đồng thời, phần nào cho thấy, thị trường du lịch Hà Giang đã và đang trở thành một địa chỉ hấp dẫn. Cùng với việc được truyền thông, quảng bá ngày càng đa dạng thì vai trò của các đơn vị như các công ty chuyên kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa của địa phương, vai trò hoạt động của Trung tâm Xúc tiến du lịch của tỉnh cũng như vai trò rất lớn của các ngành, các địa phương ngày càng được phát huy. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển du lịch cũng từng bước được đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đặc biệt là việc đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú hiện đã phát triển lên con số 102 cơ sở với tổng số 1.392 phòng. Trong đó, chúng ta hiện đã có đến 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 83 nhà nghỉ du lịch, 29 làng văn hoá du lịch cộng đồng có khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Với công suất sử dụng phòng đạt bình quân từ 65 - 70 %, qua đó các cơ sở lưu trú đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khá nhiều lao động...


Dù đang có tiềm năng và một kết quả khả quan trong những năm qua, song thực tế hoạt động du lịch của địa phương vẫn cho thấy những hạn chế cố hữu đòi hỏi chúng ta vừa phải khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, tiềm năng để vươn lên theo kịp với các địa phương có ngành du lịch phát triển gần với chúng ta như Lào Cai, Tuyên Quang... Theo đồng chí Hoàng Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, hiện cơ sở hạ tầng du lịch của chúng ta còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; không ít cơ sở vừa đầu tư xây dựng, vừa khai thác nên hiệu quả mang lại chưa cao. Chúng ta có nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng, nhưng do sự đầu tư ít, chưa có trọng điểm nên có rất ít làng văn hóa du lịch hút khách một cách bền vững. Ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vẫn còn hạn chế; sự đầu tư của các cấp, các địa phương cho hoạt động du lịch còn khá khiêm tốn. Cùng với đó, chúng ta chưa hoàn thiện xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch lâu dài nên chưa thể có sự đầu tư lớn và cụ thể cho lĩnh vực này...

Mặc dù vậy, năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục hứa hẹn sự phát triển của ngành du lịch của Hà Giang. Với những lợi thế, tiềm năng, chúng ta có cơ hội rất lớn khi du lịch di sản và du lịch gắn với thiên nhiên, bản sắc đang trở thành nhu cầu rất lớn. Từ những kết quả khả quan, cũng như những hạn chế đặt ra đang đòi hỏi chúng ta cần phải có sự nỗ lực rất nhiều, không chỉ riêng đối với ngành VHTT&DL mà còn sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương. Qua đó, việc xây dựng Đề án phát triển du lịch từ nay đến năm 2015, Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 và xa hơn nữa cần phải được sớm hoàn thiện. Để từ đó, góp phần xây dựng và phát triển ngành du lịch một cách bền vững, góp phần cho sự phát triển KT – XH của địa phương.


HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên kết du lịch: Cơ hội "đổi đời" cho người nghèo
Một địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho mình, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong nước và nước ngoài…
30/12/2011
Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch
Sau sáu năm, từ 2005 đến 2011 Du lịch Việt Nam đã sử dụng slogan (tiêu đề) “Việt Nam - The Hidden Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn,” thì nay sẽ được thay thế bằng “Việt Nam - Timeless Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận.”
29/12/2011
Vị khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam
Ông Curvalle Bernard Francois, quốc tịch Pháp là khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam trong năm 2011.
27/12/2011
Rủ nhau đi phượt
Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau trên những cung đường Mộc Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sa Pa… hay những tốp bạn trẻ khoác balo trên lưng băng rừng, lội suối, vượt núi lên đỉnh Phanxipang. Những hình ảnh đó không còn quá xa lạ khi phong trào phượt đang ngày một lan rộng.
23/11/2011