"Linh hồn" Cao nguyên đá

07:04, 12/10/2016

BHG- Những ngày này, trời chuyển mùa sang Thu, vừa xinh đẹp lại vừa đỏng đảnh kiêu kì. Gió Thu mơn man từng cánh hoa Tam giác mạch (TGM), nhẹ nhàng như chiều chuộng người tình bé nhỏ. Trên Cao nguyên đá (CNĐ) bây giờ, hoa TGM đã nở trắng sáng cả những mỏm đá tai mèo xám xịt. Hoa nở, nghĩa là “linh hồn” của vùng địa đầu Tổ quốc đã thức dậy!

“Phó nháy nhí” đang giúp bà và mẹ lưu lại khoảnh khắc đẹp bên cánh đồng TGM tại xã Sủng Là (Đồng Văn).
“Phó nháy nhí” đang giúp bà và mẹ lưu lại khoảnh khắc đẹp bên cánh đồng TGM tại xã Sủng Là (Đồng Văn).

Dọc theo quốc lộ 4C, từ Quản Bạ, Yên Minh, lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc, những điểm trồng hoa TGM đã bắt đầu nở rộ. Bản thân tôi trước đây chỉ biết đến hoa TGM như là một loài hoa đặc trưng của Hà Giang, chỉ đến khi tận mắt thấy, ngắm nhìn những cánh hoa xinh đẹp mới cảm nhận hết được vì sao người ta lại “thương” nó nhiều đến thế! Hoa khi chớm nở sẽ mang bộ váy trắng tinh khôi, dần dần lại chuyển sang phớt hồng. Và cuối cùng, khi đã trút toàn bộ nhựa sống của mình để khoe sắc, nó đỏ rực cả góc trời CNĐ.

Ở loài hoa này, luôn luôn có một sức cuốn hút đặc biệt nào đó không ai có thể chối từ. Chỉ biết rằng, thứ màu tím hồng miên man kia làm yếu chân bất kể lữ hành nào. Nếu như người ta tìm lên giữa đại ngàn núi rừng Tây Bắc chỉ để cố ngắm nhìn thứ màu trắng của hoa ban rừng thì du khách đến Hà Giang sẽ được trải nghiệm nhiều hơn thế. Các bạn có thể chinh phục đèo Bắc Xum (Quản Bạ), dốc Chín khoanh (Đồng Văn) và Mã Pí Lèng (Mèo Vạc) huyền thoại; và được hòa mình cùng sắc hoa TGM. Hơn thế nữa, giữa tiết trời se lạnh, sẽ thật trọn vẹn nếu nhấp chén rượu ngô thơm nồng men lá, thứ “men tình Cao nguyên đá” chưa uống đã say. Năm 2016, Lễ hội hoa TGM lần thứ hai được tổ chức vào 3 ngày 14, 15 và 16.10 với nhiều nội dung hấp dẫn. Thời điểm này, tuy chưa chính Lễ hội, nhưng du khách đã bắt đầu lựa chọn Hà Giang làm điểm đến cho chuyến trải nghiệm của mình cùng gia đình, bạn bè. Để góp phần cho thành công của Lễ hội, trên địa bàn 4 huyện vùng cao, đặc biệt là huyện Đồng Văn đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Đặc biệt là hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu của khách với giá cả hợp lý. Một số làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng sẵn sàng đón chào khách đến với hình thức trải nghiệm và khám phá. Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông đã được lên kế hoạch và thực hiện. Huyện cũng phát động Đoàn Thanh niên dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường chính, các con sông, suối để tạo môi trường du lịch sạch đẹp, để lại ấn tượng với du khách. Việc chỉnh trang, nâng cấp đường xá dẫn vào các khu du lịch trọng điểm của huyện như khu vực Dinh thự Nhà Vương (Sà Phìn), Cột cờ Lũng Cú (Lũng Cú), Bãi đá Hải Cầu (Vần Chải) cũng đã hoàn tất.

Đặc biệt, với nỗ lực để phục vụ cho khách du lịch trong mùa Lễ hội, VNPT Hà Giang đã thực hiện lắp đặt hệ thống phát wifi công cộng miễn phí tại trung tâm 4 huyện vùng CNĐ và các điểm du lịch như: Mã Pí Lèng, Chợ đêm (Mèo Vạc), Cột cờ Lũng Cú, Khu di tích Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Làng Văn hóa Lũng Cẩm (Đồng Văn), Cổng trời (Quản Bạ)... Được biết, phạm vi phát sóng khoảng 200-300m/bộ, đảm bảo phục vụ cùng một thời điểm trên 1.200 lượt truy cập. Đây có thể là một tin vui cho khách du lịch đến với Hà Giang trong mùa Lễ hội này.

“Tôi muốn nói chuyện với những cánh hoa, nó có thể hiểu tôi nói phải không?”. Đó là câu hỏi có vẻ ngô nghê của một nữ khách nước ngoài. Tôi cực kì ấn tượng giây phút cô ấy nâng cánh hoa TGM lên, ánh mắt chứa đựng một thứ tình cảm không thể nào diễn tả được bằng lời. Tôi biết, ánh mắt ấy là sự ngỡ ngàng trước cánh hoa mỏng manh, còn là niềm khâm phục khôn cùng sức sống vươn lên từ trong đá của loài hoa ấy. Dường như mỗi du khách đến với CNĐ, đến thăm những cánh hoa TGM mỏng manh yếu ớt đều gửi gắm vào đó một chút tình, chút tình của người miền xuôi mang lên miền ngược, của người nơi xa đối với Hà Giang. Thứ tình cảm đó có thể là của một cô cậu sinh viên, của một “phượt thủ”, một du khách nước ngoài, hay thậm chí là của một khách vãng lai. Mỗi người một chút thôi, sẽ tạo nên mối tình tuyệt đẹp nơi miền cực Bắc!

My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả Đề án di chuyển học sinh từ các điểm trường về trường chính ở Bắc Mê

BHG - Năm 2015 - 2016, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Mê thực hiện Đề án chuyển học sinh (HS) tiểu học (TH) từ điểm trường về học tại trường chính bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục toàn diện HS; làm thay đổi tư duy, nhận thức của giáo viên, HS và phụ huynh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. 

30/09/2016
Huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời", Kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016)

BHG- Ngày 29.9, UBND huyện Bắc Mê đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời" và kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016).

30/09/2016
Dệt lanh - nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông

BHG - Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải và trở thành biểu tượng cho sự dẻo dai, cần cù và khéo léo. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ và được khách du lịch yêu thích. Đó còn là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá.

30/09/2016
"Ươm mầm tương lai" cho "đá mồ côi" ở Miền đá xám

BHG - Chúng tôi về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc vào một ngày thu, khi trường đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập. Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi với các thầy, cô nơi đây lại không phải nói về hành trình 45 năm của trường, mà là một việc làm chưa có tiền lệ. Đó là một lớp học mang tên "ươm mầm tương lai" cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà chúng tôi ví như những hòn "đá mồ côi" ở Miền đá xám Mèo Vạc. 

30/09/2016