Hà Giang

"Ươm mầm tương lai" cho "đá mồ côi" ở Miền đá xám

16:02, 30/09/2016

BHG - Chúng tôi về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc vào một ngày thu, khi trường đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập. Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi với các thầy, cô nơi đây lại không phải nói về hành trình 45 năm của trường, mà là một việc làm chưa có tiền lệ. Đó là một lớp học mang tên “ươm mầm tương lai” cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà chúng tôi ví như những hòn “đá mồ côi” ở Miền đá xám Mèo Vạc.

Cô Dương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường nói với chúng tôi trong đôi mắt rơm rớm; 10 cháu có hoàn cảnh rất đặc biệt, học từ lớp 2 đến lớp 4 được đưa từ các xã ra đây; có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu cha mất, mẹ bỏ đi lấy chồng hoặc đi Trung Quốc biệt tăm. Có cháu may mắn, dù nghèo khó nhưng được ở với ông, bà; có hoàn cảnh 3 – 4 anh em côi cút nuôi nhau. Không riêng ở Mèo Vạc, những hoàn cảnh như thế không phải hiếm ở các huyện khác, đặc biệt là những huyện biên giới. Xuất phát từ thực tế đó, lớp học “ươm mầm tương lai” được hình thành từ ý tưởng và cái tâm của Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, anh Hầu Minh Lợi.

Các cô giáo chăm sóc bữa ăn cho 10 em học sinh “đặc biệt”.
Các cô giáo chăm sóc bữa ăn cho 10 em học sinh “đặc biệt”.

Cô Phạm Thị Tâm, Hiệu phó Trường Nội trú huyện cho biết, xây dựng lớp học này là cả một sự khó khăn đối với huyện và nhà trường. Thế nhưng trước hoàn cảnh của các em, sự chung tay chia sẻ là điều rất cần. Huyện có chủ trương giao cho Trường Nội trú tiếp nhận, quản lí việc ăn, ở cho các cháu. Còn Trường Tiểu học thị trấn sẽ thực hiện nhiệm vụ dạy văn hóa cho các cháu. Ban đầu khi mới đưa các cháu từ xã ra, mọi cái rất khó khăn; các cháu có hoàn cảnh đặc biệt nên tâm lí, tình cảm cũng rất “đặc biệt”. Do quen cuộc sống “tự do” ở nhà nên khi về trường các em rất nhút nhát, có em còn muốn bỏ về. Bằng tình cảm của những người mẹ, các cô giáo đã tận tình chăm sóc các em, từ việc cắt, gội những mái tóc vàng xạm bởi nắng, bết bởi bùn đất và có cả... chấy; đến việc dạy các em nếp sinh hoạt hàng ngày như đánh răng, gấp chăn, màn, ăn uống, cách chào hỏi...

Anh Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc chia sẻ: Qua những lần về các xóm, bản; thấy hoàn cảnh trẻ mồ côi trong các gia đình đặc biệt khó khăn mình rất trăn trở. Trẻ nhỏ nếu không có sự chăm sóc của gia đình, xã hội các cháu có thể phải đối mặt với việc bỏ học, bị bắt cóc, tảo hôn, trở thành gánh nặng xã hội... Chính vì thế, mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhưng bước đầu huyện cho xây dựng “mô hình” lớp học “ươm mầm tương lai”, chọn 10 hoàn cảnh khó khăn nhất trong số các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã trong huyện đưa ra Trường Nội trú huyện để xây dựng lớp “ươm mầm tương lai”. Ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho trẻ mồ côi; hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo..., huyện kêu gọi mỗi cơ quan, đơn vị trong huyện thực hành tiết kiệm chi tiêu công để mỗi tháng ủng hộ 50.000 đồng nuôi các cháu. Tiền quyên góp được lập thành quỹ do Phòng Giáo dục quản lí, hàng tháng chuyển một phần về Trường Nội trú để nuôi các cháu.

Anh Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc trong một lần đến thăm các cháu lớp “ươm mầm tương lai”.
Anh Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc trong một lần đến thăm các cháu lớp “ươm mầm tương lai”.

Cô Dương Thị Ngọc Lan chia sẻ, bù đắp sự thiếu thốn tình cảm của các cháu, huyện cho hợp đồng một cô giáo mới tốt nghiệp đại học sư phạm để hàng ngày chuyên trách quản lí, chăm sóc các cháu việc ăn, học. Với nhà trường, vận động học sinh “nhường cơm, sẻ áo”, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với các em. Qua đó, một số học sinh của trường khi ngày nghỉ về nhà đã sẻ chia lại suất ăn không dùng đến để dành cho 10 cháu lớp “ươm mầm”. Kể từ khi đưa các cháu về đây, có những tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ thêm để nuôi dạy các cháu. Nhờ sự quan tâm của huyện và các tấm lòng hảo tâm, 10 hoàn cảnh “đá mồ côi” giờ đã có một mái ấm, một điểm tựa vững chân.

Sau hơn 1 tháng về về Trường Nội trú, nhìn từ da rẻ đến quần áo, cách đi đứng, ăn nói của các em thay đổi rõ rệt. Cô giáo Phạm Thị Tâm vui mừng khoe với chúng tôi; tất cả các cháu đều tăng cân, có cháu tăng đến 2 – 3 kg, không còn là hình ảnh gầy, đen, tóc bết bụi đất, nhút nhát như ngày đầu.

Lư Mí Sình năm nay học lớp 4, nhà ở thôn Pó Pia, xã Niêm Tòng. Bố Sình đã mất, mẹ đi lấy chồng để mặc mấy anh em Sình côi cút trong căn nhà lạnh lẽo. Anh em Sình sống qua ngày với sự sẻ chia của bà con hàng xóm. Nhờ có lớp “ươm mầm tương lai”, Sình được ra huyện. Dù mới 9 tuổi, nhưng khuôn mặt Sình đầy ưu tư, em nói ra đây nhớ nhà lắm, thương các em lắm, nhưng vẫn muốn ở đây với các cô giáo, các bạn. Còn với Sùng Thị May, thôn Tìa Chí Rùa, xã Giàng Chu Phìn, cha mất sớm, mẹ của May lặng lẽ sang Trung Quốc lấy chồng, bỏ mặc cô bé tội nghiệp với mấy đưa em nhỏ. May nói, ở nhà vất vả lắm, chỉ biết đến mèn mén, rau cải; nhưng ra đây ăn cơm có thịt, cá no cái bụng, giờ không muốn về nữa rồi.

Nghe cô giáo Tâm nói với các em, học chăm đến cuối tuần cô cho mượn điện thoại gọi về thăm các em ở nhà nhé, chúng tôi không thể cầm lòng. Có đi mới hiểu, ở những lớp học trên vùng Cao nguyên đá, việc kêu gọi các em đi học không dễ, việc giữ các em ở lại trường, lớp còn khó hơn. Vì thế, “cô là mẹ”, các cháu mới có thể ở lại trường làm bạn với cái chữ được.

Bí thư Huyện ủy, Hầu Minh Lợi nói với chúng tôi, dù gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình chưa có tiền lệ trong tỉnh; nhưng huyện mong muốn mô hình mang định hướng tương lai. Vì thế trước khi thực hiện, huyện chỉ đạo các xã có học sinh đưa ra đây phải làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời phải có biện pháp quản lí nhà cửa, đất đai, nương rẫy cho các cháu;  để sau này học xong văn hóa mà không đi học, đi làm ở đâu, các cháu còn có chỗ trở về. Huyện sẽ cố gắng duy trì lớp học, tùy lực học của các cháu để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp các cháu học lên các trường chuyên nghiệp, học nghề, để các cháu ra đời có cơ sở đi tìm việc làm, nuôi sống bản thân. Mô hình này sẽ là mô hình gối và những năm tới sẽ đón thêm các cháu có hoàn cảnh tương tự. Huyện kêu gọi mỗi cơ quan, đơn vị, các cá nhân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, mỗi cơ quan chỉ cần tắt bớt 1, 2 bóng điện không cần thiết là hàng tháng có thể có thêm tiền ủng hộ các cháu.

Miền đá chuẩn bị bước vào mùa Đông lạnh, cuộc sống còn nhiều gian khó, nhiều trẻ em nơi đây may mắn có cha, mẹ vẫn còn phải tự chơi, tự học giữa giá rét mỗi khi cha mẹ lên nương. Còn đối với những trường hợp mồ côi cha, mẹ thì mùa Đông lại càng lạnh lẽo hơn.

Trên vùng Cao nguyên đá, có một loại đá được người dân gọi là “đá mồ côi”. Đó là những hòn đá đứng chơ vơ, chỉ có một ít chân cắm vào chút đất ít ỏi giữa lưng núi; vì thế, nó sẵn sàng bị xô xuống chân núi bất cứ lúc nào. Công cuộc chinh phục đá để sinh tồn là một kỳ tích đáng khâm phục, nhưng cũng chính nó sinh ra nhiều hoàn cảnh, nhiều “đá mồi côi”. Từ đó, rất cần những lớp học “ươm mầm tương lai” không chỉ riêng ở Mèo Vạc mà đây chính là điều thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch.      

 Mèo Vạc, tháng 9.2016        

  Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời", Kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016)

BHG- Ngày 29.9, UBND huyện Bắc Mê đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời" và kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016).

30/09/2016
Dệt lanh - nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông

BHG - Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải và trở thành biểu tượng cho sự dẻo dai, cần cù và khéo léo. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ và được khách du lịch yêu thích. Đó còn là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá.

30/09/2016
Đồng Văn, nỗ lực vì "trái tim" Lễ hội

BHG- Theo kế hoạch, Lễ hội Hoa Tam giác mạch của tỉnh lần thứ hai năm 2016 sẽ được tổ chức tại huyện Đồng Văn vào trung tuần tháng 10 tới. 

29/09/2016
Đến Hoàng Su Phì thưởng thức cá chép… Ruộng bậc thang!

BHG- Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm bao du khách mải mê chiêm ngưỡng, mà đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép… Ruộng bậc thang.

29/09/2016