Tết quê tôi

20:40, 08/02/2015

Xuân 2015- Phong tục đón Tết cổ truyền ở quê tôi, không biết có từ bao giờ. Cứ ngày ba mươi tết phải sửa sang lại nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thổ công. Tất cả mọi vật dụng, trong nhà kể cả ở lều nương, lều cối nước, chuồng gia súc, gia cầm, lán để củi... đều được lau chùi sạch sẽ. Các cột chính, cửa chính, cửa phụ, cửa sổ đều được dán một miếng giấy đỏ và người ta cắm cành cây xanh (chè lạng) để cấm ma, quỷ ác không vào nhà được. Những việc làm đó theo quan niệm của người Tày Bản Tuỳ, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) là: Mọi vật ấy muôn đời cùng tồn tại, gắn liền với con người. Con người làm ra nó và ngược lại không có mọi thứ ấy, con người chẳng khác gì con vật. Từ những quan niệm giản dị ấy, trước giờ giao thừa, mọi vật dụng, công cụ sản xuất  và rổ rá, bung, bồ đựng thóc... những gì phục vụ con người lao động, sinh hoạt đều được gom lại một chỗ để ở cuối nhà, bên cạnh chạn bát, buộc ba bánh chưng, giấy tiền vàng mã. Phải thắp hương trong những ngày Tết, Rằm tháng Giêng và ngày ba mươi tháng Giêng để tỏ lòng biết ơn những đồ vật đó luôn  tồn tại với đời người.

Bếp của người Tày Bản Tuỳ thường làm ở gian cạnh bàn thờ nhìn ra cửa chính. Bếp có nền bếp bằng đất, kiềng sắt, gác bếp. Ngày ba mươi Tết bếp được gia đình quét gọn, sạch sẽ. Ngày đó mới được nhấc kiềng ra khỏi vị trí để xúc hết tro bụi cũ ra khỏi bếp. Gác bếp được quét sạch bò hóng, đồng thời treo thịt lợn ướp muối, phải có thủ lợn treo ở giữa gác bếp. Trong ngày đó bếp phải có 1- 2 đoạn củi gộc, loại gỗ cứng, tươi càng tốt. Gỗ ước chừng cháy đến Rằm tháng Giêng, đấu gỗ vào nhau và nhóm lửa ngay để lấy may năm mới sắp đến,đuổi cái xấu đi. Người ta cho rằng trong 15 ngày đầu Xuân, nếu như lửa trong bếp mà tắt thì nhiều cái xấu đến với gia đình. Trong tháng Tết cổ truyền,đặc biệt là từ mùng một đến Rằm tháng Giêng không được nói tục, không được làm những việc xấu, nói xấu người khác, Nếu ai không kiêng được thì năm đó hay ốm đau, mùa màng thất bát, chăn nuôi thiệt hại.

Niềm vui của hai lão nông khi mua được nông sản.    Ảnh: ĐỖ BÌNH
Niềm vui của hai lão nông khi mua được nông sản. Ảnh: ĐỖ BÌNH

Từ 26 đến 30 Tết, mọi nhà chuẩn bị cho những ngày Tết, đặc biệt là lấy củi, lá dong gói bánh chưng, mổ lợn. Sáng 30 Tết,  bà hoặc mẹ đến bờ suối thắp hương, gọi hồn các con, cháu về nhà.

 Cũng sáng 30 Tết, bát hương bàn thờ tổ tiên được thay tro mới. Tro phải lấy rơm lúa nếp sạch, đốt thành tro và dần kỹ. Đồ lễ thờ tổ tiên trong tháng Tết là những sản phẩm tự sản xuất: Ngũ quả, hương hoa, bánh chưng, các loại bánh khác. Mía để cả ngọn, lá mía bó ngọn bằng giấy đỏ thành ba khoanh, dựng cạnh bàn thờ, để tổ tiên ăn Tết xong làm gậy về trời. Cũng trên bàn thờ, để 2 chai rượu và thắp đèn dầu đến hết ngày Rằm tháng Giêng. Chiều muộn ngày ba mươi Tết, nhà nào nhà ấy sắp mâm lễ cúng Tổ tiên cuối năm. Ông chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, kính cẩn mời Tổ tiên về hưởng lộc, ăn cơm tất niên với con cháu. Bữa cơm tất niên cuối năm, ông chủ nhà nhắc nhở mỗi người những việc chưa được, cần làm trong năm mới. Bữa cơm tất niên có khi kéo dài đến giao thừa.

Đêm ba mươi Tết đón giao thừa, việc quan trọng nhất là chăm lo cho đèn nhang trên bàn thờ tổ tiên, làm những công việc còn lại mà ban ngày chưa làm kịp. Đặc biệt đêm ba mươi Tết, phụ nữ phải khâu hai chiếc còn, làm một chiếc yến, để mang đi dạ hội. Thanh niên, con trẻ, ngồi bên bếp lửa, đẽo cù, se dây cù để chuẩn bị sáng hôm sau đi chơi Tết và đi dự hội làng (hội Lồng Tồng). Sau đó cả nhà mặc quần áo mới, pha nước chè mới lên bàn thờ, rồi  quây quần bên bếp lửa, chờ nghe tiếng gà gáy báo hiệu năm mới đã đến.

Sáng mùng một Tết, cả nhà thức dậy quây quần bên bếp lửa. Việc đầu tiên pha chè dâng lên bàn thờ và thắp hương cho tổ tiên, sau đó cả nhà xuất hành rồi về ăn cơm sáng. Bữa cơm đầu năm dưới bàn thờ Tổ tiên, ngồi phải theo ngôi thứ, gia đình dù đông bao nhiêu cũng chỉ ngồi một mâm. Sau ăn, ông bà, cha mẹ phát lộc (mừng tuổi) cho con cháu. Mặt trời phía sau núi đã lên qúa một sào phơi, mọi người chuẩn bị sắm sửa còn, yến, con quay, cà kheo... diện quần áo mới hân hoan đi dự Hội làng đầu Xuân.

Cứ thế, năm này qua năm khác, đón Tết của dân tộc Tày Bản Tuỳ cứ tồn tại qua hết đời này sang đời khác./.                                           

VI VĂN MÔN (Vị Xuyên)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Địa chỉ tạo nguồn lao động tay nghề cao

Xuân 2015- Nhiều năm qua, lực lượng lao động có nghề đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội. Các học viên thuộc thành phần học nghề phi nông nghiệp như: Điện dân dụng, kỹ thuật gò, hàn, sửa chữa xe máy, sửa máy nông, lâm cụ... Sau khi ra trường nhiều học viên đã có việc làm ổn định, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Các lớp dạy nghề đã góp phần khôi phục lại các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm, thu hút lao động, bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc. 

08/02/2015
Chất lượng giảng viên "then chốt" đổi mới giáo dục

Xuân 2015- Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Giang là nơi đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục và đạo tạo cho tỉnh. 

08/02/2015
Đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục thành phố Hà Giang

Xuân 2015- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), năm 2014, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng với nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành GD-ĐT thành phố Hà Giang đã tạo bước đột phá, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới công tác quản lý, nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, kiên cố hóa trường lớp học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, thực hiện tốt các phong trào thi đua theo chủ đề năm học do Bộ GD-ĐT phát động.

08/02/2015
"Phố núi" Xuân về

Xuân 2015- Xuân về mang theo hơi ấm tới miền sơn cước, làm cho thị trấn Mèo Vạc nằm yên bình giữa đại ngàn núi đá tai mèo cũng "cựa mình" đón nắng mai. Về đêm, cả thung lũng được thắp sáng bởi những ánh điện lung linh sắc mầu. "Phố núi" hôm nay tràn đầy sức sống mới, với diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại. 

08/02/2015