Trường Chính trị Hà Giang - 65 năm xây dựng và phát triển với niềm tin tỏa sáng

15:17, 28/03/2022

BHG - Thực hiện chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta - "cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, ngày 10.4.1957, Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh Hà Giang. Đến năm 1976, khi sáp nhập hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, trường sáp nhập với Trường Đảng Tuyên Quang thành Trường Đảng Hà Tuyên. Sau khi tái lập tỉnh Hà Giang, tháng 3.1992, Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thành lập Trường Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ tỉnh Hà Giang, đến tháng 11.1995 đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Hà Giang. Tháng 1.2008, Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định lấy ngày 10.4.1957 là ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Hà Giang, nay là Trường Chính trị tỉnh Hà Giang.

65 năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hướng dẫn quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, Trường Chính trị Hà Giang đã vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, với tinh thần quyết tâm “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Nhà trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng hàng chục ngàn lượt cán bộ, phục vụ nhiệm vụ cách mạng, đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tượng đài Hồ Chủ tịch được đặt trang nghiêm giữa khuôn viên Trường Chính trị tỉnh như nhắc nhở cán bộ giảng viên và học viên học tập và làm theo tấm gương của Bác, thi đua dạy tốt học tốt
Tượng đài Hồ Chủ tịch được đặt trang nghiêm giữa khuôn viên Trường Chính trị tỉnh như nhắc nhở cán bộ giảng viên và học viên học tập và làm theo tấm gương của Bác, thi đua dạy tốt học tốt

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường từng thời kỳ không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1957 khi mới thành lập, trường chỉ có 1 lớp bồi dưỡng chính trị cho 68 đồng chí là cấp ủy viên và đảng viên, thì trong thời gian gần đây, mỗi năm trường đã tổ chức trên 20 lớp với nhiều loại hình như: Đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, bồi dưỡng cán bộ cấp phòng, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp huyện, cập nhật bổ sung kiến thức mới; liên kết đào tạo cử nhân, cao cấp Lý luận chính trị - hành chính, thạc sỹ kinh tế, đại học các chuyên ngành Nông - lâm nghiệp, Luật, Tài chính - kế toán, Kinh tế, Báo chí tuyên truyền; liên kết bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp tỉnh, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp sở... Chỉ tính riêng từ khi tái thành lập tỉnh Hà Giang năm 1991 đến nay, trường đã đào tạo được 185 lớp trung cấp Lý luận chính trị, 2 lớp trung cấp Hành chính - văn thư, 1 lớp trung cấp Luật; liên kết đào tạo 17 lớp cử nhân, cao cấp Lý luận chính trị, 11 lớp đại học, 2 lớp thạc sỹ; đồng thời tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng các loại... Những cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng tại trường về cơ bản đã và đang phát huy tốt vai trò của mình, nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

Khi mới thành lập, trường chỉ có 12 người gồm Ban Giám hiệu, bộ phận Giáo vụ và bộ phận Hành chính. Trong suốt một thời gian dài, để tổ chức các lớp, trường đều phải mời thêm giảng viên kiêm nhiệm. Hiện nay, tổ chức bộ máy của trường gồm có Ban Giám hiệu, 3 khoa chuyên môn và 2 phòng chức năng với 42 viên chức và lao động, trong đó có 33/42 giảng viên chiếm 78,6%, có 38/42 đảng viên chiếm 90,5%. Xác định con người là chủ thể, là nhân tố trung tâm, yếu tố quyết định của sự phát triển, nhiều năm qua nhà trường đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ. Hiện nay đội ngũ viên chức, lao động đã cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, chính trị, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm; 25/33 giảng viên có trình độ thạc sỹ chiếm 75,7%; đội ngũ viên chức quản lý các khoa, phòng trở lên cơ bản có trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên. Do trình độ của đội ngũ được nâng lên, trường đã đảm nhiệm thực hiện có chất lượng một số lớp có yêu cầu cao hơn như: Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, quản lý cấp phòng, quy hoạch cấp huyện; phối hợp tổ chức bồi dưỡng quy hoạch cấp tỉnh, bồi dưỡng quản lý cấp sở… Có thể khẳng định, trường Chính trị tỉnh Hà Giang hiện nay đã có một đội ngũ được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới công tác giáo dục lý luận, chính trị, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn xác định lấy học viên làm trung tâm trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ. Đồng thời công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cũng luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của trường, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2000 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường đã có bước đổi mới rõ rệt, thực hiện được 4 đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, trên 80 đề tài khoa học cấp trường. Các hoạt động có tính chất nghiên cứu như tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn, hội nghị học tốt, thi học viên học giỏi lý luận chính trị, tham gia viết tin, bài cho các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của trường được duy trì đều đặn…

65 năm đồng hành cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền tỉnh, Trường Chính trị Hà Giang vẫn luôn khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình, kiên định vững vàng, ngời lên sắc đỏ, tỏa sáng niềm tin, đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Tập thể trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 1997, hạng Nhì năm 2006; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua các năm 2006, 2012 và 2015; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen năm 2016, tặng Cờ thi đua 2017. 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhiều cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện”, nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua toàn quốc...

Đến thời điểm hiện tại, trường tự đánh giá đã đạt 33/56 - tương đương 58,9% số tiêu chí theo chuẩn mức 1. Vinh dự, tự hào, phát huy truyền thống xây dựng và trưởng thành 65 năm qua, cùng với niềm tin tỏa sáng, Trường Chính trị Hà Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục tích cực tham mưu và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ của tỉnh, xây dựng và phát triển Hà Giang thoát khỏi khó khăn, phấn đấu "đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”. Xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh theo tiêu chuẩn hiện đại hóa và đa dạng hóa; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; tập trung gắn với các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, cập nhật bổ sung kiến thức mới, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, đào tạo cán bộ nguồn. Đổi mới phương pháp đánh giá giảng viên và học viên, phấn đấu công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Xây dựng đội ngũ viên chức và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, tác phong mẫu mực trong sinh hoạt, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn, có phương pháp công tác và giảng dạy tốt, có kiến thức thực tiễn gắn với lý luận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đổi mới của tỉnh, của đất nước. Trong đó, chú trọng việc cử đi học tập nâng cao trình độ; cập nhật kiến thức mới; đồng thời bố trí cho giảng viên đi thực tế ở cơ sở để bổ sung kiến thức thực tiễn. 

Tăng cường mở rộng mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành, các huyện, thành phố, các Đảng ủy trực thuộc tỉnh, các đơn vị liên kết đào tạo, bồi dưỡng, các trường Chính trị trong cụm thi đua số 2 và cả nước. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đấu tranh phòng chống các biểu hiện "tự suy thoái", "tự chuyển hóa", xây dựng Đảng bộ và các tổ chức trong nhà trường vững mạnh. Sử dụng và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tạo nguồn lực và tiết kiệm chi để đầu tư cho phát triển trường, đồng thời tích cực tham mưu đề xuất với tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số đồng bộ theo hướng đảm bảo các tiêu chí của trường Chính trị chuẩn.

Nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển của trường với rất nhiều khó khăn, song luôn vững vàng trước trọng trách được giao, sự phấn khởi, tự hào của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động, học viên nhà trường. Thế hệ trước đã làm tròn trách nhiệm được giao, thế hệ hôm nay và mai sau của trường với niềm tin tỏa sáng nguyện sẽ tiếp tục khẳng định và quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, viết tiếp trang sử truyền thống, xây dựng Trường Chính trị Hà Giang ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

ThS. Phạm Sỹ Hùng
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Hà Giang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
BHG - Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, mảnh đất Yên Minh chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc từ ngàn đời. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc được huyện chú trọng và xác định đây là biện pháp hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.
28/03/2022
Bế mạc Giải Quần vợt Cúp các CLB tỉnh Hà Giang năm 2022
BHG - Tối 26.3, tại sân Quần vợt Quang Trung (Tp Hà Giang) Sở Văn hóa, TT&DL phối hợp cùng Liên đoàn Quần vợt tỉnh tổ chức Bế mạc Giải Quần vợt Cúp các CLB tỉnh Hà Giang năm 2022. Đến dự có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, đại diện Liên đoàn Quần vợt tỉnh, cùng đông đảo cổ động viên.
27/03/2022
Tuyển sinh 2022: Thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot"
Mùa tuyển sinh năm 2022, thí sinh lưu ý, ưu tiên số 1 khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích thay vì quá chú trọng vào ngành "hot".
26/03/2022
Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
BHG - Sáng 26.3, Tỉnh đoàn tổ chức Lễ kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 – 26.3.2022). Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến và phát trực tiếp trên trang fanpage của Tỉnh đoàn Hà Giang.
26/03/2022