Bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các công trình Thủy điện trên địa bàn tỉnh
BHG - Chiều 30.7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các công trình Thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; Hiệp Hội Doanh nghiệp, Hội Thủy điện tỉnh; các chủ đầu tư và Giám đốc điều hành các Nhà máy Thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu kết luận Hội nghị. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 65 Dự án Thủy điện với tổng công suất 960,4MW; trong đó, có 29 Nhà máy Thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy 588,8MW; tổng sản lượng phát điện trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 807,14 triệu kWh; tổng doanh thu 965,09 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 169,23 tỷ đồng; phí dịch vụ môi trường rừng đạt 27,63 tỷ đồng. Hiện có 4 công trình Thủy điện đang thi công với tổng công suất lắp máy 106MW; có 2 công trình đang dừng thi công; 28 dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; 2 dự án chưa có nhà đầu tư; 8 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương để nghiên cứu bổ sung quy hoạch. Theo đánh giá của Sở Công thương, cơ bản các chủ đầu tư chấp hành theo quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình. Trong tổng số 29 Nhà máy Thủy điện đang vận hành phát điện, các chủ đầu tư cơ bản tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, công tác đăng ký an toàn đập, kiểm định an toàn đập. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong việc cung cấp thông tin giữa các Nhà máy Thủy điện chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến chưa có sự đồng bộ trong việc tiếp nhận thông tin và vận hành, xả đón lũ. Đặc biệt, trong đợt lũ ngày 24 – 26.6.2018, các nhà máy chưa có sự liên kết trong việc vận hành xả nước đón lũ, dẫn đến việc các Nhà máy Thủy điện trên sông Miện đã xả lũ với lưu lượng từ 500 – 1.600m3 /s nhưng Nhà máy Thủy điện sông Lô 2 chưa kịp thời mở toàn bộ cửa van, cùng với diễn biến bất thường, lòng sông bị thu hẹp dẫn đến TP Hà Giang bị ngập úng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân…
Lãnh đạo các sở liên quan và chủ đầu tư các Nhà máy Thủy điện Ký cam kết thực hiện Quy chế phối hợp. |
Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quản lý các công trình thủy điện, tập trung vào việc: Cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, vận hành đón lũ, xả lũ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình và giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng cho nhân dân trong khu vực hạ du, đặc biệt trong mùa mưa bão. Xác định khoảng cách giữa các nhà máy để tính toán thời gian xả lũ hợp lý; xác định rõ trách nhiệm người ra quyết định xả lũ cũng như trách nhiệm các nhà máy thủy điện; xây dựng các mốc cảnh giới cho người dân. Các nhà đầu tư đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý chất lượng đầu tư; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ưu tiên tạo điều kiện về công việc cho lao động địa phương; đóng góp đầy đủ các loại Thuế, phí theo quy định. Các cấp, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư dự án thủy điện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng; rút ngắn thời gian và thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư; phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra các dự án Thủy điện; nhất là quản lý chất lượng công trình, an toàn hồ đập và vấn đề xả dòng chảy tối thiểu; xử lý nghiêm những trường hợp chủ đầu tư không tuân thủ theo quy định của pháp luật…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh yêu cầu Sở Công thương hàng năm cần giám sát và đánh giá hoạt động của các nhà máy thủy điện; đánh giá quá trình chấp hành nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ với địa phương; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Thủy điện tỉnh đề xuất khung bình xét để có khen thưởng, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các chủ đầu tư; rà soát các quy hoạch và hệ thống quy hoạch các nhà máy Thủy điện để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp thực hiện. Chủ tịch UBND các huyện cần nghiên cứu và có sự tham gia tích cực, trách nhiệm để khi ban hành Quy chế phối hợp cung cấp thông tin và vận hành đón, xả lũ đối với nhà máy thủy điện được thực hiện thông suốt; tại thời điểm diễn biến mưa lũ bất thường, các chủ đầu tư cần vì cộng đồng chung và thống nhất quan điểm vận hành hồ chứa; thực hiện nghiêm túc Quy chế cung cấp thông tin; rà soát các dự án để có công khai về thông tin; trong quá trình triển khai các dự án, các huyện cần chủ động phối hợp với ngành chức năng của tỉnh trong việc cắm mốc lòng hồ để tuyên truyền tới người dân giám sát. Sở Tài nguyên và Môi trường cần linh hoạt hướng dẫn chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; hệ thống quản lý chung quan trắc thủy văn đối với các nhà máy Thủy điện; chủ động hướng dẫn các huyện, chủ đầu tư hoàn thành dứt điểm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Sở Nông nghiệp và PTNT cần thực hiện theo đúng Quy trình, Quy chế của BCH Phòng chống thiên tai, chủ động báo cáo để kịp thời có biện pháp ứng phó. Các huyện, thành phố cần quan tâm, xem xét, đề xuất kịp thời các vấn đề nảy sinh; đôn đốc nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục các công trình hư hỏng do ảnh hưởng của nhà máy thủy điện. Các nhà đầu tư, dự án Thủy điện cần thực hiện nghiêm ngặt các quy trình; tập trung thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ Thuế và Phí; chuẩn bị khả năng tài chính đáp ứng đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định đời sống người dân; rà soát các vị trí xung yếu, ảnh hưởng của dự án để có hướng điều chỉnh, khắc phục ảnh hưởng đối với công trình xung quanh…
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với chủ đầu tư các Nhà máy Thủy điện đã ký cam kết thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin và vận hành đón, xả lũ đối với nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Miện, sông Lô.
Tin, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc