Chủ tịch Quốc hội Kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

08:50, 06/06/2018

Sáng 05/6, phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tại phiên chất vấn có 59 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, và 17 đại biểu tranh luận, còn 24 đại biểu đặt câu hỏi chưa được trả lời tại hội trường, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Phiên chất vấn tập trung vào 03 nhóm vấn đề đó là: công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại phiên chất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề này đúng vào ngày Môi trường thế giới nên đã nhận được không ít sự quan tâm của nhiều đại biểu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn thiếu sót, hạn chế, tồn tại và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới. Đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống của nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn

Qua chất vấn và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy, trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai từng bước được triển khai chặt chẽ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 đã được các địa phương cơ bản hoàn thành. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đã xây dựng, triển khai kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đang triển khai nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như rất nhiều đại biểu đã chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, cả trước mắt và lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn. Có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Cùng với đó, rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Việc sử dụng đất công lãng phí cần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương, quản lý đất ven sông, ven biển. Xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng về quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền. Kiên quyết xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí chậm đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng trái pháp luật. Tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử. Nghiên cứu đổi mới phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo các tranh chấp khiếu kiện đông người, kéo dài liên quan đất đai. Tập trung rà soát sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường.

Đồng thời, triển khai quy hoạch xử lý rác thải, xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải. Hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác, theo dõi chặt hoạt động của các doanh nghiệp các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp ven sông ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường. Rà soát đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương. Giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải và ô nhiễm không khí tại các địa phương nhất là ở các cụm công nghiệp, làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường.

Bên cạnh đó, quản lý chặt tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước, làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ khâu này. Kiểm tra giám sát việc đáp ứng, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong việc nhập khẩu triển khai các dự án, rà soát quản lý chặt việc nhập khẩu phế liệu và nhất định không nhập khẩu chất thải. Đánh giá phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vị phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chú ý thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm, sớm xây dựng quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc người nào gây ô nhiễm thì phải trả tiền. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu. Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường vai trò vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương về biến đổi khí hậu. Chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các quốc gia có liên quan để giải quyết tốt các vấn đề do biến đổi khí hậu đặt ra.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông, gây sạt lở, xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời việc sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu, ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả kinh phí triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng và đời sống của nhân dân.

Theo quochoi.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với Đảng ủy xã Sính Lủng

BHG - Thực hiện theo phân công của BTV Tỉnh ủy về theo dõi, giám sát thường xuyên đối với Đảng bộ các xã, phường, thị trấn; chiều 5.6, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Đảng ủy xã Sính Lủng (Đồng Văn), kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 7 tháng cuối năm 2018. Cùng dự  buổi làm việc có lãnh đạo huyện Đồng Văn.

06/06/2018
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc tại huyện Quang Bình

BHG - Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể; đẩy mạnh xây dựng, nâng cao tiêu chí Nông thôn mới… đây là những nội dung đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tại buổi làm việc tại các xã của huyện Quang Bình ngày 5.6; dự buổi làm việc có lãnh đạo huyện Quang Bình.

05/06/2018
Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Học tập kinh nghiệm tuyên truyền thực hiện xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Hà Tĩnh

BHG - Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cùng đi, có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà.

 

05/06/2018
Khai giảng lớp bồi dưỡng Dự nguồn cán bộ quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025

BHG - Sáng 5.6, tại trường Chính trị tỉnh, Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng lớp Bồi dưỡng Dự nguồn cán bộ quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020- 2025. 

05/06/2018