Luân chuyển cán bộ ở Vị Xuyên - việc làm thiết thực và hiệu quả

16:39, 02/03/2009

HGĐT- Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Vị Xuyên luôn xác định công tác luân chuyển cán bộ là một việc làm cần thiết nhằm tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực công tác, từng bước trẻ hóa, cân đối về cơ cấu dân tộc, cơ cấu vùng miền, giới tính…


Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, huyện đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, trong đó có chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp luân chuyển cán bộ. Sau khi có Nghị quyết số 08 của Đảng bộ tỉnh khóa XIV, Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 32 ngày 28/8/2007 về việc luân chuyển để bồi dưỡng và đào tạo cán bộ giai đoạn 2007 – 2010. Tiền đề cho công tác luân chuyển cán bộ đó là từ trước năm 1997 đến 2005, huyện Vị Xuyên đã có 10 cán bộ luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, 2 cán bộ luân chuyển đi huyện khác, 13 cán bộ luân chuyển lên tỉnh, 45 cán bộ luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn; 8 cán bộ luân chuyển từ xã, thị trấn lên huyện; 9 cán bộ luân chuyển ngang giữa các xã, thị trấn. Cuối năm 2004, huyện đã tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 14 của BTV Tỉnh ủy về việc “Tăng cường cán bộ xây dựng cơ sở phát triển toàn diện, xóa đói giảm nghèo”, từ đó rút ra kinh nghiệm và khẳng định rằng: Việc luân chuyển cán bộ là cần thiết, là đòi hỏi thực tiễn khách quan.


Trong công tác lãnh, chỉ đạo, BTV Huyện ủy đã chủ động, kịp thời đưa ra các chủ trương, ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ một cách cụ thể. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, đôn đốc, đánh giá nhận xét đối với cán bộ luân chuyển. Đối với các ban, ngành đã tích cực thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, theo dõi, nhận xét, đánh giá. Chuẩn bị nội dung để hướng dẫn cho cán bộ cơ sở được luân chuyển lên, giao nhiệm vụ cụ thể, phân công cán bộ hướng dẫn, tạo điều kiện về nơi ăn, ở, làm việc. Các cơ quan có cán bộ luân chuyển xuống cơ sở đã khắc phục khó khăn để vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, thường xuyên quan tâm hỗ trợ để cán bộ của mình cùng với cơ sở nơi được luân chuyển đến hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các xã, thị trấn đã chấp hành nghiêm túc chủ trương luân chuyển cán bộ của huyện, kịp thời kiện toàn bổ sung thay thế khi có cán bộ luân chuyển đi, phân công cán bộ kiêm nhiệm khi có cán bộ luân chuyển học tập, sẵn sàng đón nhận và phối hợp với cán bộ của huyện luân chuyển xuống, bố trí nơi ăn, nghỉ, làm việc cho cán bộ luân chuyển…


Từ đầu nhiệm kỳ (2005 – 2010) đến nay, huyện Vị Xuyên đã luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, thị trấn là 7 đồng chí, trong đó giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ là 2 đồng chí, Phó Bí thư 1 đồng chí, Chủ tịch UBND xã 1 đồng chí, Phó Chủ tịch 2 đồng chí, Chủ tịch MTTQ 1 đồng chí. Luân chuyển cán bộ từ xã về huyện để học tập sau đó trở lại cơ sở có 15 cán bộ. Đối với chức danh Bí thư Đảng ủy luân chuyển về Văn phòng Huyện ủy không qúa 12 tháng, tại đây được phân công tổng hợp 1 lĩnh vực cụ thể, nghiên cứu cách soạn thảo ban hành văn bản, cách tổ chức và điều hành các cuộc họp, hội nghị, được đi công tác một số chuyến với lãnh đạo, học sử dụng máy vi tính, được mời họp các cuộc họp BTV, BCH, HĐND, sinh hoạt Đảng, đoàn thể tại Văn phòng... Đối với các chức danh Trưởng, Phó Công an xã luân chuyển về Công an huyện thời gian 4 tháng, được bố trí công tác theo các đội nghiệp vụ như an ninh, điều tra tội phạm, trật tự an toàn xã hội, giao thông trật tự, tham gia các buổi sinh hoạt của đơn vị. Nhìn chung, các đồng chí cán bộ xã, thị trấn đã nhanh chóng làm quen và tiếp cận với môi trường công tác mới, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, giao tiếp, trang phục đúng quy định, chất lượng công việc được nâng lên rõ rệt. Qua đánh giá năng lực công tác cho thấy có 2/15 đồng chí đạt khá tốt, 11/15 đồng chí đạt khá 1/15 đồng chí đạt trung bình. Trong qúa trình luân chuyển không có đồng chí nào vi phạm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, không có trường hợp vi phạm kỷ luật.


Ngoài ra, huyện cũng đã luân chuyển giữa các xã, thị trấn 12 đồng chí, luân chuyển giữa các ngành của huyện 21 đồng chí. Các đồng chí cán bộ diện luân chuyển đều phấn khởi, khắc phục khó khăn nhận nhiệm vụ, nhanh chóng hoà nhập với địa phương, công việc nơi được luân chuyển đến. Số cán bộ quản lý các phòng, ban được luân chuyển bổ nhiệm đều xuất phát từ nhu cầu công việc, phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo, đồng thời dựa trên cơ sở tín nhiệm của tập thể và chất lượng công việc thực tế. Những cán bộ được luân chuyển điều động đa số đã xác định đúng tinh thần trách nhiệm, hăng hái phấn khởi nhận nhiệm vụ, nhanh chóng hòa nhập thích ứng với cơ quan mới… Qua đó đã tạo ra sự cân đối cán bộ giữa các cơ quan, tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ cho từng giai đoạn, cụ thể như kế hoạch đào tạo cán bộ giai đoạn 2005 – 2010 có tính đến 2015; kế hoạch đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ… Từ đó thường xuyên rà soát cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện cơ bản đã có trình độ học vấn cấp III, chuyên môn từ Trung cấp trở lên. Cụ thể đã cử 23 cán bộ đi học văn hóa; 9 cán bộ đi học Cao cấp lý luận chính trị; 11 cán bộ đi học Trung cấp lý luận chính trị; mở 79 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 184 cán bộ huyện và 4.441 cán bộ xã, thôn, bản; cơ bản 100% số cán bộ xã, thị trấn, thôn bản đã được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, hoạt động của đội ngũ sinh viên hợp đồng công tác tại xã, thị trấn được quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn huyện có 25 sinh viên hợp đồng công tác tại các xã, thị trấn. Nhìn chung số sinh viên hợp đồng đều vừa tốt nghiệp ra trường có trình độ Cao đẳng hoặc Đại học chuyên môn, trẻ, khỏe, hăng hái làm việc, nhanh chóng hoà nhập với địa phương nơi công tác, đây cũng là nguồn cán bộ chuyên môn bổ sung cho các xã, thị trấn. Hiện tại đã có 24/25 sinh viên được tuyển dụng làm cán bộ chuyên môn của huyện, của xã, làm lãnh đạo xã, thị trấn…


Nói về những kết quả và kinh nghiệm trong việc luân chuyển cán bộ trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Tiến Lợi, Bí thư Huyện uỷ cho rằng: Việc luân chuyển và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở đã tạo ra sự đồng bộ, cân đối về cơ cấu cán bộ giữa các ban, ngành của huyện với các xã, thị trấn và giữa các xã, thị trấn với nhau; năng lực quản lý, điều hành, lãnh chỉ đạo của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Ví dụ như trẻ hóa đội ngũ cán bộ nhưng trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo được nâng lên, điển hình như đồng chí Phan Văn Vuông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Linh Hồ lúc 35 tuổi đã có trình độ đại học chuyên môn; Lê Khắc Thanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vị Xuyên lúc 33 tuổi đã có trình độ đại học chuyên môn; Nông Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Trung Thành lúc 33 tuổi, đại học chuyên môn; Mai Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Việt Lâm, lúc 33 tuổi, đại học chuyên môn… Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, điển hình như đồng chí Giàng Xuân Vần, Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc, dân tộc Mông, lúc 31 tuổi đại học chuyên môn; Bàn Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, dân tộc Dao, lúc 25 tuổi đại học chuyên môn… Tạo nguồn cán bộ nữ như ở xã Việt Lâm, xã Đạo Đức. Việc luân chuyển cán bộ cũng đã tạo ra sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan đơn vị có cán bộ luân chuyển; hạn chế tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ trong bố trí cán bộ; tạo phong cách làm việc mới; tạo điều kiện thời gian cho cán bộ cơ sở đi học tập nâng cao trình độ… Cán bộ diện luân chuyển xuống có điều kiện gần gũi với nhân dân, đi sâu, đi sát cơ sở; cán bộ luân chuyển lên được tiếp xúc môi trường mới có điều kiện học tập; cán bộ luân chuyển ngang được công tác trong môi trường thuận lợi. Qua việc luân chuyển cán bộ đã làm xuất hiện nhiều nhân tố mới, từ đó giúp cho huyện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo để bổ sung vào đội ngũ cán bộ cơ sở.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các hoạt động kỷ niệm 54 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955-2009)
HGĐT- Sáng 26.2, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gặp mặt và tọa đàm với ngành Y tế tỉnh.
27/02/2009
Xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, làm cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia
HGĐT- Tỉnh Hà Giang có 272 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Khu vực biên giới có 33 xã và 1 thị trấn; là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 98,03%.
27/02/2009
Các đơn vị triển khai nhiệm vụ năm 2009
HGĐT- Sáng 26.2, Thanh tra tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009.
27/02/2009
50 năm truyền thống vẻ vang
HGĐT- 50 năm chặng đường đầy gian nan, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh qua tôi luyện trong chiến đấu giành độc lập dân tộc, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới Quốc gia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
27/02/2009