Mỹ 'trả giá đắt' vì lạm dụng vũ lực

08:25, 29/11/2011

Việc NATO “bắn nhầm”, làm 28 binh sĩ Pakistan thiệt mạng khiến Islamabad "tức điên", đe dọa "số mạng” quan hệ Mỹ - Pakistan.


 

Hành động trả đũa đầu tiên của Islamabad chính là tuyên bố đóng cửa tuyến đường cung cấp hậu cần có tính sống còn cho lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang chiến đấu ở Afghanistan ngay trong ngày diễn ra phi vụ “tấn công nhầm” của NATO 26/11.

Không dừng lại ở đó, Chính phủ Pakistan còn tuyên bố chắc nịch sẽ xem xét lại tất cả các quan hệ hợp tác quân sự, ngoại giao và tình báo với ISAF. Ngoài ra, giới chức Pakistan cũng khăng khăng đòi Mỹ phải rời khỏi căn cứ không quân Shamsi ở tỉnh Balochistan trong vòng 15 ngày. Trước đó, căn  cứ Shamsi là “nhà” của các máy bay không người lái của Mỹ làm nhiệm vụ tìm diệt mạng lưới khủng bố al Qaeda và Taliban tại khu vực bộ lạc Pakistan.

Trước đó, vụ “tấn công nhầm” - theo giải thích từ phía phát ngôn viên của NATO, giết chết 28 binh sĩ Pakistan và làm bị thương 13 người khác ở hai chốt an ninh cách nhau khoảng 300m trên một ngọn núi tại khu vực Mohmand thuộc các Khu vực bộ lạc do chính quyền liên bang Pakistan quản lý (FATA).

Điều trớ trêu là các cuộc không kích diễn ra chỉ một ngày sau cuộc gặp giữa Tướng Ashfaq Parvez Kayani của Pakistan và Tướng John Allen của Mỹ để thảo luận về các biện pháp hợp tác và liên lạc giữa quân đội Pakistan, các lực lượng của NATO và quân đội Afghanistan nhằm tăng cường kiểm soát biên giới ở cả hai bên.

Tuy nhiên, đây chỉ là cuộc khủng hoảng mới nhất xảy ra tại khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan. Thực tế là quan hệ Mỹ, Pakistan, Afghanistan từng gặp nhiều biến cố, thăng trầm trong suốt 10 thập kỷ qua.

Quan hệ giữa bộ ba Afghanistan - Mỹ - Pakistan luôn gặp trắc trắc trong suốt 10 thập kỷ qua. Ảnh minh họa: americansforpakistan.

Chính những xung đột lịch sử này cộng với sự khác biệt về mặt lợi ích và lòng oán hận cá nhân vẫn luôn âm ỉ cháy giữa các bên là lý do giải thích tại sao liên minh Mỹ - Pakistan – Afghanistan dù nỗ lực thế nào đi chăng nữa cũng không thể tiêu diệt được các phần tử Hồi giáo cực đoan hoạt động dọc theo khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.

Thực tế là Mỹ theo đuổi vài sáng kiến nhằm giảm bất đồng giữa Afghanistan – Pakistan và nhằm khuyến khích Chính phủ hai nước tập trung và tích cực hơn nữa vào mục tiêu chung là tiêu diệt mạng lưới khủng bố al Qaeda và Taliban hoạt động bên trong lãnh thỗ mỗi nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này không ngăn được căng thẳng nổ ra, kéo dài ở khu vực biên giới Afghanistan – Pakistan.

Thêm vào đó, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc còn đang ngày càng thất vọng khi chứng kiến các căn cứ ẩn náu của phiến quân cứ liên tục “mọc lên như nấm” trên lãnh thổ Pakistan còn Chính phủ nước này thì bất lực trong việc kiểm soát chúng, thậm chí còn tỏ ra thờ ơ với việc tiêu diệt các khu ẩn náu này bất chấp sự hối thúc từ Washington.

Do đó, chính quyền Obama phải cho phép một chiến dịch không quân chủ động tấn công vào các nhóm phiến quân đóng trên lãnh thổ Pakistan. Dù kiên quyết không huy động lục quân vượt biên giới tiến vào lãnh thổ Pakistan, Lầu Năm góc lại tăng cường sử dụng cả chiến đấu cơ thông thường để tấn công dọc biên giới lẫn chiến đấu cơ không người lái tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ nước này.
 
Do đó, sự cố tương tự như hôm 26/11 vừa qua không phải là hi hữu.

Trước đó, năm 2010, một sự cố tương tự xảy ra khi chiến đấu cơ Mỹ thuộc lực lượng ISAF tấn công chốt an ninh ở biên giới Pakistan làm hai binh sĩ thuộc đơn vị an ninh Frontier Corps thiệt mạng.

Trong chuyến thăm hồi tháng 4 năm nay tới Washington, Trung tướng Ahmed Shuja Pasha, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa của Pakistan yêu cầu CIA rút các điệp viên đang hoạt động tại Pakistan của họ về nước và cắt giảm các phi vụ tấn công bằng máy bay không người lái lên lãnh thổ Pakistan.

Tuy nhiên, yêu cầu của ông Ahmed Shuja Pasha không được Washington đáp ứng. Thậm chí, Tướng Mullen của Mỹ còn tuyên bố thẳng thừng rằng hoạt động của những cỗ máy giết người trên không trên lãnh thổ Pakistan sẽ vẫn được tiếp tục và miêu tả biên giới Pakistan – Afghanistan là “cái rốn của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới”.

Nay sự kiện hôm 26/11 dù là sự cố tấn công nhầm đầu tiên trong năm 2011 song nó góp phần đánh dấu thêm vào năm quan hệ tồi tệ giữa Mỹ và Pakistan, khởi nguồn từ vụ lực lượng an ninh Islamabad bắt giữ điệp viên CIA Raymond Davis.

Thông qua vụ việc này, sự thiếu lòng tin lẫn nhau giữa hai cơ quan tình báo của hai đồng minh chống khủng bố khăng khít Mỹ - Pakistan bị phơi bày dù ngoài mặt họ luôn tỏ ra hợp tác trong các nhiệm vụ chung.

Không lâu sau đó, căng thẳng Mỹ - Pakistan lại được nối dài bởi vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan nhưng không thèm đánh tiếng thông báo cho Islamabad trước.

Động thái của Washington khiến giới chức Islamabad “tím ruột” dẫn đến việc Lưỡng viện Pakistan nhất trí tán thành ban hành Nghị quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và chủ quyền quốc gia, chống lại các hành động quân sự của Mỹ.

Thực tế là, bất chấp sự khác biệt về lợi ích lẫn những mẫu thuẫn, căng thẳng lịch sử hay gần đây đây, nhân tố địa lý và một vài nhân tố khác là yếu tố ràng buộc quan hệ hợp tác Afghanistan, Pakistan và Mỹ. Hơn nữa, trong bối cảnh lực lượng quân sự phương Tây chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, những mối đe dọa chết người từ sự trỗi dậy của Taliban, quan hệ hợp tác ba bên vẫn nhất thiết phải được duy trì.

Trong cuộc gặp với Marc Grossman, Đặc phái viên của Mỹ tại Pakistan và Afghanistan thay cho Richard Holbrooke, Tổng thống Asif Ali Zardari nhấn mạnh họ cần “các cam kết rõ ràng” trong cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo để tránh gây tổn hại cho quan hệ an ninh song phương. Đồng thời, Chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari giải thích thêm rằng: “Việc thiếu đi các điều khoản thỏa thuận rõ ràng dẫn đến các mối bất đồng giữa các bên có thể sẽ phá hoại quan hệ song phương”. Ngoài ra, Tổng thống Pakistan còn đề nghị “thỏa thuận giữa các bên cần xác định phải giải quyết tất cả các tranh chấp một cách thiện chí, hòa bình”.

Không may là sẽ không có chuyện quan hệ giữa Afghanistan-Pakistan-Mỹ dễ dàng được điều hòa bất chấp những khác biệt về mặt lợi ích. Thậm chí những căng thẳng biên giới có thể tái xảy ra và trở nên tồi tệ hơn khi quân đội NATO rút khỏi Afghanistan.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ và giới chức Afghanistan, ISAF chắn chắn sẽ tăng cường áp lực lên giới chức Pakistan để buộc Islamabad ngăn chặn Taliban lợi dụng khoảng trống quyền lực mà tấn công dọc biên giới, khiến các cuộc tấn công nhầm càng có nhiều khả năng xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ các bên.

Trong khi đó, lãnh đạo Pakistan cũng muốn thiết lập hàng rào bảo vệ nhằm chống lại các cuộc tấn công của Taliban để chiếm lại những khu vực mà Islamabad vừa giành được sự kiểm soát từ họ bằng cách duy trì hợp tác với Afghanistan và Mỹ.

Tuy nhiên, để hợp tác ăn ý và hiệu quả trong hoạt động chống khủng bố, việc xây dựng lòng tin giữa ba bên Mỹ - Pakistan - Afghanistan sẽ là yếu tố thiết yếu. Song thực tế là điều này sẽ đòi hỏi thiện chí và nỗ lực trong nhiều năm, thậm chí, nhiều thế hệ giữa các bên còn trong thời điểm hiện tại, mọi người đành chấp nhận thực tế rằng sự nghi kỵ và cảnh giác lẫn nhau vẫn tồn tại bất chấp sự hợp tác chung giữa bộ ba Mỹ - Pakistan - Afghanistan.


datviet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng Nga Putin chấp nhận tranh cử Tổng thống
Ngày 27/11, Thủ tướng Vladimir Putin đã chính thức chấp nhận sự đề cử của đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền ra tranh chức tổng thống mới của Liên bang Nga tại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 4/3/2012.
28/11/2011
Liên đoàn Arập áp đặt trừng phạt kinh tế với Syria
Thủ tướng Qatar Hamad ben Jassem al-Thani cho biết Liên đoàn Arập (AL) ngày 27/11 đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria với lý do chính phủ nước này vẫn chưa chấm dứt việc trấn áp người biểu tình.
28/11/2011
Syria: Căn cứ quân sự bị tấn công, 10 người chết
Ngày 25/11, quân đội Syria cho biết ít nhất 10 quân nhân, trong đó có 6 phi công, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công "khủng bố" nhằm vào một căn cứ không quân nằm tại khu vực giữa Homs và Palmyra.
26/11/2011
NATO, Mỹ, Nga vẫn giằng co về lá chắn tên lửa
NATO và Mỹ nói họ sẽ tiếp tục các vòng tham vấn với Moscow để chứng mình rằng dự án lá chắn tên lửa châu Âu không gây ra mối đe doạ nào tới các khả năng hạt nhân chiến lược của Nga.
25/11/2011