Tín hiệu hòa bình trở lại I-rắc

07:47, 20/03/2009

Cách đây đúng 6 năm, vào lúc hơn 8 giờ sáng 20-3-2003, hải quân Mỹ bắt đầu bắn những quả tên lửa đầu tiên từ vịnh Péc-xích vào Thủ đô Bát-đa, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai do Mỹ phát động.


Chỉ sau vài tuần, quân đội Mỹ đã chiếm được thủ đô Bát-đa, chế độ Xát-đam Hút-xen đã bị sụp đổ nhanh chóng. Thế nhưng, cái giá mà nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến trong 6 năm hậu chiến mới đáng kể.

 

Vượt qua sự chống cự yếu ớt và rệu rã của quân đội I-rắc, quân đội Mỹ nhanh chóng tiến vào Bát-đa trong sự chào đón của những người dân không ủng hộ chế độ X. Hút-xen. Tượng đài X. Hút-xen tại trung tâm thủ đô Bát-đa bị kéo đổ. Nước Mỹ tuyên bố kết thúc chiến tranh. Mỹ và Liên quân đặt I-rắc nằm dưới chế độ quân quản do chính quyền chiếm đóng điều hành. Ngày 28-6-2004, Mỹ bắt đầu chuyển giao quyền lực cho người I-rắc. Ngày 30-1-2005, sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ nhất, Quốc hội lâm thời đầu tiên đã được bầu ra.Ngày 22-4-2006, Quốc hội đã nhất trí bầu ông Ta-la-ba-ni làm Tổng thống, ông Ma-li-ki làm Thủ tướng. Thế nhưng, I-rắc vẫn không bình yên trong thời hậu chiến. Lực lượng Mỹ và nước ngoài ở I-rắc cùng chính quyền I-rắc hằng ngày vẫn phải đối mặt với nạn bạo lực, cướp bóc, tình hình bất ổn, đánh bom. Trong khi đó việc khôi phục cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân lại trở nên xa vời…

 

Trong khi tại nước Mỹ người ta đang còn tranh cãi về nguyên nhân thực sự cuộc chiến, về các bằng chứng tình báo “giả” đã được sử dụng ra sao thì ở I-rắc, trẻ em không được đến trường, phụ nữ không có công ăn việc làm, hàng trăm nghìn gia đình tan nát, hàng loạt phụ nữ rơi vào cảnh góa bụa, sống chui rúc trong những căn lều tồi tàn. Các phe phái tranh giành quyền lực khiến các vụ tấn công bằng đủ các hình thức đẫm máu nhất vẫn liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội. Tình trạng I-rắc tồi tệ đến mức nhiều người dân lại mơ trở lại chế độ cũ khi so sánh cuộc sống hiện tại với điều kiện sống dưới thời Hút-xen. Một số người dân do quá chán nản với chiến tranh và bạo lực đã thốt lên: “Chúng tôi cứ tưởng cuộc sống mới của người I-rắc sẽ được cải thiện hơn, nhưng thực tế mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ”. Một người khác than: “Không có an ninh, chỉ toàn là những vụ nổ bom, rồi cảnh giết chóc, đụng độ giữa người Xăn-ni và người Si-ai. Nhà của tôi đã bị bom phá hủy và con trai tôi đã chết”.

 

Gần đây, tình hình đã có những dấu hiệu được cải thiện, an ninh tuy vẫn còn là vấn đề lo ngại hàng đầu, nhưng sự căng thẳng dường như đã dịu bớt phần nào so với 5 năm đầu sau cuộc chiến. Cuộc sống của người dân từ nửa cuối năm 2008 cũng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nhiều cửa hàng đã mở cửa lại. Các dịch vụ thiết yếu của một đất nước đang dần được khôi phục. Các số liệu thống kê cho thấy, số vụ tấn công đã giảm tới 80% kể từ tháng 3-2008, nhưng I-rắc vẫn là một đất nước hoang tàn, nơi mà hàng triệu người vẫn chưa được an toàn và thiếu thốn.

 

Đưa ra và thực hiện các chính sách đoàn kết dân tộc nhằm vượt qua thời kỳ khủng hoảng tồi tệ do chiến tranh và mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo gây ra, chính phủ I-rắc đang đi đúng hướng. Uy tín của Chính phủ I-rắc đang được cải thiện đáng kể. Thủ tướng Ma-li-ki đã phần nào chiếm được cảm tình của những cộng đồng Xăn-ni và người Cuốc. Nhiều người trong số họ đánh giá ông rất cao sau khi ông tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận lực lượng dân quân người Si-ai. Chính phủ I-rắc mới đây đã ra lời kêu gọi những quan chức xuất sắc của chế độ cũ tham gia chính phủ mới. Ông Ma-li-ki đang ngày càng tự tin hơn trong điều hành đất nước. Người dân I-rắc đang hy vọng cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm nay sẽ tạo điều kiện cho họ có cơ hội lựa chọn những nhà lãnh đạo mà họ tin là sẽ đại diện cho quyền lợi của họ. Năm 2009 này được hy vọng là bước ngoặt trong lịch sử đất nước.

 

Những tín hiệu hòa bình đang dần trở lại và người dân xứ này vẫn ngày đêm mong muốn quân đội Mỹ và nước ngoài rút khỏi I-rắc, để I-rắc cho người I-rắc tự quản.  

I-rắc: Sáu năm và những con số

Số lính Mỹ tại I-rắc: Tháng 3-2003: 90.000 quân. Tính tới ngày 13-3-2009 là 138.000 quân.

Liên quân: Từ năm 2003, có tổng số 31 nước tham gia Liên quân trong cuộc chiến I-rắc. Hiện tại còn lại bốn nước là Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Ru-ma-ni.

Thương vong:

Mỹ: Tính tới 17-3-2009 có 4.259 lính Mỹ thiệt mạng; 31.102 lính đã bị thương.

Liên quân: 307 lính liên quân đã thiệt mạng tính tới ngày 17-3-2009.

I-rắc: Từ năm 2003 tới nay, đã có 91.121 thường dân thiệt mạng.

Chi phí chiến tranh: Tính tới nay, Mỹ đã chi hơn 657 tỉ USD cho cuộc chiến.

Số tiền chi phí lớn nhất trong một tháng: Tháng 7-2008, tốn khoảng 10 tỉ USD.

Chỉ số thất nghiệp ở I-rắc: Tháng 1-2004 có 30% - 45% người thất nghiệp; đến tháng 2-2009 tỷ lệ này là 23% - 38%.

Sản lượng dầu ở I-rắc: Trước chiến tranh 2,58 triệu thùng/ngày; đến 2-2009: 2,32 triệu thùng/ngày.

Các nhà thầu tư nhân: Tính tới tháng ngày 31-12-2008 có tổng số 190.000 nhà thầu tư nhân của Mỹ đến I-rắc thực hiện các dự án dân sự và quân sự và có 1.306 nhà thầu tư nhân Mỹ thiệt mạng.

Người tỵ nạn và dân di cư:

Tính tới tháng 11-2008 đã có 2,8 triệu người mất nhà cửa

Trước chiến tranh có 500.000 người I-rắc sống ở nước ngoài. Đến tháng 1-2009, có khoảng 2 triệu người I-rắc tỵ nạn, chủ yếu tại Xy-ri và Gioóc-đa-ni.


qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ lao xuống Hà Lan
Ngày 25/2, một máy bay chở khách của hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã đâm đầu xuống đất khi cố hạ cánh xuống sân bay Schiphol, thuộc thành phố Amsterdam (Hà Lan) và bị vỡ làm 3 mảnh.
27/02/2009
Obama dọa cắt tiền hỗ trợ AIG
Nhà Trắng cho biết đang xem xét việc giảm khoản hỗ trợ sắp tới trị giá 30 tỷ USD dành cho AIG, sau khi tập đoàn bảo hiểm khổng lồ này thông báo thưởng hàng trăm triệu USD cho ban lãnh đạo.
18/03/2009
Tình trạng tra tấn man rợ trong các nhà tù của CIA
Tờ “Bưu điện Oa-sinh-tơn”, ngày 16-3 tiết lộ một báo cáo mật của Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) trong đó kết luận rằng, cách đối xử của chính quyền cựu Tổng thống Bu-sơ với các tù nhân al-Qaeda đã “hợp thức hành động tra tấn”.
17/03/2009
Quân đội đặt trong tình trạng báo động
Ngày 15-3, các quan chức trong đảng của cựu Thủ tướng Pa-ki-xtan Na-oa Sa-ríp cho biết, nhà lãnh đạo lực lượng đối lập này đã bị quản thúc tại gia trong ba ngày ở thành phố La-ho.
16/03/2009