Cựu thủ tướng Israel: Vợ tôi sửng sốt khi quay lại Việt Nam sau 27 năm

07:32, 18/08/2022

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng trên mọi khía cạnh, đồng thời hội tụ 2 yếu tố thiết yếu để thực hiện “bước nhảy vọt về phía trước”.

Lúc ông Ehud Barak chào đời vào năm 1942, đất nước Israel như được biết đến ngày nay còn chưa xuất hiện. 80 năm sau, khi mái tóc ông Barak đốm bạc, cái tên Israel đã thoát nghèo và gia nhập nhóm nước phát triển.

Ông Barak hiểu rất rõ cuộc lột xác của Israel. Ông đã đóng góp vào quá trình ấy ở nhiều vai trò khác nhau, cả khi là tướng lĩnh quân đội cho tới lúc là thủ tướng thứ 10 của Israel năm 1999-2000.

Theo vị cựu thủ tướng, việc Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp với khả năng đổi mới sáng tạo bậc nhất thế giới không đến một cách tình cờ.

“Chính phủ đã quyết định đầu tư với khởi điểm từ giáo dục”, ông Barak chiều 16/8 chia sẻ với phóng viên nhân chuyến thăm Hà Nội. “Quốc gia khởi nghiệp không xuất hiện từ nước mưa, nguyên liệu thô hay từ dầu khí, mà nó đến từ khối óc con người”.

Ông Barak lý giải rằng có 3 yếu tố trong nền văn hóa Israel dễ dàng tạo nên sự khác biệt, và đó là điều kiện rất quan trọng để tạo ra quốc gia khởi nghiệp.

Israel đã có thể thoát nghèo và trở thành nước phát triển.
Israel đã có thể thoát nghèo và trở thành nước phát triển.

Đề cao nuôi dưỡng nhân tài

Việc chọn lọc nhân tài được đề cao tại Israel. Ông Barak chia sẻ rằng cách đây 45 năm, Israel đã bắt đầu chọn lọc những cá nhân giỏi nhất ở lớp 11-12 để đào tạo từ sớm.

“Ban đầu chỉ có 1.500 trường trung học phổ thông trên cả nước. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu mỗi trường tiến cử 3-6 học sinh xuất sắc. Chúng tôi đã sàng lọc khoảng 10.000 người này và chọn ra 500 người tốt nhất”, ông nói. Khi hoàn thành bậc trung học, họ được gửi vào đơn vị công nghệ trong quân đội.

Trong số 500 người trên, Israel cũng chọn ra 40 người giỏi nhất. “Họ thực sự là những thiên tài. Chúng tôi sẽ không gửi họ đến các đơn vị (quân đội) mà đưa họ đến các cơ sở giáo dục hàn lâm trong 3 năm, ngay sau khi họ tốt nghiệp trung học”, ông nói.

Bên cạnh cử chuyên gia cao cấp giảng dạy cho những người này, chính phủ Israel còn hỗ trợ chỗ ở, tiền trợ cấp... để họ tập trung nghiên cứu. Sau 3 năm, những người này sẽ được gửi vào các trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất của cơ sở quốc phòng. Vì vậy, theo ông, sau 9 năm, họ đã được tiếp xúc sâu với nền khoa học hiện đại nhất Israel.

Ông Barak cho biết Israel đã cố gắng tạo ra nền giáo dục xoay quanh các bộ môn khoa học như toán học, hóa học, vật lý và sinh học, cũng như đi kèm tiếng Anh. Các bộ môn ấy là điều kiện tiên quyết, theo vị cựu thủ tướng.

Việc hỗ trợ tài chính cho những công ty khởi nghiệp cũng được chú trọng. Ông Barak nói Israel có cơ quan thuộc chính phủ phụ trách giúp đỡ những công ty khởi nghiệp trẻ. Cơ quan này sẽ hỗ trợ tài chính cho những dự án có khả năng thành công, dựa trên nền khoa học chất lượng và ý tưởng tốt.

Ngoài ra, Israel khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu - phát triển.

Ông Ehud Barak giữ vị trí tổng tham mưu trưởng quân đội Israel trong các năm 1991-1995.
Ông Ehud Barak giữ vị trí tổng tham mưu trưởng quân đội Israel trong các năm 1991-1995.

“Chúng tôi khuyến khích các công ty, cả khu vực tư và công, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Israel. Đầu tư trung bình cho nghiên cứu và phát triển tại Israel cao gấp đôi so với OECD, các nước phát triển khác. Và hiện tại, chúng tôi đang được đền đáp”, ông nói.

Không coi thất bại là một vết nhơ

Văn hóa ở Israel khuyến khích suy nghĩ khác biệt và sự tranh luận, đồng thời không coi thất bại là một vết nhơ.

“Chúng tôi có một nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo, sự đổi mới. Việc một số ý tưởng của bạn không thành công chứng tỏ bạn là người can đảm, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm qua những thất bại liên tiếp. Những người chưa bao giờ thử điều gì mới sẽ không bao giờ thất bại”, ông nhận định.

Kể cả khi thất bại, họ vẫn có hiểu biết về công nghệ, thủ thuật và một số thông tin chi tiết phục vụ trong suốt quá trình.

Yếu tố thứ ba mà ông Barak nhấn mạnh là việc Israel giáo dục người trẻ không quá coi trọng hệ thống thứ bậc. Trong quá trình lập kế hoạch, cấp dưới được khuyến khích tham gia cùng và đặt câu hỏi cho cấp trên.

“Khi còn là sĩ quan, tôi không bao giờ ngần ngại nói với cấp trên rằng chúng tôi có thể làm điều đó tốt hơn theo cách khác”, cựu thủ tướng Israel chia sẻ.

Ehud Barak (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình vào năm 1966.
Ehud Barak (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình vào năm 1966.

Khi đã trở thành tổng tham mưu trưởng, ông Barak nói luôn cho phép các sĩ quan trẻ đặt câu hỏi đối với công việc của mình, không bao giờ cho rằng việc hỏi là điều đáng xấu hổ.

“Vì vậy, tôi thấy rằng ba yếu tố này trong nền văn hóa dễ dàng tạo nên sự khác biệt và tôi thấy rằng đó là điều kiện rất quan trọng để tạo ra quốc gia khởi nghiệp”, ông kết luận.

Việt Nam đang đi đúng hướng

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới Việt Nam, vị cựu thủ tướng chia sẻ, và những gì ông chứng kiến đã để lại ấn tượng sâu sắc. Ông kể mình có giây phút xúc động khi tới thăm nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm 15/8.

“Tướng Giáp là người hùng của tôi kể từ khi tôi còn là một sĩ quan đặc nhiệm trẻ tuổi”, vị cựu thủ tướng chia sẻ. “Ông ấy chưa từng trải qua trường lớp quân sự và đã học mọi thứ bằng sự khéo léo cùng óc phán đoán. Ông ấy hiểu Napoleon rõ hơn chính người Pháp và đã đánh bại đối phương ở Điện Biên Phủ”.

Ông Barak cũng chỉ ra rằng giữa Việt Nam và Israel có điểm tương đồng vì cả hai đều trải qua nhiều cuộc chiến.

Cựu Thủ tướng Ehud Barak trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 16/8 tại Hà Nội.
Cựu Thủ tướng Ehud Barak trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 16/8 tại Hà Nội.

Nhưng cũng vì thế, vị cựu thủ tướng có cái nhìn rất đỗi lạc quan đối với Việt Nam. “Đối với một quốc gia có thể vượt qua lịch sử chiến tranh ấy và thống nhất đất nước, bầu trời sẽ là giới hạn cho những gì quốc gia ấy có thể đạt được”, ông nói.

Nói về tương lai, ông Barak nhận định ở Việt Nam hội tụ 2 yếu tố thiết yếu để thực hiện “bước nhảy vọt về phía trước”, đó là sự rõ ràng trong mục tiêu của lãnh đạo và luồng năng lượng có thể cảm nhận được ở bất cứ nơi đâu, nhất là trong mắt những sinh viên Việt Nam ông đã gặp.

“Tôi đến đây trong khoảng thời rất ngắn nhưng tôi thấy các bạn đang đi đúng hướng trên mọi khía cạnh mà tôi có thể nghĩ ra”, ông Barak nói, nhấn mạnh Việt Nam cần chú ý nâng cao giáo dục, thu hút công nghệ và FDI.

“27 năm trước, vợ tôi từng xách balô du lịch qua đây. Lúc này, bà ấy rất sửng sốt vì bước tiến lớn mà Việt Nam đạt được. Trong 23 năm tới, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước hiện đại, tôi nghĩ các bạn chắc chắn có thể thực hiện được gấp đôi những gì đã làm trong 27 năm qua”, ông Barak nói.

Theo zing.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tài sản tới ngàn năm
BHG - Một trong các sự kiện lớn diễn ra vào tháng 7.2022 là: Hai nước Việt Nam và Lào cùng nhau kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Tại lễ mít tinh kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Ý nghĩa của những lời như chân lý ấy đúng với quá khứ, hôm nay và chỉ đường cho mai sau.
29/07/2022
Tình hữu nghị được dự báo bởi một nhà văn hoá
BHG - Lịch sử quan hệ quốc tế dường như chưa từng có 2 dân tộc cách xa nhau nửa vòng trái đất mà lại tạo dựng được mối liên hệ, tình hữu nghị thuỷ chung, trong sáng, hết lòng giúp đỡ nhau như Việt Nam – Cuba. Các bạn Cuba có lý khi cho rằng, mối tình hữu nghị keo sơn ngày nay giữa 2 quốc gia đã được nhà yêu nước – nhà tư tưởng kiệt xuất – nhà văn hoá lớn Hôsê Mácti (José Martí, 1835 – 1895)dự báo từ thế kỷ 19. Nung nấu lý tưởng giải phóng đất nước Cuba khỏi chế độ thực dân Tây Ban Nha, ông đã bôn ba đến hầu hết các nước châu Mỹ, tới nhiều thủ đô ở châu Âu để quan sát, nghiên cứu, tìm đường cứu nước. Về Hoa Kỳ, ông có nhận xét: “Tôi đã sống trong bụng con quỷ, nên biết hết gan ruột của nó”!
17/08/2022
Vaccine COVID-19 mới, có thể chống nhiều biến thể được cấp phép sử dụng tại Anh
Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một loại vaccine COVID-19 nhắm tới cả biến thể gốc và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
16/08/2022
Chile sau cánh cửa văn hóa
BHG - Châu Mỹ có 4 quốc gia là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Chile, Peru, Mexico và Canada. Trong số đó, Cộng hòa Chile có nền văn hóa phát triển, tạo thêm sức hấp dẫn lớn cho “đất nước hình quả ớt” ở Nam bán cầu.
15/08/2022