Quyền lựa chọn công chứng hay chứng thực để đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch

09:23, 17/05/2017

BHG - Thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở (gọi tắt là hợp đồng, giao dịch) như Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (gọi tắt là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải áp lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo độ an toàn pháp lý các hợp đồng, giao dịch... Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua đã phát sinh những thắc mắc của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch như: thế nào là công chứng? Thế nào là chứng thực? Những loại hợp đồng, giao dịch nào thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, những loại hợp đồng, giao dịch nào thì thực hiện tại UBND cấp xã; yêu cầu công chứng hoặc yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch thì cái nào đảm bảo độ an toàn pháp lý hơn hay đối với các hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất có giá trị lớn, tài sản hình thành trong tương lai thì chọn công chứng ở các tổ chức hành nghề công chứng hay chứng thực tại UBND cấp xã...

Trước hết, phải khẳng định công chứng và chứng thực là hai việc có những điểm giống nhau và khác nhau. Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì chứng thực là việc là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của 2 các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Như vậy, nếu xảy ra thiệt hại, tranh chấp hợp đồng hay hợp đồng, giao dịch vô hiệu liên quan đến nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch thì các bên liên quan tự chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra.

Tóm lại, khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng thì các bên tham gia hợp đồng, giao dịch yên tâm vì độ an toàn pháp lý... Đồng thời, nếu xảy ra thiệt hại do lỗi của Công chứng viên, thì các bên tham gia hợp đồng giao dịch sẽ được bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ việc công chứng, chứng thực cụ thể như: Luật Đất đai năm 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 của Luật này; Luật nhà ở năm 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực; tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 122 thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Như vậy, theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở nêu trên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Để góp phân nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, các địa phương cần tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, để thực hiện quyền của mình khi tham gia vào các hợp đồng, giao dịch, nhất là tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

Trần Hải Dương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết thực hiện Đề án 1-1133

BHG - Sáng 3.6, tại Thanh tra tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 1-1133: "Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2013-2016" tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án. 

25/06/2015
Hội nghị triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017

BHG - Ngày 20.2, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai công tác PBGDPL năm 2017. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành thành viên. 

20/02/2017
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Bắc Quang

BHG - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Bắc Quang luôn được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phu; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý nghĩa chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. 

16/03/2017
Luật HTX năm 2012 quy định rõ hơn về chức năng quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX

BHG – Trong khi Luật HTX năm 2003 quy định quản lý Nhà nước mới dừng đối với HTX, Luật HTX 2012 quy định thêm về quản lý Nhà nước với HTX và Liên hiệp HTX.

15/07/2016