Hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi

08:21, 29/11/2021

BHG - Với điều kiện đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục, tập quán và kinh nghiệm sản xuất; phát triển chăn nuôi đang là động lực lớn nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh giảm nghèo nhanh, bền vững, dần hướng tới sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu. Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi của tỉnh qua Agribank Hà Giang đã khẳng định hiệu quả rõ rệt trong những năm qua.

“Đầu cơ nghiệp” của gia đình anh Mua Mí Phứ, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng (Yên Minh).
“Đầu cơ nghiệp” của gia đình anh Mua Mí Phứ, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng (Yên Minh).

Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209 về “chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh” (Nghị quyết 209). Đây là nghị quyết chưa từng có tiền lệ trước đây, với chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các hộ mua giống trâu, bò quy mô từ 3 con trở lên, mức vay tối đa 20 triệu đồng/con, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Ngoài ra, nghị quyết còn có các hỗ trợ khác gắn liền với hoạt động chăn nuôi của bà con như hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay làm chuồng trại, đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ gia súc. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết 209 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống với hàng nghìn lượt người đăng ký vay vốn, tổng nhu cầu vay lên tới hàng trăm tỷ đồng. Linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và nhu cầu của người dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 86 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 209 và sau này là Nghị quyết 29 thay thế Nghị quyết 209 và 86. Các nghị quyết đã giúp hàng chục nghìn lượt hộ tiếp cận vốn vay, đầu tư phát triển chăn nuôi hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH và đóng góp đáng kể vào kết quả giảm nghèo của các địa phương.

Xã Đường Thượng (Yên Minh) là địa phương đặc biệt khó khăn, 100% dân cư là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của xã chiếm khoảng 80% nhưng đến nay đã giảm xuống còn 49%, bình quân giảm trên 6%/năm. Kết quả trên có sự đóng góp lớn từ các chương trình, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi bò, lợn địa phương đang triển khai trên địa bàn xã. Từ chăn nuôi, hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trong những năm qua. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã vẫn xác định chăn nuôi là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác giảm nghèo và phát triển KT-XH. Hiện, tổng đàn gia súc của Đường Thượng có gần 5.100 con; trong đó đàn bò gần 1.800 con, đạt 107,28% mục tiêu năm 2021 đặt ra; đàn lợn 1.900 con.

Anh Mua Mí Phứ, thôn Sảng Pả 2, xã Đường Thượng cho biết: “Được sự tuyên truyền của xã, với kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình, năm 2016, tôi quyết định vay 60 triệu đồng mua 3 con bò để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Thực hiện đúng định hướng chăn nuôi hàng hóa, gia đình tôi tập trung nuôi bò vỗ béo 6 tháng xuất bán 1 lần. Trong 3 năm vay vốn, gia đình tôi đã bán được 6 đợt, mỗi đợt 3 con, thu lãi trên 40 triệu đồng. Năm 2019 tôi đã trả xong nguồn vốn vay của ngân hàng. Hiện đàn bò vẫn được duy trì ổn định và phát triển lên 5 con. Gia đình đã vơi bớt khó khăn, cuộc sống dần khấm khá hơn”.

Agribank Hà Giang thống kê, tính đến 30.10.2021, tổng số vốn vay của các tổ chức, cá nhân theo cơ chế chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 209, 86, 29 và Kế hoạch 50 của UBND tỉnh đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên 825 tỷ đồng. Trong đó vay phát triển chăn nuôi trâu, bò trên 678,6 tỷ đồng, nuôi lợn gần 119 tỷ đồng, nuôi dê gần 2,9 tỷ đồng, nuôi gia cầm gần 25,2 tỷ đồng. Dư nợ còn lại của Nghị quyết 209 là 39 tỷ, với 448 khách hàng; Nghị quyết 29 là 23,2 tỷ với 83 khách hàng. Nợ quá hạn 2,5 tỷ đồng, 33 khách hàng, chiếm 0,003% tổng doanh số ngân hàng đã cho vay. Những số liệu trên càng khẳng định hiệu quả đầu tư phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn Agribank những năm qua.

Bài, ảnh: Trung Nhân


Cùng chuyên mục

Kiểm tra tiến độ xây dựng Nông thôn mới tại huyện Quang Bình

BHG - Vừa qua, lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng NTM tại xã Tân Nam và Yên Thành (Quang Bình). 

29/11/2021
Cải tạo vườn tạp "cải tạo tư duy"
BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn cải tạo vườn tạp, trước hết phải cải tạo tư duy”.
27/11/2021
Giá xăng RON95-III giảm còn 23.900 đồng mỗi lít

Kể từ 15 giờ ngày 25/11, xăng E5 RON92 giảm 752 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 1.094 đồng/lít; dầu diesel giảm 334 đồng/lít; dầu hỏa giảm 440 đồng/lít và dầu mazút giảm 344 đồng/kg. Sau 5 lần tăng giá liên tiếp trước đó, kể từ 15 giờ ngày hôm nay (25/11), giá xăng trong nước đã quay đầu giảm mạnh

 

25/11/2021
Nuôi cá Tầm, hướng phát triển kinh tế mới ở Tùng Vài

BHG - Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu và nguồn nước lạnh dồi dào để nuôi cá Tầm. Xã vùng cao Tùng Vài (Quản Bạ) đã thử nghiệm mô hình nuôi cá Tầm, bước đầu có hiệu quả và được kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc Bố Y nơi đây.

25/11/2021