Hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ hàng hóa

14:09, 24/11/2021

BHG - Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, trước bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, đẩy mạnh kết nối cung – cầu sẽ là giải pháp hiệu quả để khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh hướng dẫn thành viên cập nhật sản phẩm lên Cổng thông tin kết nối cung - cầu.
Cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh hướng dẫn thành viên cập nhật sản phẩm lên Cổng thông tin kết nối cung - cầu.

Hiện nay, phần lớn các HTX, THT đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Bên cạnh đó, trước yêu cầu chuyển đổi nhận thức về vai trò của kinh tế số, ứng dụng thương mại điện tử còn nhiều hạn chế nên các HTX, THT chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển. Trước thực tế đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể tiếp cận chuyển đổi số và tập huấn, nâng cao nhận thức. Nổi bật là việc đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, THT tham gia vào Cổng thông tin kết nối cung – cầu do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng. 

Tập huấn quy trình cập nhật thông tin, quảng bá sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố Hà Giang.
Tập huấn quy trình cập nhật thông tin, quảng bá sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Đồng chí Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng là hướng đi mới, hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên cơ sở đó, Liên minh HTX đã thành lập Tổ công tác triển khai chương trình, tổ chức tập huấn thay đổi nhận thức, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các HTX, THT đưa sản phẩm lên Cổng thông tin để giới thiệu, tìm đầu ra. Đặc biệt, trú trọng vào quảng bá các sản phẩm đặc hữu, có thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương; đồng thời, hỗ trợ HTX, THT đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa, qua đó, điều chỉnh, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu được Liên minh HTX Việt Nam xây dựng tại địa chỉ: lmhtxvnmart.com.vn với mục tiêu thúc đẩy việc tiêu thu hàng hóa theo chuỗi cung ứng. Hoạt động chưa lâu, nhưng trang thông tin này đã thu hút hàng nghìn HTX, THT trên cả nước tham gia trao đổi hàng hóa, quảng bá nông sản. Tại tỉnh ta, để giúp người quản trị các HTX, THT tiếp cận và tham gia kinh tế số, nhất là việc đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử, Liên minh HTX đã tổ chức tập huấn tại các huyện, thành phố. Qua đó, giúp các HTX, THT nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và tận dụng lợi thế của ứng dụng thương mại điện tử trong tìm kiếm thị trường, nhất là đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Hà Giang. 

Có mặt tại buổi tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức vừa qua, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết Thượng Sơn (Vị Xuyên) Vương Văn Khương bày tỏ sự phấn khởi khi được tiếp cận thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu ích. Anh Khương cho biết: HTX thành lập năm 2018, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chè khô, sản lượng bán ra thị trường mỗi năm đạt khoảng 8 tấn. Trước đây, các sản phẩm do HTX tự liên hệ tìm đầu ra, chủ yếu tiêu thụ tại chợ truyền thống, các cửa hàng trên địa bàn. Giờ đây, được tiếp cận với Cổng thông tin kết nối cung – cầu, tôi đã nắm thành thục các quy trình cập nhật thông tin sản phẩm, đăng nhập tin mua, bán và đăng ký logistics. Hy vọng rằng, sản phẩm của HTX sẽ sớm tìm được thị trường tiêu thụ trên cả nước và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. 

Từ hoạt động kết nối thông qua Cổng thông tin kết nối cung – cầu, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh được quảng bá như: Chè Shan tuyết, Hồng không hạt, mật ong, Thảo quả… có thêm thị trường tiêu thụ. Với mục tiêu đưa nông sản vùng cao đến tay người tiêu dùng, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại Po Mỷ (Đồng Văn) đã và đang tận dụng tối đa lợi thế từ các trang thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gồm: Mật ong Bạc hà, quả lê và phở Sâm khoai. Trước cuộc cách mạng công nghệ số, HTX xác định phải có sự thay đổi trong phương thức quảng cáo, bán hàng truyền thống để nâng cao giá trị sản phẩm và hội nhập kinh tế. Đáng mừng, thông qua Cổng thông tin kết nối cung – cầu, HTX đã được Công ty Ba Co (Hà Nội) liên hệ phân phối độc quyền 4.000 lít mật ong Bạc hà và Công ty Ameii (T.P Hồ Chí Minh) đặt vấn đề tiêu thụ 1 tấn phở Sâm khoai trong thời gian tới. Qua đó, giúp HTX, THT từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu.

Chung sống an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, việc các HTX, THT tiếp cận, tham gia vào nền kinh tế số không chỉ là giải pháp tức thời giúp tiêu thụ nông sản trong thời điểm phòng, chống dịch mà còn mang tính chiến lược lâu dài trong việc tổ chức các dịch vụ thu mua, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cho các HTX, THT đưa hàng hóa lên các trang thương mại điện tử, hỗ trợ hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, triển khai chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành, niên vụ 2021 – 2022…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Cùng chuyên mục

Yếu tố thành công của chuyển đổi số trong giáo dục

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết các yếu tố làm thành công của chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là gì?

27/10/2021
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19

BHG - Hà Giang là một trong những tỉnh có điều kiện KT – XH khó khăn nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 là việc đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới cách làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đang đươc quan tâm, thúc đẩy, đã và đang đem tới những thành quả đáng ghi nhận.

26/10/2021
Mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia về xã hội số

Bạn đọc hỏi: Xin cho biết mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia về xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030?

26/10/2021
Chuẩn bị nhân lực cho chuyển đổi số

Bạn đọc hỏi: Cần phải chuẩn bị nhân lực của tổ chức như thếm nào cho chuyển đổi số (CĐS)?

 

25/10/2021