Quản Bạ chú trọng sản xuất cây vụ Đông

09:23, 03/01/2019

BHG - Là một trong những địa phương đi đầu sản xuất cây vụ Đông, sau nhiều năm canh tác, người dân huyện Quản Bạ đã đúc rút được những kinh nghiệm hay từ đó, đem lại thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Người dân thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến chăm sóc cây vụ Đông.
Người dân thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến chăm sóc cây vụ Đông.

Trung tuần tháng 12, trên những cánh đồng của thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến được bao phủ một màu xanh biếc của các cây rau đậu và  Tam giác mạch...  Sáng sớm, khi những giọt sương còn chưa tan, gia đình anh Vàng Thông Cáo đã nhộn nhịp thu hái các loại rau, đậu trong vườn để giao bán cho thương lái từ thành phố Hà Giang lên thu mua. Anh Cáo chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi tiếp tục gieo trồng vụ Đông trên diện tích 1,5 ha, bao gồm: Bắp cải, cải Thảo, đậu Hà Lan, su hào, cà chua, ớt ngọt... Để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình tôi kết hợp trồng cả ngoài vườn và áp dụng trồng rau trong nhà lưới với diện tích 0,65 ha. Qua chăm sóc cho thấy, rau trong nhà lưới phát triển rất tốt, sai quả và chất lượng hơn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình tôi thường trồng sớm hơn mùa vụ và trồng thâm canh, gối vụ các loại rau,… không trồng đồng loạt để tránh thu hoạch cùng lúc, gây khó khăn trong việc thu hái và tiêu thụ. Cùng với đó, để nâng cao giá trị cây trồng, gia đình tôi thường xuyên lựa chọn những cây trồng giống mới; bón phân, chăm sóc đúng quy trình. Mỗi vụ Đông, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng.

Người dân Quản Bạ chăm sóc cây cà chua trong nhà lưới.
Người dân Quản Bạ chăm sóc cây cà chua trong nhà lưới.

Xã Quyết Tiến luôn là địa phương đứng đầu về diện tích, năng suất và chất lượng cây trồng vụ Đông của huyện Quản Bạ. Năm nay,  tổng diện tích gieo trồng của xã đạt khoảng 350 ha, chủ yếu là các loại rau đậu. Ngoài ra các xã, thị trấn như: Đông Hà, Tùng Vài, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn đều gieo trồng với diện tích trên 100 ha. Đến thời điểm hiện tại, diện tích gieo trồng cây vụ Đông của huyện Quản Bạ đạt khoảng 1.400 ha, tăng hơn 200 ha so với vụ Đông năm trước, trong đó: Khoai tây khoảng 30 ha, Tam giác mạch 200 ha, cây dược liệu gần 100 ha; rau đậu các loại trên 900 ha; năng suất ước đạt 78 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 8.500 tấn.

Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ, cho biết: Để đạt được thắng lợi đó, Phòng đã tích cực vận động bà con đưa cây, con giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; tuyên truyền, tư vấn cho người dân chủ động gieo trồng cây vụ Đông nhằm đem lại giá trị thu nhập cao trên cùng đơn vị diện tích. Đối với rau màu các loại, bố trí thành nhiều đợt để rải vụ nâng cao hiệu quả sản xuất; thường xuyên cử các cán bộ chuyên môn xuống từng cơ sở hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông; tổ chức cho người dân đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh… Đồng thời, vận động các hộ thực hiện tốt quy trình trồng theo hướng sản xuất rau an toàn, nhất là đối với những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá, rau gia vị; chủ động phòng, chống sâu bệnh, ngập úng, hạn hán...

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ; những năm gần đây, sản xuất vụ Đông luôn trở thành phong trào của nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng đầu ra cho sản phẩm cây trồng vụ Đông lại trở thành nỗi lo của nhiều nông dân; thêm vào đó, thời vụ trồng cây vụ Đông thường được thực hiện đồng loạt từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 1 năm sau, dẫn đến tình trạng khan hiếm rau vào đầu vụ và cuối vụ... Đầu vụ khi giá thành cao, người dân lại chưa có nhiều sản phẩm để bán ra thị trường; cuối vụ, bà con thu hoạch đồng loạt, khiến giá bán thấp. Khắc phục những khó khăn đó, huyện Quản Bạ đã ban hành kế hoạch sản xuất vụ Đông sớm, khuyến khích người dân trồng rải vụ, gối vụ và đưa nhiều loại cây trồng ngắn ngày, các loại rau tăng vụ vào trồng trên đất ruộng…

Với những kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm, cùng sự chủ động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân; tin chắc, vụ Đông năm nay của huyện Quản Bạ sẽ bội thu, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: Vương Mai


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông nghiệp Hà Giang hội nhập kinh tế quốc tế

BHG – Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dịp đầu năm mới 2019, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.

31/12/2018
"Nền móng" vững chắc tái cơ cấu kinh tế

BHG - Tái cơ cấu kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Từ quyết tâm của tỉnh đến các sở, ngành, huyện, thành phố và cán bộ, đảng viên, những "viên gạch" đầu tiên đặt "nền móng" cho cuộc cách mạng cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được xây dựng vững chắc. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn từng chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020...

31/12/2018
Diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

BHG - Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh ta nhằm định hướng cho nhà sản xuất phát triển sản phẩm.

29/12/2018
Bắc Quang: 80 nhóm cùng sở thích phát triển kinh tế từ Chương trình CPRP

BHG - Từ năm 2015 đến nay, thông qua Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh, huyện Bắc Quang đã thành lập được 80 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế, thu hút 829 thành viên tham gia. Các nhóm CIG đi vào hoạt động đã làm thay đổi tư duy, nhận thức lao động của người dân, hướng đến liên kết mở rộng sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm tăng cao mức thu nhập cho gia đình.

29/12/2018