Nuôi cá Chép ruộng – hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp ở Hoàng Su Phì

08:18, 02/10/2018

BHG - Nuôi cá Chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì. Những năm gần đây, việc nuôi cá Chép ruộng có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng gần 18 tấn/năm; nhiều hộ nuôi đạt 200 kg/vụ; một số xã có sản lượng cá Chép ruộng lớn như Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch... Nuôi cá Chép trên ruộng bậc thang đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông dân.

Gia đình ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc My Thượng, xã Pố Lồ thu hoạch cá Chép ruộng.
Gia đình ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc My Thượng, xã Pố Lồ thu hoạch cá Chép ruộng.

Theo anh Bùi Phúc Đức, Phó phòng Nông nghiệp Hoàng Su Phì: Toàn huyện có 3.570 ha ruộng bậc thang; diện tích có nước thường xuyên khoảng 500 ha, nhưng chỉ có 255 ha cấy lúa vụ Xuân, còn lại nhân dân để nước trong ruộng không gieo cấy, như vậy rất lãng phí. Ngoài ra, 12 xã của huyện được cấp Giấy chứng nhận danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang nên việc xây dựng Phương án “Nuôi và phát triển cá Chép ruộng bậc thang thành hàng hóa” rất cần thiết nhằm phát huy lợi thế sẵn có gắn phát triển du lịch. Đồng thời, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi thâm canh cá Chép ruộng, từng bước chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh, đưa cá Chép ruộng trở thành sản phẩm hàng hóa.

Theo đó, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng Mô hình nuôi cá Chép ruộng theo hướng hàng hóa gắn phát triển kinh tế hộ, tạo ra giá trị thu nhập ổn định; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Phấn đấu tới năm 2020, tạo thành vùng nuôi cá Chép ruộng hàng hóa với sản lượng 20 tấn/năm tại các xã vùng di sản danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang và các xã có truyền thống nuôi cá Chép ruộng. Thực hiện mục tiêu trên, huyện hỗ trợ cá giống một lần vào năm đầu cho các hộ thực hiện mô hình với định mức 2 triệu đồng/hộ, diện tích tối thiểu đạt 1 nghìn m2 ruộng; 2 triệu đồng/hộ để làm ao nuôi với diện tích tối thiểu 300 m2.

Anh Đức cho biết thêm: Với tổng chi phí gần 6,5 triệu đồng/vụ, người nuôi cá Chép ruộng sẽ thu về hơn 11 triệu đồng/0,1 ha/vụ. Ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc My Thượng, xã Pố Lồ tâm sự: Vụ cá Chép ruộng này, gia đình tôi thả 4 kg giống từ tháng 2.2018, thu về khoảng 70 kg cá, bán được 7 triệu đồng; tới đây, tôi tiếp tục nuôi cá Chép ruộng nhằm tăng thêm thu nhập.

Ông Hù Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Pố Lồ cho biết: Phương án “Nuôi và phát triển cá Chép ruộng bậc thang thành hàng hóa” đã thực sự phát huy hiệu quả. Mô hình nuôi cá, lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa; người dân bón phân cho lúa sẽ bổ sung thức ăn cho cá, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi trong ruộng lúa chất lượng thịt thơm ngon, béo ngậy, bán được giá.

Với trên 3 nghìn ha ruộng bậc thang, tiềm năng phát triển cá Chép ruộng ở Hoàng Su Phì rất lớn. Nếu thực hiện tốt phương án, cá Chép ruộng sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc trưng của Hoàng Su Phì và tạo điểm nhấn thu hút du khách đến mảnh đất của những thửa ruộng bậc thang…

Bài, ảnh: PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Nghĩa Thuận vào vụ thu hoạch Hồng không hạt

BHG - Xã Nghĩa Thuận được mệnh danh là vựa hồng của huyện Quản Bạ, với hơn 70 ha cho thu hoạch; vụ hồng năm nay ước tính sẽ thu khoảng 50 tấn quả, giúp nhiều người dân xoá đói, giảm nghèo hiệu quả. Đến thăm vườn hồng của gia đình ông Vàng Dung Pháng, thôn Cốc Pục, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ), ông cho biết: Gia đình có gần 2 ha hồng, trong đó, gần 1 ha đang cho thu hoạch. So với năm trước, vụ hồng năm nay năng suất cao hơn, ước đạt 4 tấn quả; giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu được trên 120 triệu đồng...

30/09/2018
Hợp tác xã Tuấn Băng phát huy hiệu quả từ sản xuất chế biến chè

BHG - Phát huy lợi thế sẵn có của vùng chè, thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập trung tổ chức liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè, từng bước đổi mới chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, HTX Thương mại tổng hợp Tuấn Băng có trụ sở tại xã Nà Trì, huyện Xín Mần là một trong những HTX đã đạt được những thành quả nhất định trong việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chè đặc trưng của tỉnh. Được thành lập năm 2006 với tổng số vồn ban đầu là 2 tỷ đồng gồm 9 thành viên tham gia...

30/09/2018
Xoá đói, giảm nghèo ở Thượng Bình còn lắm gian nan

BHG- Xã Thượng Bình (Bắc Quang) có 442 hộ, trên 2 nghìn khẩu, sống tại 7 thôn, bản; trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 51%. Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn 45,6%; địa hình chia cắt mạnh, xuất phát điểm kinh tế thấp… nên công cuộc xoá đói, giảm nghèo còn nhiều gian nan. Tôi có mặt tại xã Thượng Bình vào đúng dịp chợ phiên, chợ họp trước cổng UBND xã trong một khoảng đất hẹp, khá đông người đến chợ; nhiều hàng hoá được các tiểu thương mang đến bán cho đồng bào địa phương...

30/09/2018
"Điểm sáng vùng biên" Lùng Vần Chải!

BHG - Khi tia nắng dần khuất dưới những ngọn đồi nhường không gian cho màn đêm buông xuống cũng là lúc ánh điện từ những cột sắt cao gần chục mét, dọc 2 bên đường được bật lên, thắp sáng cả khu dân cư thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái (Mèo Vạc). Đó là hệ thống đèn điện công cộng bằng năng lượng mặt trời, một trong những Chương trình "Điểm sáng vùng biên" được Đồn Biên phòng (BP) Săm Pun triển khai từ năm 2017.

 

28/09/2018