Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả ở Hoàng Su Phì

06:54, 28/06/2017

BHG- Xác định xây dựng các mô hình phát triển kinh tế là bước đi quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, các xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình anh Tráng Văn Lù cho hiệu quả kinh tế cao, đang được huyện khuyến khích người dân nhân rộng.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình anh Tráng Văn Lù cho hiệu quả kinh tế cao, đang được huyện khuyến khích người dân nhân rộng.

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Vù Seo Lùng, xã Bản Péo; đây là một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Lùng chia sẻ: Nhận thấy cây đào, cây lê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, năm 2012, anh quyết tâm đầu tư trồng hơn 2 ha cây đào pháp và cây lê đường. Ngoài trồng cây ăn quả, anh còn trồng thảo quả và kết hợp chăn nuôi. Để mô hình phát triển có hiệu quả, anh tích cực áp dụng KHKT để chăm sóc cây trồng, vật nuôi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình khác. Vì vậy, hiệu quả từ mô hình kinh tế của anh cho thu nhập trên 60 triệu đồng mỗi năm.

Còn đối với mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình anh Tráng Văn Lù, xã Tụ Nhân không chỉ cho thu nhập khá mà còn mở ra hướng làm giàu. Hiện gia đình anh hiện có 20 con trâu, bò nuôi nhốt theo hình thức bán chăn thả. Ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho đàn trâu, bò thì với 2 ha cỏ trồng, gia đình anh có thêm cỏ để vỗ béo gia súc. Anh Lù cho biết: Kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn. Thức ăn để vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... để đàn gia súc nhanh lớn. Sau 9 tháng đến 1 năm chăm sóc tốt, trọng lượng con trâu, bò có thể tăng 50 - 70%, như vậy có thể thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng một con.

Theo báo cáo kết quả xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của huyện, hiện địa phương có trên 20 mô hình kinh tế nông nghiệp được tổng kết, đánh giá đạt kết quả cao. Điển hình là mô hình trồng ngô che phủ ni-lông tại xã Sán Sả Hồ, năng suất đạt 65 tạ/ha, giá trị thu nhập đạt gần 25 triệu đồng/ha; mô hình trồng củ cải trái vụ gắn với thu mua và chế biến, năng suất đạt 5,5 tấn củ tươi/ha, giá trị thu nhập đạt 27,5 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc, sản lượng đạt 15 tấn/ha, lãi thuần thu được trên 80 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa; mô hình đầu tư phát triển chè hữu cơ, VietGap và chuỗi giá trị cây Thảo quả; mô hình chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê theo hướng hàng hóa tại các gia đình...

Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Các mô hình sản xuất được triển khai không những đã, đang góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Để các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua sản xuất; tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện và các ngành chuyên môn tổ chức cho bà con nông dân học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh; tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT đến từng nhóm hộ; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện. Mặt khác, huyện cũng thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ trực tiếp bằng cây, con giống, phân bón cho người nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...

Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ, chuyên môn hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khắc phục việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, có giải pháp xây dựng các tổ hợp tác tiến dần việc hình thành hợp tác xã; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; quy mô đầu tư cho mô hình cần được nâng lên để sản phẩm thành hàng hóa, đặc biệt là có sự liên kết “4 nhà” để đầu ra sản phẩm ổn định.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với Công ty Cổ phần ALFA Việt Nam

BHG- Sáng 27.6, tại Trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần ALFA Việt Nam về đề xuất hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh.

27/06/2017
Tiềm năng phát triển nông nghiệp ở Vĩnh Hảo

BHG- Mùa thu hoạch lúa Xuân ở xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) đã kết thúc, người dân trong xã lại tập trung làm vụ Mùa, chăm sóc vườn cam và thu hái chè. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, Hà Mạnh Thắng cho biết: Nông nghiệp vẫn là "mặt trận hàng đầu" để Vĩnh Hảo "đột phá" xây dựng Nông thôn mới.

27/06/2017
Điện lực thành phố, văn hóa doanh nghiệp tạo đà cho phát triển

BHG- Điện lực thành phố Hà Giang trực thuộc Công ty Điện lực Hà Giang với trên 100 cán bộ, công nhân viên, lao động (CBCNVLĐ); quản lý 265 Trạm biến áp, 380 km đường dây trung áp, 435 km đường dây hạ áp; quản lý, bán điện cho hơn 28.000 khách hàng của 8 xã, phường của thành phố và 14 xã thuộc huyện Vị Xuyên. 

27/06/2017
Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền đến các thôn bản trên địa bàn

 BHG - Tín dụng chính sách là kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để đồng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Trưởng thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó, công cụ đắc lực để thực hiện việc chuyển tải tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chính là công tác tuyên truyền.

26/06/2017