Người dân thôn Việt Thắng, tăng thu nhập từ lá giang

07:20, 04/04/2017

BHG- “Thôn Việt Thắng có 105 hộ, các hộ đều có kinh tế ổn định là nhờ nghề hái lá giang và làm thuê cho các xưởng thu gom, chế biến lá giang xuất khẩu”. Đó là nhận định của anh Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng thôn Việt Thắng, xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Hiện nay, hầu hết người dân trong thôn đều tham gia thu hái lá giang để bán cho lò sấy. Theo chân anh Thắng, chúng tôi đi một vòng quanh thôn để tìm hiểu về nghề “hái ra tiền” này. Điều đặc biệt là ban ngày, người dân trong thôn vẫn ra đồng làm, vẫn chăn nuôi và trồng trọt... Tôi  hỏi anh: vậy họ làm vào thời điểm nào mà lại có thu nhập lại cao, cả thôn kinh tế đều khá giả như vậy?. Để giải đáp thắc mắc, anh Thắng đưa chúng tôi đến thăm hộ chú Dương Văn Nghị - chủ xưởng lá giang lớn nhất thôn Việt Thắng.

Lá giang sau khi sấy được xếp gọn gàng để tiến hành phun nước làm mềm.
Lá giang sau khi sấy được xếp gọn gàng để tiến hành phun nước làm mềm.

Gia đình chú Nghị đã làm nghề trên 10 năm nay, tạo không ít công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hầu hết người dân trong thôn. Đây là công việc mà bà con trong thôn gọi vui là “3 không”: không vốn, không phân biệt độ tuổi và không gò bó thời gian. Chia sẻ với chúng tôi, chú Nghị cho biết: “Xưởng nhà chú hiện thuê khoảng 30 nhân công chỉ tranh thủ làm buổi tối với thu nhập từ 150 đến 200.000đ/tối; chưa kể có những người chú thuê làm thợ chính, nuôi ăn, ở với mức lương ổn định”. Hiện, lá giang tươi được thu mua với giá khoảng 10 nghìn đồng/1kg tuỳ theo chất lượng lá (vào chính vụ lá đẹp giá sẽ cao hơn). Được biết, đối với người hái lá giang, người hái nhanh có thể hái được 50 - 70 kg lá một ngày, thu nhập khoảng 500 - 700.000đ; người hái chậm cũng đạt từ 40 – 50 kg, thu nhập từ 400 – 500.000đ. Đặc biệt, nghề hái lá giang khá đơn giản, thân giang mềm và dẻo nên chỉ cần vít nhẹ cành lấy lá, không phức tạp và yêu cầu kỹ thuật nên ở độ tuổi nào cũng có thể hái được. Một bộ phận nhân công “không chuyên” chính là các em nhỏ chăn trâu, các bà, các mẹ hái lúc nông nhàn.

Theo người dân trong thôn, lá giang vào chính vụ từ khoảng tháng 7 đến tháng 12. Lá giang sau khi hái sẽ được kẹp nan tre và đem sấy khô; tỷ lệ hao hụt khoảng 50%. Lá giang khô chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với giá cả hợp lý và ổn định. Đối với xưởng của gia đình chú Nghị, với 6 cửa sấy, sản lượng có thể đạt 50 - 60 tấn lá khô/tháng, trừ chi phí thuê nhân công, gia đình có thể đem lại thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng. Có những thời điểm “sốt hàng” thậm chí có thể kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng. Số tiền chi trả cho nhân công cũng không hề nhỏ, theo chú Nghị, tính sơ qua, với hơn 30 nhân công, hàng tháng tiền công cũng lên tới 180 đến 200 triệu đồng, không kể tiền thu mua lá giang tính theo sản phẩm. Chú nói vui, “trong thôn, từ ngày có nghề này, nhà năm khẩu là 5 két sắt, ai cũng tự kiếm ra tiền hết, từ cháu bé đến ông bà già”.

Hiện tại cả thôn có 5 xưởng thu mua lá giang, một số xưởng vẫn sấy theo cách truyền thống; tuy nhiên, một số xưởng đã tiếp cận khoa học kỹ thuật và xây dựng hiện đại hơn. Đó là xưởng của anh Lê Hữu Thành, xây dựng hệ thống sấy bằng lò hơi. Được biết, hệ thống sấy lá giang bằng lò hơi thay bằng đốt than có thể khắc phục một số hạn chế, như: Giảm bớt công đoạn phun nước làm mềm lá và giảm khâu kiểm tra than, lò đốt,... Đặc biệt, công suất của lò sấy hơi có thể đạt trên 2 tấn/lần sấy, gấp đôi công suất lò đốt thường. Có thể thấy, để phát triển bền vững và hiệu quả nghề làm lá giang, việc áp dụng khoa học kỹ thuật là điều hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Trong câu chuyện với những người công nhân trong xưởng, ai cũng cho rằng, họ được đổi đời nhờ lá cây giang. Cả thôn Việt Thắng đều thầm coi lá giang như “lá vàng”, không phải lương thực nhưng lại cứu đói, cứu nghèo cả vùng quê. Theo anh Nguyễn Ngọc Thắng, người dân trong thôn đã được giao rừng “tận tay”, cam kết bảo vệ rừng, cũng chính vì vậy, vấn đề khai thác sai cách và trái phép phần nào sẽ được ngăn chặn. Nếu như trước đây, một số người chặt giang để hái lá, hoặc bán cho thương lái chở về xuôi, thì giờ đây, những sinh lợi từ lá giang đã làm giảm hẳn tình trạng này. Trong thời gian tới, cùng với ý thức của người dân dần được nâng cao, chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp cụ thể trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Cũng chính là bảo vệ “cơm áo” của người nông dân.

My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh toán tiền điện qua hệ thống Ngân hàng

BHG - Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ ,Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ký văn bản số 1010/UBND-KT, gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, Ngân hàng nhà nước, Công ty Điện lực Hà Giang và các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

30/03/2017
BCĐ Đổi mới và phát triển DNNN T.Ư làm việc tại tỉnh ta

BHG - Chiều 30.3, đoàn công tác Ban chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) T.Ư do đồng chí Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban chuyên trách làm trưởng đoàn làm việc tại tỉnh ta, nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Dự buổi làm việc về phía tỉnh ta có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn tỉnh.

30/03/2017
Lợi nhuận từ nuôi cá chiên lồng

BHG - Tận dụng dòng nước sông Lô chảy qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn (TT) Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã đầu tư và đưa mô hình nuôi cá chiên lồng để phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình đang mang lại hiệu quả cao giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

29/03/2017
Hội nghị trực tuyến sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn

BHG - Chiều 28.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; tại các huyện, thành  phố có Thường trực Huyện ủy, UBND và một số phòng, ban chuyên môn. 

29/03/2017