Lâm nghiệp với vai trò "trụ đỡ" cho sự phát triển bền vững

09:22, 19/01/2017

BHG- “Lâm nghiệp không chỉ là lợi thế, mà còn là đòi hỏi bức thiết cho duy trì cuộc sống bền vững và có ý nghĩa tại vùng thượng nguồn cao và dốc như Hà Giang. Sự tươi tốt và giàu có của rừng cũng chính là sự thịnh vượng và khá giả của mỗi chúng ta ở nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng. Đồng thời lâm nghiệp cũng đóng góp vai trò to lớn, là “trụ đỡ” cho nhiều ngành sản xuất khác và cho phát triển bền vững”, đó là thông điệp mà đồng chí (Đ/c) Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh muốn gửi tới cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân Hà Giang trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Đồng chí Phạm Văn Điển (người phía trước) cùng đoàn công tác Sở Nông nghiệp kiểm tra công tác trồng rừng ở cơ sở. Ảnh: DUY TUẤN
Đồng chí Phạm Văn Điển (người phía trước) cùng đoàn công tác Sở Nông nghiệp kiểm tra công tác trồng rừng ở cơ sở. Ảnh: DUY TUẤN

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết Hà Giang có những tiềm năng cơ bản nào cho phát triển lâm nghiệp?

Đ/c Phạm Văn Điển: Tiềm năng phát triển lâm nghiệp ở Hà Giang là rất lớn. Bởi, toàn tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 71,5%, diện tích đất dốc từ 15 độ trở lên chiếm tới 86%, có hàng chục nghìn hộ gia đình sống cheo leo trên sườn dốc, nhiều nguồn sinh lợi cũng từ trên đất dốc mà ra, nên lâm nghiệp mặc nhiên trở thành một “trụ đỡ” cho nền kinh tế và an sinh xã hội trên bề mặt của vùng đất dốc. Đó chính là tiềm năng lớn và cũng là vị thế đặc biệt của rừng và ngành Lâm nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, các giống, loài phong phú và có giá trị kinh tế cao (lâm sản) là một tiềm năng và lợi thế lớn cho việc tạo thu nhập cao từ trong lòng độ che phủ của rừng. Các huyện vùng thấp có lợi thế chủ yếu là lâm sản gỗ, với vùng nguyên liệu có thể thiết lập lên tới 70 nghìn ha. Các huyện vùng cao có lợi thế về lâm sản ngoài gỗ và gỗ quí. Bên cạnh đó, vì nằm trên vùng thượng nguồn, tỉnh ta cũng có lợi thế trong việc bán giá trị dịch vụ môi trường rừng, gồm cả giá trị dịch vụ thủy văn, dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng và giá trị tích lũy các - bon của rừng.

PV: Theo đồng chí, đến nay chúng ta đã khai thác tiềm năng này như thế nào? Đóng góp của ngành Lâm nghiệp ra sao?

Đ/c Phạm Văn Điển: Tiềm năng này đã bước đầu được nhận dạng rõ khi đã có hàng loạt văn bản được tỉnh ban hành để biến tiềm năng thành hiện thực trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định đột phá đưa giống tốt và kỹ thuật thâm canh rừng vào sản xuất. Sắp tới, tỉnh sẽ có chính sách riêng cho phát triển lâm nghiệp... Giá trị kinh tế của rừng cũng bắt đầu được phát huy và khai thác có hiệu quả. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 565 tỷ đồng; giá trị dịch vụ môi trường rừng cũng đạt xấp xỉ 55 tỷ đồng. Tổng thu tiềm năng từ khai thác lâm sản gỗ và lâm sản ngoài gỗ hàng năm có thể đạt trên 1.500 tỷ đồng từ sau năm 2020 trở đi và trong tương lai, tổng giá trị dịch vụ môi trường rừng có thể đạt hàng trăm tỷ đồng/năm.

PV: Được biết năm 2016, lĩnh vực lâm nghiệp có những kết quả đáng ghi nhận, đã bước đầu khai thác được tiềm năng. Xin đồng chí nêu rõ hơn về những kết quả này.

Đ/c Nguyễn Văn Điển: Năm 2016, 12 chỉ số định lượng của lĩnh vực lâm nghiệp đã có chuyển biến lớn như: Tỷ lệ sống của rừng trồng tăng từ dưới 70% trong năm 2013, 2014 lên trên 85%. Tỷ lệ cây giống có chất lượng tốt đưa vào sản xuất là 36,3% (từ 2015 trở về trước là dưới 5%). Diện tích rừng được giao cũng tăng hơn 42 nghìn ha. Có 1,1 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ, là điều kiện quan trọng để phát triển liên kết sản xuất trong lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ của rừng ước đạt 55,10%, tăng 0,26% so với năm 2015. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng tăng cao, đạt 209 tỷ đồng; trong đó có 48,4 tỷ đồng (chiếm 23,2%) là do nhân dân và doanh nghiệp đầu tư, thể hiện quá trình xã hội hóa nghề rừng đã bước đầu được khởi động. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Lâm nghiệp đã bắt đầu được đưa vào vận hành, phục vụ cho việc quản lý và theo dõi đến từng lô rừng và từng chủ rừng. Hơn hết, đóng góp của lâm nghiệp không chỉ bằng giá trị kinh tế trực tiếp, mà được thể hiện qua vai trò “trụ đỡ” cho nhiều ngành sản xuất khác và cho phát triển bền vững.

PV: Trong giai đoạn 2017 - 2020, đã có 5 dự án về Lâm nghiệp được phê duyệt. Chúng ta cũng đang xây dựng thêm một số dự án nữa. Vậy, mục tiêu của những dự án này là gì?

Đ/c Phạm Văn Điển: Những dự án nêu trên đã được xây dựng dựa trên Luật Đầu tư công. Một số dự án sẽ được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Đó là một trong những cách huy động nguồn lực thích hợp nhất hiện nay và nhằm giải quyết được 12 chỉ số của ngành Lâm nghiệp đến năm 2020, như làm tăng giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái rừng về cả kinh tế, xã hội và môi trường, phát huy vai trò của lâm nghiệp trên vùng đất thượng nguồn phía Bắc, thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh ngành Lâm nghiệp, đưa thực trạng lâm nghiệp tiếp cận với tiềm năng to lớn của nó và trở thành một nguồn lực lớn ở tỉnh Hà Giang.

PV: Liệu việc triển khai những dự án này có gặp khó khăn gì lớn và hướng giải quyết như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Văn Điển: Ý của đồng chí là có khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí? Điều này đã nằm trong dự liệu khi thiết kế và xây dựng Dự án. Dự án đã qua nhiều vòng thẩm định, từ địa phương đến T.Ư và có phân tích rủi ro kỹ càng, tiếp thu hoàn thiện, nên có tính khả thi cao. Khó khăn về tiền chỉ là một phần. Khó khăn khác là ở chính nội tại của lực lượng làm lâm nghiệp. Lực lượng làm lâm nghiệp của chúng ta tuy đông, nhưng yếu. Trên 90% chủ rừng chưa được đào tạo nghề rừng một cách có kỹ năng. Cán bộ lâm nghiệp ở cấp thôn và xã năng lực còn yếu, lại thiếu chuyên trách. Một bộ phận cán bộ lâm nghiệp ở cấp huyện, tỉnh cần được đào tạo lại, thì mới có thể đáp ứng yêu cầu. Một khía cạnh khác là cần tổ chức và bố trí lại lực lượng làm lâm nghiệp từ cấp huyện đến xã và thôn, bản. Giải pháp cho giải quyết vấn đề này là cần đặt trọng tâm vào “tái cơ cấu nguồn nhân lực làm lâm nghiệp” ở tất cả các cấp.

PV: Cuối cùng, đồng chí sẽ gửi thông điệp gì về ngành Lâm nghiệp tới cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân tỉnh ta?

Đ/c Phạm Văn Điển: Lâm nghiệp không chỉ là lợi thế, mà còn là đòi hỏi bức thiết cho duy trì cuộc sống bền vững và có ý nghĩa tại vùng thượng nguồn cao và dốc như Hà Giang. Sự tươi tốt và giàu có của rừng cũng chính là sự thịnh vượng và khá giả của mỗi chúng ta ở nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY TUẤN (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Không ngừng khởi tăng nguồn vốn nhàn rỗi trong dân

BHG- Năm 2016, được đánh giá là năm khó khăn do chính sách tiền tệ thắt chặt của Chính phủ; với địa bàn hoạt động ở vùng đặc biệt khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh, huy động tiền gửi trong dân. Song bằng những nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) Chi nhánh Agribank Đồng Văn đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT- XH tại địa phương.

18/01/2017
Agribank Quản Bạ: Cho vay theo Nghị quyết số 209, khuyến kích phát triển sản xuất

BHG- Trong năm qua, thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, Agibank Quản Bạ đã giải ngân hàng tỷ đồng, giúp các hộ nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao này. 

18/01/2017
Mèo Vạc giữ ổn định thị trường cuối năm

BHG- Không như một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, do phong tục ăn Tết sớm của đồng bào Mông nên hoạt động mua, bán nhu yếu phẩm ở Mèo Vạc đã bắt đầu nhộn nhịp từ trước Tết Nguyên đán khoảng hơn một tháng. Từ các phiên chợ vùng giáp biên đến chợ nội địa đã tấp nập người dân đi sắm Tết. 

18/01/2017
Huyện Bắc Quang tổ chức chương trình Chào Xuân 2017 – Khai mạc Hội chợ Cam Sành và hoa, cây cảnh lần thứ nhất

BHG- Tối 17.1, tại Sân vận động trung tâm huyện Bắc Quang, UBND huyện Bắc Quang tổ chức Chương trình Chào Xuân 2017 và khai mạc Hội chợ Cam Sành và hoa, cây cảnh lần thứ nhất. Dự hội chợ có các đồng chí: Trần Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang; Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang,…

18/01/2017