Khó khăn trong bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý

06:57, 14/07/2016

BHG- Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hơn 60 công trình lưới điện hạ áp nông thôn (công trình điện) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao tài sản cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành. Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và ngành điện trong việc quản lý, còn người dân phải mua điện giá cao bởi những công trình chưa được bàn giao, ngành điện bán hàng theo hình thức nhiều hộ dùng chung công tơ tổng.

Gia đình ông Giàng Mí Cáy thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) đang phải mua điện với giá cao.
Gia đình ông Giàng Mí Cáy thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) đang phải mua điện với giá cao.

Người dân phải mua điện giá cao

Cuối năm 2015, gần 30 hộ dân ở thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn phấn khởi khi được sử dụng điện lưới Quốc gia. Công trình cấp điện cho thôn Lùng Lú được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước do Sở Công thương làm chủ đầu tư, đây là một trong 42 công trình điện nông thôn nằm trong Dự án cấp điện cho các xã, thôn bản vùng biên giới chưa có điện tỉnh (thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định 2081/QĐ-TTg của Chính phủ).

Điện về thắp sáng bản làng, nhân dân thôn Lùng Lú như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Vui mừng là thế, nhưng bà con nơi đây băn khoăn, thắc mắc là tại sao phải mua điện giá cao hơn so với các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Ông Giàng Mí Cáy, nhà ở trung tâm thôn Lùng Lú nói: “Từ ngày có điện, bà con trong thôn mua nhiều thiết bị sử dụng điện lưới để phục vụ sản xuất và đời sống như ti vi, máy xay ngô, máy thái cỏ... cuộc sống đỡ vất vả hơn. Bà con vùng cao cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn vì chúng tôi phải mua điện giá cao hơn so với các thôn khác. Như gia đình tôi, tháng nào cũng sử dụng dưới 50 số điện nhưng phải trả 2.000 đồng/một số, cao hơn so các thôn, tổ dân phố trên địa bàn”.

Đem thắc mắc của ông Giàng Mí Cáy hỏi anh Vàng Mí Và, Công an viên thôn Lùng Lú, người được thôn cử làm đại diện để hợp đồng với Chi nhánh Điện Đồng Văn để thu, nộp tiền điện hàng tháng thì được biết, Chi nhánh Điện Đồng Văn bán điện theo hình thức cụm sinh hoạt bậc thang (nhiều hộ dùng chung một công tơ tổng đặt tại trạm biến áp). Giá bán điện tại công tơ tổng được tính theo giá bán điện bậc thang phục vụ các gia đình theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên khi mua điện các hộ trong thôn phải gánh phần thất thoát điện năng trong qúa trình vận hành đường dây từ công tơ tổng về thôn. Đường dây dài, công tác quản lý, vận hành kém nên không tránh khỏi thất thoát. “Người dân thôn Lùng Lú còn nghèo, sản xuất, chăn nuôi chỉ đủ ăn, thu nhập bằng tiền không có nên mua điện giá cao hơn dù chỉ 500 đến 1.000 đồng/một số cũng khiến nhân dân gặp nhiều khó khăn”, anh Vàng Mí Và khẳng định.

Cách thôn Lùng Lú không xa, người dân thôn Mã Lù, thị trấn Đồng Văn cũng mới được sử dụng điện lưới Quốc gia từ công trình điện mới hoàn thành do Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư. Khác với Lùng Lú, người dân thôn Mã Lù được mua điện theo hình thức bán lẻ, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo giá quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Ngọc Phan, Giám đốc Chi nhánh điện Đồng Văn giải thích, công trình điện thôn Lùng Lú được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, khi hoàn thành vẫn chưa bàn giao tài sản cho ngành Điện nên chúng tôi không có kinh phí vận hành, quản lý. Do nhu cầu của người dân và được sự đồng ý của các cấp, các ngành nên Chi nhánh Điện Đồng Văn đóng điện cho dân theo hình thức bán điện cho khách hàng theo hình thức cụm sinh hoạt bậc thang. Còn công trình điện tại thôn Mã Lù do ngành Điện làm chủ đầu tư là tài sản của ngành Điện, chúng tôi có kinh phí quản lý, vận hành nên thực hiện bán lẻ hộ gia đình.

Không chỉ ở thị trấn Đồng Văn, trên địa bàn tỉnh ta hiện có hơn 60 công trình điện đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có gần 30 công trình thuộc Dự án cấp điện cho các xã, thôn bản vùng biên giới tỉnh Hà Giang đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao tài sản cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng điện cho dân, Công ty Điện lực Hà Giang tạm thực hiện bán lẻ theo cụm sinh hoạt bậc thang trên cơ sở được sự thống nhất của chính quyền và ngành chức năng tỉnh.

Khó trong công tác quản lý, vận hành

Các công trình điện đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước không được bàn giao tài sản cho đơn vị kinh doanh khiến cho công tác quản lý, vận hành lưới điện gặp nhiều khó khăn cho cả phía chủ đầu tư và ngành Điện.

Trạm biến áp và lưới điện thôn Lùng Chu Phùng, xã Lao Và Chải, huyện Vị Xuyên vẫn đang chờ hướng dẫn để được bàn giao.
Trạm biến áp và lưới điện thôn Lùng Chu Phùng, xã Lao Và Chải, huyện Vị Xuyên vẫn đang chờ hướng dẫn để được bàn giao.

Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang Hoàng Văn Thiện cho biết, hiện nay, Công ty Điện lực Hà Giang là đơn vị kinh doanh hạch toán báo cáo sổ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Các công trình không thuộc tài sản của đơn vị đều không có nhân lực, không có kinh phí quản lý, vận hành. Tuy nhiên, hoạt động trên địa bàn tỉnh vùng cao khó khăn, công ty xác định thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu, nên các Chi nhánh vẫn giúp chủ đầu tư quản lý an toàn lưới điện, giúp người dân sửa chữa nhỏ đối với các công trình chưa được bàn giao. Còn đối với sự cố lớn, phía Công ty không có kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.

Không những thế, việc bán điện cho người dân theo hình thức nhiều hộ dùng chung còn gây bức xúc cho người dân, chính quyền các cấp và Công ty Điện lực Hà Giang đã phải trả lời, giải quyết nhiều đơn thư, khiếu nại về vấn đề trên.

Hà Giang thường xuyên xảy ra thiên tai mưa lũ, gió lốc, sét đánh. Hàng năm có rất nhiều công trình thiệt hại. Tại huyện Đồng Văn, năm 2015 có ba công trình bị sét đánh gây hư hỏng trạm biến áp là: Trạm biến áp Mỏ Phài, xã Sủng Là; Trạm biến áp Há Tía và Há Chơ, xã Sủng Trái. Cả ba công trình này đều chưa được bàn giao cho ngành Điện quản lý, do đó khi có sự cố xảy ra chủ đầu tư phía huyện Đồng Văn phải chịu chi phí sửa chữa.

Ông Trần Đức Chung, Phó Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn cho biết, để khắc phục, sửa chữa các trạm biến áp bị thiệt hại do thiên tai, huyện phải bỏ kinh phí để tu sửa, số tiền cũng lên đến cả tỷ đồng. Đồng Văn là huyện vùng cao nhiều khó khăn nên để có nguồn kinh phí phục vụ công tác khắc phục sự cố điện như thế là khó khăn. Năm nay, dù mới vào mùa mưa bão nhưng trên địa bàn huyện cũng đã có một trạm biến áp Sà Lủng A, xã Phố Cáo bị sét đánh.

Đợi hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương

Tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao các công trình điện đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cho ngành Điện quản lý tại tỉnh ta được biết, cuối năm 2015, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, Sở Tài chính tỉnh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đầu điểm và giá trị tài sản công trình lưới điện hạ áp nông thôn hoàn thành, quyết toán trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên, việc phê duyệt danh mục đầu điểm và giá trị tài sản công trình lưới điện hạ áp nông thôn hoàn thành quyết toán để giao tài sản cho Công ty Điện lực Hà Giang quản lý, vận hành lại vướng bởi cuối năm 2015, Bộ Tài chính có Công văn số 15301 gửi các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố nêu rõ: Việc bàn giao này là điều chuyển tài sản của Nhà nước sang cho doanh nghiệp, không thuộc đối tượng áp dụng của các Thông tư nêu trên (Thông tư 32) mà phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Cụ thể, theo Nghị định 52/2009/NĐ – CP, ngày 3/6/2009 thì việc điều chuyển tài sản Nhà nước chỉ được thực hiện giữa các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo Nghị định trên, các tỉnh, thành phố trong cả nước có nhu cầu bàn giao tài sản lưới điện hạ áp nông thôn từ nguồn ngân sách cho ngành Điện quản lý, vận hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc điều chuyển, phương thức điều chuyển tài sản (lưới điện trung hạ áp trạm biến áp); sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mới có cơ sở hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, việc bàn giao vẫn đang dừng vì chưa có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Riêng đối với các công trình điện nông thôn nằm trong Dự án cấp điện cho các xã, thôn bản vùng biên giới chưa có điện của tỉnh thì việc bàn giao tài sản cho ngành Điện quản lý được ghi rõ tại Điểm d, Khoản 6, Điều 1 của Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với các dự án đầu tư cấp điện từ lưới điện Quốc gia, giao Tập đoàn Điện lực tiếp nhận vốn, tài sản sau đầu tư, quản lý vận hành và bán điện đến các hộ theo các quy định hiện hành”. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương cho biết thì hiện nay các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức hoàn trả vốn (Theo hình thức ghi tăng tài sản bên nhận và ghi giảm tài sản bên giao hay hình thức ngành Điện phải trả lại vốn đầu tư cho ngân sách).

Đồng chí Hà Việt Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở đang kiểm tra, rà soát các công trình lưới điện hạ áp nông thôn để báo cáo với UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất chỉ đạo giải uyết khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao lưới điện nông thôn cho điện lực quản lý Hà Giang là một tỉnh biên giới khó khăn, địa bàn dân cư thưa thớt, việc thu hút vốn đầu tư để đầu tư lưới điện phục vụ nhân dân là hết sức khó khăn. Việc kinh doanh mua, bán điện ở các khu vực miền núi, vùng sâu, xa đều là hoạt động công ích, do đó rất cần các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể về phương thức bàn giao và cách thức hoàn trả vốn dói với những công trình điện nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách cho ngành Điện nhằm tạo thuận lợi, giảm khó khăn cho công tác quản lý, vận hành lưới điện và hơn thế nữa là để người dân vùng cao được sử dụng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước.

NHẬT LINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

30/06/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Về Vĩnh Phúc trong niềm vui mùa lạc

BHG - Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đến chú trọng đầu tư thâm canh cao,... của cấp ủy, chính quyền sở tại đã tạo điểm nhấn ấn tượng cho "bức tranh" tăng thu nhập, khi những cánh đồng Lạc L14 của xã Nông thôn mới – Vĩnh Phúc (Bắc Quang) bước vào vụ thu hoạch.

13/07/2016
Toàn tỉnh gieo cấy trên 60% diện tích lúa vụ Mùa

BHG - Thời điểm này, nhiều cánh đồng đã được phủ màu xanh của lúa, ngô, đậu tương... Với phương châm "Gặt lúa Xuân đến đâu làm đất Mùa đến đó", người dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực xuống đồng, tiếng máy cày rền vang khắp đồng ruộng, mục tiêu là hoàn thành gieo cấy vụ Mùa đúng theo khung thời vụ.

13/07/2016