Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

07:33, 30/06/2016

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

Chiếc cần cẩu thép vươn dài mang theo những ròng rọc chở nguyên vật liệu xây dựng, ngày, đêm vẫn di chuyển ngay trên đầu người đi đường.
Chiếc cần cẩu thép vươn dài mang theo những ròng rọc chở nguyên vật liệu xây dựng, ngày, đêm vẫn di chuyển ngay trên đầu người đi đường.

Máy móc, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, chiếc cần cẩu thép vươn dài mang theo những ròng rọc chở nguyên vật liệu xây dựng với khối lượng lên đến hàng tấn; ngày, đêm vẫn di chuyển ngay trên đầu người đi đường, chẳng khác nào lưỡi hái tử thần lấy đi sinh mạng người bất cứ lúc nào. Trước vụ việc tai nạn xảy ra vào hồi 15 giờ ngày 10.4.2016, khi đang lưu thông qua đoạn đường trên, bất ngờ ống thép rơi trúng đầu hai mẹ con đang đi xe máy làm một người tử vong và một người bị thương nặng. Nạn nhân là bà Lục Thị Hiền, 49 tuổi, bị tử vong và chị Nông Thị Hạnh, 23 tuổi, bị thương nặng, cùng trú tại xóm Bản Bó, xã Thái Học, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Hai mẹ con bà Hiền, chị Hạnh từ nhà trên đường đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê để thăm người thân. Bà Hiền điều khiển xe gắn máy, ngồi sau là chị Hạnh đến đoạn đường thuộc khu vực công trường Thủy điện Bắc Mê do Tổng Công ty Sông Đà 5 đang thi công thì bị nhiều ống thép đã cắt dài khoảng 1,2 m từ thùng đựng có kéo dây ròng rọc rơi trúng đầu làm 2 người bị thương nặng. Sau đó, cả hai mẹ con được đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu, nhưng do bị thương nặng, mất nhiều máu nên bà Hiền đã tử vong, còn chị Hạnh cũng đang trong tình trạng nguy kịch. Sự việc thương tâm trên, khiến người dân trên địa bàn xã Phú Nam nói riêng và huyện Bắc Mê nói chung buộc phải đặt câu hỏi về tính an toàn của Nhà máy Thủy điện Bắc Mê.

Theo ông Đoàn Văn Hợp, thôn Bản Tính, xã Phú Nam cho biết: Mỗi lần tôi đi từ nhà ra thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) khi phải đi qua công trình xây dựng này, tôi lo đến mất ăn mất ngủ bởi tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do công trường thi công không có các biện pháp phòng, chống tai nạn; máy móc để rất bừa bộn, có mấy vụ vật liệu từ trên đồi lăn rất nguy hiểm... Còn anh Nguyễn Văn Tới, cán bộ Địa chính giao thông xây dựng xã Phú Nam chia sẻ: Ngày trước, khi Nhà máy thủy điện Bắc Mê chưa xây dựng tôi đi làm thường sáng đi tối về. Từ ngày bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy đến nay, tôi không dám đi về trong ngày nữa, phải ở tại xã đến cuối tuần mới về, bởi tai nạn luôn rình rập.

Hàng nghìn m3 đất đá đổ thẳng xuống sông Gâm (đoạn trên địa bàn xã Yên Phong) gây ách tắc dòng chảy.
Hàng nghìn m3 đất đá đổ thẳng xuống sông Gâm (đoạn trên địa bàn xã Yên Phong) gây ách tắc dòng chảy.

Không chỉ công trường xây dựng thi công mất an toàn khiến người dân lo sợ mỗi khi tham gia giao thông, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn ngang nhiên đổ vật liệu xuống dòng sông Gâm gây ách tắc dòng chảy khiến dư luận hết sức bất bình. Tìm hiểu vấn đề này, ông Bùi Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Mê cho biết: Trong quy định của Nhà nước đối với dự án này có tính đến khu tập kết đất thừa, Phòng đã đi kiểm tra xác định các vị trí do đơn vị thi công cam kết; hiện nay, Phòng đã xác định có 3 khu vực trong đó 1 khu vực do quá trình đất dốc, trước khi đổ đơn vị đã cam kết gia cố trước khi đổ. Việc đơn vị thi công không gia cố nên hiện nay trời mưa đất đá tụt xuống chiếm 1/2 diện tích dòng sông. Phòng đã có các văn bản yêu cầu dừng không cho đổ đất đá thải, làm đê bao để đẩy lùi đất đá vào, đảm bảo cho lưu vực dòng chảy trong mùa mưa bão. Nhưng cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có các biện pháp xử lý để trả lại hiện trạng ban đầu cho lưu vực dòng sông Gâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hà Giang, ông Trần Văn Việt, Trưởng ban quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Bắc Mê nói: “Chúng tôi đã thiết kế các biện pháp khắc phục, hiện nay đang là mùa mưa, mực nước trên dòng sông rất lớn nên việc khắc phục vật liệu thải, khơi thông dòng chảy là rất khó, chắc cũng phải đến mùa khô thì mới xử lý được, chứ bây giờ xuống thi công sẽ trôi ngay”. Câu trả lời của đơn vị thi công cho vấn đề này là phải đợi đến mùa khô khối lượng đất đá lên đến hàng nghìn m3 mới được xử lý. Vậy, khối lượng đất đá này sẽ trôi về đâu (?) phải chăng người nông dân sống dưới vùng hạ lưu phải ngánh chịu hậu quả trong mùa mưa tới (?)

Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ và kịp thời giải tỏa những bức xúc của nhân dân. Có như vậy mới hạn chế được những thiệt hại do đất, đá trôi xuống vùi lấp hoa màu và tình trạng mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông qua công trường đang xây dựng, giúp người dân yên tâm sản xuất, bớt cảm giác lo sợ “tai bay vạ gió” từ trên trời rơi xuống mỗi khi đi qua công trường.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Lãng phí một công trình tiền tỷ

BHG- Được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, đến tháng 9.2014; Công trình Cải tạo, nâng cấp cụm thủy lợi các thôn: Tân Điền, Mâng, Nặm Mái, xã Kim Ngọc; Quyết Thắng, Thượng, Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang) được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhưng kể từ đó đến nay, hạng mục thủy lợi Nặm Mái (xã Kim Ngọc) thuộc công trình tiền tỷ này vẫn "nằm im", gây bất bình dư luận.

29/06/2016
Kim ngạch XNK hàng hóa 6 tháng đầu năm vượt 200% KH

BHG- Nhờ thực hiện tốt các hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa, dịch vụ, thương mại biên giới, hội nhập kinh tế quốc tế, sự vào cuộc của các ngành chức năng và đặc biệt Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh đến hoạt động XNK, nên lượng hàng hóa XNK trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá. 

29/06/2016
Xã Vĩnh Hảo hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới

BHG- Trở lại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) vào một ngày tháng 6, chúng tôi rất ấn tượng với diện mạo mới của xã. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát, những vườn cam sai quả, nương chè xanh mướt mắt,... cuộc sống của người dân Vĩnh Hảo đang từng ngày đổi thay. 

29/06/2016