Hội nhập ASEAN: Nhìn từ chính sách phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh

07:03, 12/07/2016

BHG- Những năm qua, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu (KTBM) của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH ở địa phương, đồng thời là dấu gạch nối mở ra cơ hội để Hà Giang hội nhập với kinh tế thế giới thông qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN.

Gỗ bóc, một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.
Gỗ bóc, một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Là tỉnh cực Bắc của Tổ quốc có trên 277 km chiều dài đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để Hà Giang mở rộng giao lưu, phát triển KTBM. Trong 6 tháng đầu năm, Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy luôn nhộn nhịp các hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK), các cửa khẩu phụ, lối mở, chợ vùng biên đều ghi nhận nhiều hoạt động thương mại hiệu quả nên lượng hàng hóa XNK trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 600 triệu USD, tăng 4,73 lần so với cùng kỳ, vượt 200% so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 17,014 triệu USD, tăng 19,95 so với cùng kỳ và đạt trên 50% KH. Mục tiêu đến hết năm 2016, tổng kim ngạch XNK trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 1.000 triệu USD, vượt 300% so với kế hoạch. Kết quả này trước hết là do tác động hiệu quả từ cơ chế, chính sách phát triển KTBM của tỉnh thời gian qua.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển KT - XH thời kỳ hội nhập và phát triển, ngày 6.8.2012, BCH Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU về phát triển KTBM giai đoạn 2012 - 2015. Ngày 23.2.2013, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 42/CTr-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 10 của BCH Tỉnh ủy với các nội dung về: Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ban hành cơ chế chính sách... Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển KTBM trên địa bàn tỉnh Hà Giang với nhiều chính sách ưu đãi đặt biệt, khuyến khích hoạt động thương mại phát triển.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, KTBM của Hà Giang đã thực sự khởi sắc từ việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông tại các cửa khẩu, lối mở đến việc xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ biên giới: Tiến hành công nhận cặp Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo; xây dựng hạ tầng Cửa khẩu Thanh Thủy, Xín Mần; các lối mở và chợ biên giới Lao Chải (Vị Xuyên), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Bạch Đích (Yên Minh), Thàng Tín (Hoàng Su Phì),  Sơn Vĩ (Mèo Vạc), Phó Bảng (Đồng Văn); hệ thống đường giao thông nối từ trung tâm các huyện đến các cửa khẩu, lối mở đều được nâng cấp, cải tạo. Đặc biệt triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư tại các khu vực vùng biên giới với 609 hộ dân, tổng kinh phí triển khai thực hiện là 20.942 triệu đồng. Hoàn thiện công tác đàm phán, đề nghị chính phủ hai bên công nhận việc nâng cấp cặp Cửa khẩu Xín Mần - Đô Long. Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại gắn với đưa hàng Việt về biên giới; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ kinh doanh cho các thương nhân kinh doanh tại cửa khẩu; tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại dịch vụ tại khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa quy trình quản lý hoạt động XNK hàng hóa tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu; sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư...

Ông Mai Văn Sướng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trong giai đoạn phát triển kinh tế hội nhập như hiện nay, chính sách phát triển KTBM đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế thương mại của tỉnh, tổng kim ngạch XNK tăng mạnh qua từng năm; trong cả giai đoạn 2012 - 2015 đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ thu thuế hoạt động XNK đạt trên 1.112  tỷ đồng; tạo điều kiện khai thác tối đa lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân gắn với giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới”.

Trong giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định, chính sách khuyến khích phát triển KTBM của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN  và Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nhất là khi Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc được thực thi năm 2010 và Việt Nam tham gia vào năm 2015.

Tuy nhiên, để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt, đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn;  đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Trung Quốc và các nước ASEAN; kịp thời nắm bắt những thay đổi về chính sách thương mại, thuế quan của hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN, WTO... cũng như những biến động về nhu cầu thị trường nhằm hỗ trợ kịp thời thông tin cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK và có cơ chế, chính sách điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH địa phương.

AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

30/06/2016
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ" ở Bắc Mê

BHG- Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XD NTM), huyện Bắc Mê đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

29/06/2016
Phương Thiện giữ vững thành tích đạt chuẩn

BHG- Tới xã Phương Thiện, là xã đầu tiên của thành phố Hà Giang đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), nhìn những trục đường liên thôn, nội đồng bê - tông hóa sạch sẽ, kênh mương được tu sửa; trong từng thôn, xóm được giữ gìn vệ sinh, các hộ đều có 3 công trình vệ sinh, nhà cửa sạch, đẹp là khung cảnh đầy tươi sáng. 

29/06/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016