Xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành Hà Giang

09:25, 02/06/2016

BHG - Dự án “Xây dựng CDĐL “Hà Giang” dùng cho sản phẩm Cam sành của tỉnh Hà Giang” được thực hiện từ tháng 10.2014 đến tháng 12.2015, do Sở KH&CN Hà Giang làm Chủ nhiệm Dự án và Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn là đơn vị chủ trì. Thực hiện Dự án, hai đơn vị trên đã phối hợp với UBND các huyện vùng trọng điểm cam của tỉnh là: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên cùng Hội Làm vườn tỉnh và người sản xuất, kinh doanh Cam sành Hà Giang áp dụng phương án triển khai linh hoạt, kết hợp điều tra, khảo sát, tổng hợp kinh nghiệm sản xuất lâu năm của người dân vùng trồng cam. Qua đó, nhằm đánh giá đúng hiện trạng vùng trồng cam sành và phát huy thế mạnh CDĐL “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành địa phương.

Sản phẩm cam sành Hà Giang đang được Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xây dựng Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) sản xuất cam theo quy trình VietGap, niên vụ 2015.
Sản phẩm cam sành Hà Giang đang được Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện xây dựng Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Người dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) sản xuất cam theo quy trình VietGap, niên vụ 2015.

Đến tháng 8.2015, Dự án hoàn thành các nội dung chính như: Điều tra, thu thập tài liệu, tiến hành khảo sát tình hình sản xuất của 200 hộ trồng cam vùng trọng điểm. Thu thập 50 mẫu cam sành tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và 45 mẫu cam đối chứng tại 2 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái để tiến hành phân tích về hàm lượng đường tổng số, hàm lượng nước, lượng axit tổng số, độ brix, vitamin C, các chỉ tiêu về hình thái. Đồng thời, điều tra, thu thập các mẫu diện tích đất phục vụ chỉnh lý xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1:50.000 trên diện tích khoảng 3.000 ha đất trồng cam. Tiếp đến, tiến hành phân tích mẫu đất trồng cam, thổ nhưỡng, mẫu nông hóa và xác định vùng CDĐL Hà Giang cho sản phẩm cam sành của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng các điều kiện, công cụ phục vụ cho công tác quản lý và phát triển CDĐL Hà Giang như: Thiết kế biểu tượng, tem nhãn. Tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, CDĐL cho trên 150 lượt người là cán bộ, người dân sản xuất, kinh doanh cam. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành của tỉnh, gồm: Xây dựng bản thuyết minh tính đặc thù của sản phẩm; tổ chức hội thảo khoa học và tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) – Bộ KH&CN Việt Nam.

Tuy nhiên đến giai đoạn cuối, Dự án được Cục SHTT gia hạn 6 tháng (kể từ tháng 1-6.2016). Bởi trước đó, năm 2006, Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa cho Hội Làm vườn tỉnh để làm chủ sở hữu Nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cam sành Hà Giang”. Nhãn hiệu đó được Cục SHTT gia hạn đến hết ngày 11.10.2024. Trước thực tế trên, Sở KH&CN tỉnh  đã phối hợp với Hội Làm vườn tiến hành các thủ tục pháp lý hủy bỏ văn bằng bảo hộ NHTT “Cam sành Hà Giang”, nhằm hoàn thiện hồ sơ để được Cục SHTT cấp Bằng chứng nhận CDĐL “Hà Giang” cho sản phẩm cam sành của tỉnh. Theo Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành (Sở KH&CN tỉnh) – Hà Thị Hằng Nga thì: Việc xây dựng CDĐL chiếm ưu thế hơn so với việc dùng NHTT “Cam sành Hà Giang”. Bởi NHTT chỉ được sử dụng cho các thành viên thuộc Hội Làm vườn tỉnh, nhằm mục đích phân biệt với sản phẩm cam sành không phải thành viên của Hội. Sau 10 năm, NHTT buộc phải làm thủ tục gia hạn và có thể chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác. Trong khi đó, nếu là CDĐL thì đối tượng sử dụng được mở rộng (gồm những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm cam sành nằm trong vùng CDĐL). Mặt khác, CDĐL thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, không chuyển nhượng và bắt buộc phải chứa tên địa danh nơi sản phẩm mang chỉ dẫn được sản xuất. Đặc biệt, CDĐL được bảo hộ, không xác định thời hạn ngay từ đầu và được sử dụng đến khi không còn đáp ứng các điều kiện bảo hộ.

Theo đánh giá của đơn vị chủ trì Dự án: Việc xây dựng thành công CDĐL “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam sành của tỉnh sẽ góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường so với nông sản cùng loại. Bởi sản phẩm mang CDĐL “Cam sành Hà Giang” khi đưa ra thị trường phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, bao bì, tem nhãn,... theo quy trình nghiêm ngặt. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hạn chế hiện tượng hàng giả, hàng nhái sản phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, tìm mua sản phẩm với số lượng nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành các quy trình trồng, sản xuất, kinh doanh đã tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa quy trình sản xuất của người dân, làm gia tăng giá trị sản phẩm. Song song với hiệu quả trên, CDĐL “Cam sành Hà Giang” được bảo hộ và sử dụng sẽ mang lại sự ổn định về xã hội, vững chắc về kinh tế cho địa phương. Tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội, hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Tiến đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý, phát triển CDĐL “Hà Giang”...      

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao giá trị kinh tế của cây chè ở Vị Xuyên

BHG- Là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh, hiện nay huyện Vị Xuyên đang tập trung cải tạo, trồng mới, thâm canh cây chè, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng chè.

31/05/2016
Bắc Quang triển khai mô hình trồng dứa

BHG- Nhằm chuyển đổi diện tích đất đồi, vườn tạp sang sản xuất hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân; từ tháng 3.2016, huyện Bắc Quang đã đưa Đề án trồng cây dứa vào thực hiện tại 4 xã: Quang Minh, Đồng Yên, Việt Vinh, Liên Hiệp với diện tích trên 158 ha với 327 hộ dân thực hiện.

31/05/2016
Xã Hữu Vinh phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp

BHG- Đó là mục đích Phương án số 02 của UBND huyện Yên Minh ban hành ngày 13.1.2016, nhằm xây dựng xã Hữu Vinh trở thành xã điển hình của huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, gắn với xây dựng NTM đến năm 2020. Đây được cho là cơ hội và động lực để xã thuộc diện đặc biệt khó khăn này nâng cao đời sống người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

31/05/2016
Giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp

BHG- Chiều 31.5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp. 

31/05/2016