Đảm bảo bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán

07:39, 07/01/2016

BHG- Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần, thời điểm cận Tết là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động nhất trong năm; đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc, Sở Công thương đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các đơn vị kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nhiều phương án cũng như chuẩn bị tốt nguồn hàng để cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu thị trường vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Thị trường hàng hóa những ngày cuối năm sức mua không lớn.
Thị trường hàng hóa những ngày cuối năm sức mua không lớn.

Theo dự báo, nguồn cung hàng hóa vào dịp cuối năm rất dồi dào nên khó xảy ra tình trạng khan hiếm. Vấn đề lo ngại là sức tiêu thụ của thị trường và giá cả hàng hóa. Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,11% so với tháng 11, (tăng 0,11% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, các nhóm hàng như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thiết bị đồ dùng gia đình chỉ tăng 0,01%. Theo đánh giá của Sở Công thương, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2015 giảm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Các yếu tố làm cho CPI tháng 12 giảm là do nguồn cung các mặt hàng thực phẩm dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân chưa tăng cao; đồng thời việc điều chỉnh giá xăng, dầu giảm 2 đợt trong năm 2015 đã tác động làm cho giá một số mặt hàng giảm. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng hạ nhiệt đồng nghĩa với giá cả nhiều mặt hàng ổn định, giúp cho người dân yên tâm hơn trong việc mua sắm hàng Tết. Dự báo, sức mua của thị trường vào dịp Tết sẽ tăng khoảng 20 - 30% và giá cả hàng hóa không có nhiều biến động.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Sở Công thương đã yêu cầu các đơn vị theo dõi, dự báo sớm nguồn cung cầu hàng hóa, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng sau Tết; các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu như: Xăng, dầu, gạo... có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, Sở Công thương cũng chú trọng đến việc đưa các mặt hàng thiết yếu đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với giá cả ổn định; chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ Việt, bày bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết cho nhân dân để mọi nhà, mọi người đều được đón Tết trong không khí vui vẻ, đầm ấm và tiết kiệm. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại...

Mặc dù xác định thời điểm này không còn sớm để chuẩn bị, bày bán hàng Tết, nhưng tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ... trên địa bàn vẫn chưa có không khí nhộn nhịp mua bán mùa lễ, Tết. Tại Chợ trung tâm thành phố cũng như chợ các huyện khi được hỏi về việc chuẩn bị hàng hóa bán Tết, đa số tiểu thương đều cho biết, sức mua của người dân không lớn, hàng hóa bán ra chậm nên hầu như là vừa bán vừa thăm dò thị trường; chưa dám chuẩn bị hàng Tết nhiều. Chị Đỗ Thị Lâm, chủ cửa hàng đại lý lớn gần chợ trung tâm thành phố cho biết: “Thị trường hàng hóa năm nay trầm lắng hẳn so với cùng thời điểm mọi năm nên chưa có nhiều đại lý, cửa hàng tạp hóa nhập hàng bán Tết. Hiện, đại lý nhà tôi cũng mới nhập một ít bánh kẹo và đồ uống phục vụ Tết Nguyên đán nhưng sức mua cũng chưa đáng kể”. Theo khảo sát của phóng viên, khu vực bán bánh kẹo và thực phẩm ở chợ trung tâm các huyện cũng khá vắng vẻ, tiểu thương vừa bán vừa khấp khởi mong sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Với hệ thống bán lẻ ngày càng phong phú, đa dạng từ thành thị đến nông thôn; các mặt hàng thiết yếu như: Bánh kẹo, rượu bia, gạo, thực phẩm tươi sống... cũng được đánh giá là phong phú và dồi dào so với mọi năm nên khó xảy ra tình trạng khan hiếm hàng vào dịp cao điểm. Cùng với đó, sức mua của người dân chưa cao trong khi nguồn cung dồi dào thì giá cả sẽ ổn định, không có sự chênh lệch lớn. Với tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa như hiện nay, nguồn cung hàng hóa sẽ rất dồi dào vào mùa Tết. Người dân khắp các vùng miền trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể yên tâm đón Xuân mới trong không khí đầm ấm và tiết kiệm.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

P.S ảnh: Xuân về mát lành vùng chè Hà Giang

BHG - Là vùng chè nổi tiếng với sản phẩm chè Hà Giang được cả nước biết tới. Những năm qua, để phát huy lợi thế của một vùng chè truyền thống, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển cây chè, trong đó chú trọng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP. Việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè mà còn góp phần xây dựng thương hiệu chè Hà Giang vươn xa ra thị trường thế giới. 

31/12/2015
Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính -NSNN năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016

BHG- Ngày 30.12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN  năm 2016. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tài chính của tỉnh.

31/12/2015
Hội nghị tổng kết công tác Quản lý thị trường năm 2015

BHG- Ngày 30.12, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016.

31/12/2015
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho CBCC Thuế

BHG- Để các chính sách quản lý của Nhà nước, đặc biệt là chính sách quản lý thuế được thực thi đồng bộ, ngoài các yếu tố tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng thì đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) thuế là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế. Do vậy, bồi dưỡng nâng cao nhận thức nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ CBCC thuế là hết sức thiết thực, để đáp ứng được yêu cầu quản lý, góp phần cùng ngành Thuế cả nước hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao.

30/12/2015