Quang Bình cải tạo đàn gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo
BHG - Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, chủ động cải tạo giống, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò, huyện Quang Bình đẩy mạnh cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Từ đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi, nâng cao thu nhập, hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Qua thụ tinh nhân tạo, đàn bò của gia đình anh Lê Thành Nam, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang có tầm vóc to lớn. |
Những năm qua, chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của huyện trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển đàn trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân chính là do người dân chăn nuôi trâu, bò mang tính truyền thống, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Để khắc phục những khó khăn trong chăn nuôi, huyện Quang Bình tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến toàn thể người dân biết, nắm được ý nghĩa và lợi ích của phương pháp TTNT, để người dân tự nguyện đăng ký tham gia và thiết lập thông tin 2 chiều giữa người dân với dẫn tinh viên cơ sở; đào tạo tập huấn kỹ thuật nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ dẫn tinh viên; hướng dẫn nhân dân bình tuyển trâu cái sinh sản đạt tiêu chuẩn làm giống; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phát hiện thời điểm trâu, bò động dục… Bằng việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương, từ năm 2018 đến nay huyện Quang Bình TTNT thành công gần 300 con trâu, bò.
Anh Lê Thành Nam, thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang tâm sự: Tôi là một trong những hộ nuôi bò lâu năm nhưng chủ yếu là chăn thả và phối giống tự nhiên nên đàn bò có tầm vóc nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2018, huyện triển khai thực hiện công tác TTNT trên đàn trâu, bò và được cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tư vấn về hiệu quả từ phương pháp TTNT và thực hiện phối giống thành công trên bò cái gia đình, sinh ra những con bê con khỏe mạnh, có tầm vóc to hơn ngày xưa, thật sự tôi rất mừng. Nhận thấy hiệu quả từ phương pháp TTNT, tôi mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém năng suất sang trồng cỏ để tiếp tục nuôi bò theo hướng sinh sản; tôi thường xuyên duy trì từ 8 đến 10 con bò cái trong chuồng. Bình quân mỗi năm tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi bò.
Đồng chí Lộc Ngọc Thiêu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quang Bình, cho biết: Để tiếp tục nâng tầm vóc đàn trâu, bò bằng phương pháp TTNT, Trạm phối hợp cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế từ phương pháp TTNT cho người dân; củng cố, nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông viên và dẫn tinh viên cơ sở; tập huấn cách nhận biết, phát hiện thời kỳ trâu, bò động dục; trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác TTNT. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh, nắm bắt một số kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản, thời gian bổ sung thức ăn là tinh bột giúp đàn trâu, bò sinh trưởng và phát triển tốt.
Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN
Ý kiến bạn đọc