Đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt

23:32, 28/09/2022

BHG - Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn của ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng. Thực hiện Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang, thời gian qua, toàn bộ hệ thống Agribank Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt để chuyển sang những phương án thanh toán đa dạng, an toàn và tiện lợi hơn. Một trong số đó là phương án thanh toán qua thẻ với máy POS.

Khách du lịch thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ thông qua máy POS tại homestay của chị Phí Thị Hồng.
Khách du lịch thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ thông qua máy POS tại homestay của chị Phí Thị Hồng.

POS (viết tắt của Point of Sale) là loại máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn, dịch vụ. Loại máy này thường được thiết kế nhỏ gọn, có kích cỡ vừa đủ cầm trong lòng bàn tay để dễ dàng lắp đặt tại quầy thanh toán của các cửa hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… Máy POS là dụng cụ quan trọng giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và hiệu quả. Tính từ đầu năm đến tháng 8.2022, Agribank Hà Giang đã lắp đặt 9 máy POS cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh, đem lại doanh thu hơn 13 tỷ đồng. Lũy kế từ khi bắt đầu triển khai phương án thanh toán qua POS, toàn tỉnh có 66 máy được lắp đặt, nhiều nhất tại TP. Hà Giang với 33 máy. Đối tượng khách hàng sử dụng POS chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, tạp hóa… Đây đều là những nơi có lượng khách hàng giao dịch nhiều, thường xuyên và có giá trị mua sắm lớn, đặc biệt hay có khách du lịch, rất thuận tiện cho việc thanh toán qua thẻ, đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro khi sử dụng tiền mặt.

Chị Phí Thị Hồng, chủ homestay Hồng Hào, tổ 17, phường Minh Khai, TP. Hà Giang là một trong những khách hàng mới lắp đặt máy POS của Agribank. Chị cho biết, sau khi lắp đặt máy POS, khách hàng thuận tiện hơn trong thanh toán, không cần phải rút và cầm theo quá nhiều tiền mặt. Bên cạnh đó, chị cũng bớt nỗi lo về tiền giả, tiền rách, tiền không đủ giá trị lưu hành, đồng thời tiết kiệm được thời gian giao dịch, không phải kiểm đếm tiền mặt. “Thực ra tôi đã mong muốn được lắp đặt máy POS từ lâu, bởi homestay của tôi chủ yếu tiếp xúc với khách nước ngoài, là những người ít khi dùng tiền mặt. Khi chưa có máy POS, họ phải đi rút tiền ở cây ATM cách đây khá xa và mất thời gian. Từ khi có máy này, khách chỉ cần quẹt thẻ là được thanh toán một cách nhanh chóng, vô cùng tiện lợi”, chị Hồng chia sẻ.

Thông tin về chính sách lắp đặt máy POS tại tỉnh Hà Giang, ông Chu Mạnh Hải, Trưởng phòng Dịch vụ & Marketing Agribank Hà Giang, cho biết: “Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025, Agribank Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi đặc quyền cho các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ POS như miễn phí lắp đặt, miễn phí hóa đơn thanh toán thẻ, miễn phí đào tạo nhân viên, hỗ trợ các công cụ quảng cáo, hợp tác với Agribank thực hiện các chương trình ưu đãi và được Agribank hỗ trợ quảng bá thương hiệu, từ đó hiện đại hóa hình ảnh doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Với thủ tục tối giản, quy trình thanh toán nhanh chóng, hạn chế hoàn toàn nhược điểm của các phương thức thanh toán tiền mặt, Agribank Hà Giang mong muốn khuyến khích người tiêu dùng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch, thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở cả khu vực nông thôn”.

Tỉnh Hà Giang xác định đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 20 lần GRDP của tỉnh, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 3.000 điểm trên toàn tỉnh. Với những nỗ lực của Agribank Hà Giang, đặc biệt là việc lắp đặt máy POS, có thể thấy ngân hàng đang góp phần đáng kể hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh, đồng thời thay đổi hành vi thanh toán nội địa của người dân tại Hà Giang, đưa thanh toán không tiền mặt đi vào đời sống. Đó cũng là một trong những mục tiêu nhằm góp phần thực hiện tốt Kế hoạch số 16-KH/UBND, ngày 12.1.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025.

Bài, ảnh: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về chuyển đổi số
BHG - Ngày 31.8, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tổ chức họp cho ý kiến dự thảo thể lệ cuộc thi, kế hoạch tổ chức và thông qua quyết định thành lập các bộ phận tham mưu, giúp việc.
31/08/2022
Hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến thành công
Tối 28-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật thông tin về tình hình thanh toán lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Theo đó, tính đến 16h ngày 28-8, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời, không có tình trạng nghẽn hay quá tải. 
29/08/2022
Thành phố Hà Giang lắp đặt máy bán hàng tự động phục vụ người dân và khách du lịch
BHG - Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch đến với Hà Giang, vừa qua thành phố Hà Giang đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 1 máy bán hàng tự động tại cột mốc Km0 với số tiền trên 70 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí xã hội hóa do thành phố Hà Giang vận động, kêu gọi được.
28/09/2022
Bắc Mê gỡ “điểm nghẽn”  trong chuyển đổi số
BHG - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số và Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, được xem là phương thức hữu hiệu nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), điều hành của nhiều địa phương. Tuy nhiên tại Bắc Mê, khi triển khai đã gặp khó khăn và bất cập. Nhằm tháo gỡ, huyện đưa ra nhiều giải pháp để chuyển đổi số trở nên thiết thực, hiệu quả và phù hợp với địa phương.
27/08/2022