Hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền điện tử

08:24, 13/07/2016

BHG - Tỉnh ta được Chính phủ đánh giá một trong những địa phương đi đầu, hoàn thành kết nối phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc giai đoạn I trên trục liên thông và phản hồi trạng thái văn bản với Văn phòng Chính phủ. Đồng thời là một trong những tỉnh đi đầu công khai tình hình xử lý văn bản điện tử, hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Chính phủ... Kết quả này cho thấy, mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đang dần hiện hữu.

Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XVII vừa được tổ chức với nhiều điểm mới; đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng kỳ họp. Đây là lần đầu tiên các đại biểu dự họp không sử dụng văn bản giấy, họ được trang bị máy tính kết nối Internet, toàn bộ tài liệu đều được thực hiện dưới dạng số hóa. Chính vì vậy, các đại biểu có thời gian nghiên cứu trước, tăng thời gian cho việc góp ý kiến, phản biện nhằm nâng cao chất lượng các quyết sách HĐND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, việc gửi văn bản số qua hệ thống mạng Internet đã tiết kiệm rất lớn chi phí in ấn tài liệu, đại biểu đến họp chỉ cần xách theo chiếc máy tính nhỏ gọn sẽ theo dõi, nắm bắt được toàn bộ nội dung, đồng thời khai thác được thông tin bổ trợ thông qua hệ thống mạng đường truyền tốc độ cao.

Phóng viên Báo Hà Giang Điện tử tác nghiệp trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
Phóng viên Báo Hà Giang Điện tử tác nghiệp trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: ĐỨC DŨNG

Sự phát triển của CNTT đã phục vụ đắc lực trong xử lý công việc của cán bộ, công chức. Trên bàn làm việc của cán bộ lãnh đạo ngày trước luôn nhiều giấy tờ,  nay chỉ cần một chiếc máy vi tính nhỏ gọn, toàn bộ thông tin chỉ đạo, điều hành, văn bản đi, đến đều được cập nhật đầy đủ. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: Hiện tại, Sở đã xóa sổ hoàn toàn văn bản giấy, tất cả thông tin trao đổi nội bộ giữa các phòng, ban, văn bản đi, đến đều được gửi dưới dạng số hóa. Thực hiện văn bản điện tử, đã tiết kiệm rất lớn chi phí văn phòng phẩm, bên cạnh đó việc ứng dụng chữ ký số đã góp phần rất lớn trong cải cách hành chính (CCHC), tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. 

Ông Tuệ cũng cho biết thêm, tình hình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục có bước phát triển, góp phần hiệu quả CCHC, hướng tới chính quyền điện tử. Các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành ứng dụng CNTT cơ bản hoàn thiện, được ban hành bổ sung, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu. Ứng dụng CNTT dùng chung như: Một cửa điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử thành phần, quản lý văn bản và điều hành công việc Vnptioffice... được triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh, tạo cơ sở nền tảng chính quyền điện tử.

Qua theo dõi cho thấy, từ một địa phương nằm nhóm cuối bảng về ứng dụng CNTT, chỉ sau thời gian ngắn, tỉnh ta đã vươn lên tốp đầu với hệ thống cáp quang phủ cơ bản đến tận xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 1.085 trạm thu phát sóng (BTS), trong đó có 601 trạm 2G, 484 trạm 3G, tăng 166 trạm so với năm 2015; tỷ lệ xã, phường thị trấn có sóng 3G tại khu vực trung tâm đạt trên 85%, sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%. Đến nay, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ (LAN), đầu tư thiết bị định tuyến, máy chủ và các phần mềm, phần cứng an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh ta đã thực hiện quy hoạch và chuyển đổi hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến... hoạt động trên hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đồng thời, triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT chuyên ngành như: Ứng dụng GIS quản lý hạ tầng bưu chính, viễn thông; phần mềm tổng hợp quyết toán ngân sách, kế toán hành chính sự nghiệp; hệ thống thông tin TABMIS; phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông; ứng dụng WebGIS xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường; xây dựng hệ thống báo cáo nhanh phòng, chống lụt bão; đầu tư thiết bị, phát triển phần mềm cảnh báo cháy rừng; thư viện điện tử phục vụ xây dựng Nông thôn mới; triển khai phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến của Công an tỉnh.

Hiện nay, tỉnh ta đã đầu tư 3 hệ thống giao ban trực tuyến: Hệ thống kết nối với T.Ư có 3 điểm cầu gồm Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh; hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh gồm 13 điểm cầu; hệ thống kết nối ngành Thông tin - Truyền thông gồm 12 điểm cầu. Các hệ thống giao ban trực tuyến hoạt động ổn định, phục vụ kịp thời chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần CCHC. Tỉnh đã hoàn thành việc triển khai, đưa vào sử dụng toàn diện, thống nhất phần mềm Quản lý văn bản điều hành điện tử Vnptioffice đến 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn với 1.012 đơn vị, mỗi ngày có hơn 2.200 văn bản điện tử được trao đổi trong hoạt động cơ quan Nhà nước.

Hệ thống một cửa điện tử được triển khai tại 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của tỉnh; hệ thống thư điện tử công vụ thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh, cấp mới hộp thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức, đồng thời cập nhật số điện thoại, hồ sơ danh bạ công chức điện tử trên Cổng thông tin điện tử. Đến nay, đã cấp trên 10.700 hộp thư điện tử, thực hiện nhắn tin thương hiệu trên địa chỉ thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; cấp 1.446 chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền ký trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước (239 chứng thư số của lãnh đạo các sở, ban, ngành, 1.184 chứng thư số của lãnh đạo các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn)...

Từ kết quả đạt được, nhằm tiếp tục ứng dụng hiệu quả CNTT trong giải quyết công việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn vừa có chỉ thị tăng cường sử dụng văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ để gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trong nội bộ cơ quan, trao đổi thông tin hoạt động công vụ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước. Chỉ thị cũng nêu rõ: Dự thảo văn bản xin ý kiến phải được đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, không gửi bằng giấy giữa các cơ quan, đơn vị; tăng cường ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng... Đây là một động thái quan trọng hướng tới mục tiêu nhanh chóng hình thành chính quyền điện tử, giải quyết hiệu quả công việc, góp phần đắc lực phát triển KT-XH của tỉnh.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3 (2016-2017)

BHG - Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ 3, năm 2016-2017 nhằm khơi dậy phong trào thi đua lao động sáng tạo thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ ở mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn thể lệ.

31/05/2016
Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng"

BHG- Là tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tình trạng đất đai bị rửa trôi, xói mòn xẩy ra thường xuyên, vì vậy việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh ta là hết sức quan trọng. Những năm qua, triển khai phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" thông qua tin nhắn điện thoại của các thành viên Ban chỉ đạo Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR - PCCCR) từ cấp tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả, giúp BCĐ phát hiện và chỉ đạo công tác PCCCR nhanh chóng, kịp thời, không để đám cháy lan rộng.

31/03/2016
Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" cho sản phẩm cam sành Hà Giang

BHG - Sáng 30.6, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng khoa học tỉnh tổ chức Hội nghị nghiệm thu Dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) "Hà Giang" cho sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang (Dự án T.Ư ủy quyền địa phương quản lý). Dự Hội nghị có lãnh đạo Viện nghiên cứu quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), các thành viên Hội đồng khoa học của tỉnh.

30/06/2016
Nâng sức vóc cho "đầu cơ nghiệp"

BHG- Nâng sức vóc cho "đầu cơ nghiệp", đó là mục tiêu của Đề tài ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn trâu tại huyện Bắc Quang do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi thực hiện. Thời gian triển khai Đề tài ứng dụng là 24 tháng từ năm 2015 – 2017, tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang. 

28/06/2016