Câu hỏi 21: Hồ Chí Minh quan niệm như thế nào về nội dung công tác xây dựng Đảng?

17:14, 26/05/2017

Trả lời:

Nội dung công tác xây dựng Đảng theo Hồ Chí Minh gồm:

-Xây dựng Đảng về tư tưởng: Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận. Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, Đảng phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình lãnh đạo. Đảng phải giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh.

Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin phải phù hợp với từng đối tượng. Việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ.

- Xây dựng Đảng về chính trị: Xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị... Trong các nội dung trên, theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và nhân dân lao động.

- Xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ: Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.

Trong hệ thống tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của ngưòi cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”1.

“Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên”2.

Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”3. Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”4.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh phê bình mạnh mẽ việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ theo hướng cục bộ, địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người viết: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”5. “Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”6. Vì vậy, Người căn dặn: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào...”7.

- Xây dựng Đảng về đạo đức: Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng.Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một ngưòi cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”8.

1, 2, 3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309, 322, 313.

4,5 ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.314, 90-91.

6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

7,8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.321, 292.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo T.Ư biên soạn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn "Hết lòng vì tổ viên, trách nhiệm với công việc"

BHG- Để đến được với bà con thôn Pờ Chờ Lủng, xã Ngam La, huyện Yên Minh đoàn công tác chúng tôi phải mất 1 giờ đi xe từ trung tâm huyện đến trung tâm xã. Từ xã đến thôn dưới sự dẫn đường của Bí thư Đoàn xã Tẩn A Thao chúng tôi phải đổ khá nhiều mồ hôi, sức lực vượt qua được quãng đường dài và hẹp, dốc và đá lởm chởm mới tới được hội trường thôn. 

26/05/2017
Câu hỏi 20: Hồ Chí Minh quan niệm như thế nào về tính tất yếu khách quan của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Trả lời:

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

26/05/2017
Câu 19: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết "phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. 

25/05/2017
Câu 18: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ gồm những nội dung gì?

Trả lời: Những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ bao gồm:

25/05/2017