Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2023)

Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

10:09, 28/04/2023

BHG -  Kỳ 1: Chuyện ở Trường Sa

Vượt 254 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, con tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa, đây là đảo lớn nhất của huyện đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông.

Lá cờ 54 m2 đã treo ở Cột cờ Lũng Cú do Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang tặng Đảo trường Sa (tháng 5.2012) được lưu giữ tại Nhà truyền thống của Đảo. 											Ảnh: Hồ Quang Sinh (Vùng 4 Hải quân).
Lá cờ 54 m2 đã treo ở Cột cờ Lũng Cú do Đoàn công tác của tỉnh Hà Giang tặng Đảo trường Sa (tháng 5.2012) được lưu giữ tại Nhà truyền thống của Đảo. Ảnh: Hồ Quang Sinh (Vùng 4 Hải quân).

Bước chân lên đảo Trường Sa chúng tôi - những người làm báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương thật ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió. Huyện Trường Sa nói chung, đảo Trường Sa nói riêng đã mang diện mạo mới. Giữa trùng khơi, các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khang trang, con đường rợp bóng cây xanh từ cầu cảng dẫn đến Cột mốc chủ quyền, khu các nhà làm việc, nhà ở của bộ đội, trường học, trạm xá, chùa, đường đến khu nhà ở của các hộ dân… đều được đổ bê tông khang trang. Gần Đài tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ là công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ do tỉnh Nghệ An tài trợ, khánh thành năm 2010; cùng năm đó nhà khách của đảo được xây dựng do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội tài trợ.

Cũng như các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đều có trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh thì ở đảo Trường Sa còn có sân bay. Nước ngọt, điện năng lượng đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho quân và dân trên đảo. Đêm đến, ánh điện khiến đảo Trường Sa thêm lung linh huyền ảo. Gần trụ sở UBND thị trấn là Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Nghe tiếng trẻ hát, học bài, ngỡ như đang ở đất liền vậy.

Phóng viên Quế Chi và Hoàng Gia (Đài PT-TH Hà Giang) tác nghiệp tại đảo Trường Sa.					 Ảnh: PHƯƠNG HOA
Phóng viên Quế Chi và Hoàng Gia (Đài PT-TH Hà Giang) tác nghiệp tại đảo Trường Sa. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Đồng chí Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các nhà hảo tâm, cơ sở vật chất của đảo được đầu tư ngày càng hoàn thiện, việc chăm lo đời sống, sức khỏe cho bà con ngày càng tốt hơn. Các hộ dân có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ đời sống, đặc biệt là được xem truyền hình, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, được cập nhật thông tin từ đất liền, tình hình phát triển của đất nước.

Để có một Trường Sa chuyển mình như hôm nay, Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa nhận định: Quân và dân Trường Sa luôn đoàn kết, đồng lòng vượt qua thử thách, cùng thi đua xây dựng đảo đảo xanh, sạch, đẹp, ngày càng phát triển, xây dựng đảo: “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”. Thượng tá Phạm Thế Nhương cũng chia sẻ: Khi có nhiệm vụ, cùng các lực lượng chức năng trên đảo, mỗi người dân luôn là một chiến sỹ, sát cánh cùng chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Gặp gỡ ở Trường Sa giữa tác giả bài viết và Thiếu tá Nguyễn Đức Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa. 			Ảnh: CTV
Gặp gỡ ở Trường Sa giữa tác giả bài viết và Thiếu tá Nguyễn Đức Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa. Ảnh: CTV

Chị Võ Thị Sông, một trong những hộ ở thị trấn Trường Sa, tâm sự: Xa đất liền, xa người thân nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của bộ đội trên đảo, các anh luôn hỗ trợ vật chất và cả đời sống tinh thần cho các hộ dân trên đảo. Chính từ tình cảm và sự quan tâm, gắn bó nghĩa tình ấy đã giúp gia đình chị và những người dân trên đảo yêu đảo hơn, trách nhiệm hơn với một phần Tổ quốc nơi đầu sóng.

Theo Thượng tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Trường Sa: Đảng ủy, Chỉ huy đảo luôn xác định, dù trong bất luận hoàn cảnh nào, quân và dân trên đảo cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, quân dân trên đảo là anh em ruột thịt”, chúng tôi thường xuyên chăm lo, vun đắp mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.

Bên dãy bàn trước cửa nhà của các hộ dân, chúng tôi bắt gặp hình ảnh quân và dân trên đảo ngồi trò chuyện vui vẻ. Các hộ dân khoe rằng: Ở đảo vui lắm, không chỉ ngày lễ, Tết, khi rảnh là các anh bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Trạm ra đa) lại ghé qua, hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn làm ăn. Khi có người ốm đau, các anh cùng Quân y của Trạm xá quân dân y (thuộc Bệnh viện Quân y 175) cấp thuốc, khám chữa bệnh rất chu đáo.

Biết tôi và 2 phóng viên Quế Chi, Hoàng Gia của Đài PT-TH tỉnh đến từ Hà Giang nơi cực Bắc của Tổ quốc, bộ đội và người dân trên đảo luôn dành cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt, luôn hỏi thăm, chia sẻ những khó khăn của Bộ đội Biên phòng Hà Giang. Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa, tâm sự: Qua các phương tiện thông tin, biết thêm về Hà Giang, càng thấy sự gần gũi, gắn bó giữa 2 vùng đất. Là tỉnh miền núi, biên giới,còn khó khăn nhưng Hà Giang luôn dành nhiều tình cảm cho quân và dân Trường Sa, chúng tôi rất trân trọng tình cảm của người Hà Giang,

Sư thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa, cho biết: Hộp đất trong Chương trình “Đất thiêng gửi Trường Sa - từ Cột cờ Lũng Cú”, do Báo Tuổi trẻ tổ chức đợt tháng 5.2017, vẫn được nhà chùa gìn giữ, để nơi trang trọng.

Đến thăm Đồn Biên phòng Trường Sa, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Đức Chính, Đồn trưởng và Thượng tá Vũ Văn Thám, Chính trị viên, 2 anh đã có thời gian công tác tại các Đồn Biên phòng Hà Giang. Nơi đảo xa, 2 anh vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm về đồng đội nơi biên giới.

Tự hào nối bước cha ông thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa luôn xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện; sẵn sàng chấp nhận hy sinh để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA

Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng-Kỳ 2: Từ Trường Sa tới Trường Sa Đông


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng “thế trận lòng dân” ở biên giới
BHG - Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, đời sống người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn tồn tại. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để phát KT - XH tăng cường QP - AN của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương có mặt hạn chế. Tình hình an ninh chính trị biên giới diễn biến phức tạp; các hoạt động vi phạm pháp luật thông thường có dấu hiệu gia tăng… gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xác định việc tăng cường quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng “Thế trận lòng dân” là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
27/04/2023
Nhiều giải pháp ngăn chặn vi phạm kỷ luật, pháp luật
BHG - Thực hiện kế hoạch của Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về phát động Cuộc thi “Nhận thức về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật và đề xuất biện pháp phòng ngừa vi phạm trong BĐBP”, các đơn vị BĐBP Hà Giang đã triển khai nghiêm túc đến 100% cán bộ, chiến sỹ (CBCS), trong đó có nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, hiệu quả và có ý nghĩa thực tế có thể triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.
26/04/2023
Căn bệnh “Trung bình chủ nghĩa” góc nhìn từ thực tiễn cơ sở lực lượng vũ trang tỉnh
BHG - “Trung bình chủ nghĩa” là căn bệnh mãn tính, nguy hại đến sự phát triển của mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta chỉ rõ “trung bình chủ nghĩa” là một trong 27 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị Quyết số 847-NQ/QUTW, Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội, trong đó biểu hiện thứ Năm là trung bình chủ nghĩa: “ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ và mục đích không trong sáng; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.
26/04/2023
Đảng ủy Quân sự tỉnh chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ
BHG - Sinh hoạt Chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu của Chi bộ, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng, trình độ của từng đảng viên và là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng; bảo đảm cho Chi bộ và từng đảng viên thực hiện tốt chức năng, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chính vì vậy củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ là việc làm thường xuyên, là nội dung quan trọng không thể thiếu ở các cơ sở Đảng để thực hiện công tác xây dựng Đảng.
25/04/2023