“Cú hích” phát triển nông nghiệp bền vững - Kỳ I: Khẳng định vai trò “xương sống”

10:36, 29/09/2022

BHG - Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất giúp người dân miền cực Bắc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, thay đổi tư duy, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo liên kết trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Đây được xem là “cú hích” phát triển nông nghiệp bền vững, giúp người dân địa đầu Tổ quốc xây cuộc sống ấm no.

Ứng dụng KHCN giúp Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến (Vị Xuyên) tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn.
Ứng dụng KHCN giúp Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến (Vị Xuyên) tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, KHCN được coi là “xương sống” và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp quan trọng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đà bứt phá cho nông nghiệp. Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất.

Điều đó được minh chứng qua các chỉ số sản xuất nông nghiệp hàng năm đều tăng. Tính đến năm 2021, bình quân lương thực đạt 476 kg/người; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng trọt đạt 56,73 triệu đồng. Lĩnh vực chăn nuôi đã làm chủ quy trình sản xuất tinh đông lạnh, tinh cọng rạ, thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò để cải thiện tầm vóc tổng đàn; người dân từng bước chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), an toàn sinh học theo hướng hàng hóa, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Lĩnh vực lâm nghiệp triển khai chương trình đưa giống tốt vào sản xuất thông qua việc bảo tồn các vườn giống lâm nghiệp, nhập mới hạt giống keo Úc, sản xuất giống đưa vào trồng để nâng cao sinh khối rừng, chất lượng rừng sản xuất. Ứng dụng KHCN theo dõi diễn biến rừng, cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đối với rừng sản xuất được trên 9.160 ha tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên để truy xuất nguồn gốc gỗ phục vụ xuất khẩu. Lĩnh vực thủy sản làm chủ quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loài cá quý hiếm của địa phương như: Bỗng, My, Dầm xanh, Anh vũ, Chày đất và chuyển giao kỹ thuật cho người dân các huyện Bắc Mê, Quang Bình, Bắc Quang tự sản xuất giống cá Bỗng cung ứng cho người dân trong tỉnh.

Sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà hàng hóa giúp người dân thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) nâng cao thu nhập.
Sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà hàng hóa giúp người dân thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) nâng cao thu nhập.

Khai thác thế mạnh huyện động lực, Vị Xuyên tập trung đưa hoạt động ứng dụng KHCN hướng về cơ sở, nhất là các xã trọng tâm, trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hoá chủ yếu nâng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2021 của địa phương đạt trên là 57,6 nghìn tấn, tăng trên 17,3 nghìn tấn so với năm 2012; tổng diện tích cây ăn quả gần 1.100 ha, sản lượng quả tươi đạt trên 6.000 tấn/năm; tổng diện tích cây chè đến hết năm 2021 có trên 3.700 ha, sản lượng đạt trên 14,2 nghìn tấn, giá trị thu nhập chè búp tươi đạt từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển cây dược liệu, áp dụng KHCN phát triển cây thảo quả để tạo sinh kế cho người dân; đến nay, diện tích cây dược liệu toàn huyện có trên 2.840 ha, trong đó, diện tích thảo quả trên 2.800 ha, trồng tại 9 xã vùng cao Thượng Sơn, Quảng Ngần, Cao Bồ, Phương Tiến, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Kim Linh.

Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: Huyện xác định phát triển cây dược liệu là chủ trương, định hướng lớn, là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị từ rừng, tạo sinh kế cho người dân có thu nhập từ rừng. Duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu, trọng tâm thực hiện Đề án phát triển, mở rộng diện tích trồng cây thảo quả; khuyến kích, tạo điều kiện cho người dân sản xuất; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nhiều chính sách hỗ trợ của các cấp được triển khai phù hợp thực tế; thu hút một số doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển dược liệu trên địa bàn. Đến nay, huyện hình thành các vùng sản xuất thảo quả tập trung; các hộ tham gia trồng có thu nhập bình quân từ 25 - 40 triệu đồng/năm, tổng giá trị thu nhập từ thảo quả đạt 30 - 40 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân cao hơn 30% so với canh tác truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; giải quyết, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân các xã vùng cao.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, nhưng với việc coi KHCN là khâu “then chốt” trong sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên lãnh, chỉ đạo việc tư vấn, hướng dẫn, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới sáng tạo. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 5 doanh nghiệp KHCN thuộc các lĩnh vực. Với sự tham gia của các doanh nghiệp KHCN giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dần từ nhỏ lẻ sang sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con chủ lực có thế mạnh, chất lượng cao; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, đẩy nhanh các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện từng vùng trong tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới.

Khu nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo của Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam.
Khu nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo của Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam.

Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam là một trong những đơn vị nổi bật trong thực hiện mô hình liên kết thúc đẩy KHCN vào sản xuất và đời sống. Công ty phối hợp chuyển giao nhiều chương trình, dự án KHCN, chương trình nông thôn miền núi cho các huyện và người dân trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo công ty cho biết: Chi nhánh công ty đã, đang nỗ lực đầu tư trang thiết bị hiện đại ban đầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương và thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu dùng.

Hiện công ty đang triển khai các dòng sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo; trà Đinh lăng, trà Xuyên tâm liên, trà Diếp cá; sản phẩm về cây giống dược liệu nuôi cấy mô có giá trị kinh tế cao như: Đinh lăng, gừng gió, lan kim tuyến, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, sa nhân tím, ba kích tím, hoàng tinh hoa đỏ; sản phẩm cây lâm nghiệp; các giống cây ăn quả… Với việc ứng dụng KHCN, các sản phẩm của công ty được thị trường chấp nhận và đánh giá cao. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, cải tiến trang thiết bị, máy móc, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với đặc thù điều kiện tự nhiên như tỉnh ta, ứng dụng KHCN vào sản xuất là hướng đi đúng đắn, thực sự tạo “cú hích” mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp; nhưng nhìn thẳng vào thực tế cho thấy, KHCN chưa thể hiện rõ vai trò, động lực cho phát triển KT – XH của tỉnh, chưa có nhiều công trình khoa học mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh trên các lĩnh vực; việc lựa chọn thực hiện các đề tài, đề án KHCN chưa có trọng tâm, trọng điểm và chiến lược; chưa gắn với ứng dụng nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, nhất là nông nghiệp. Trước thực trạng đó, tỉnh ta dồn sức cho KHCN, lấy đó làm đòn bẩy để gỡ “điểm nghẽn” cho sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Kim Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng nếp sống văn minh trên vùng cực Bắc - Kỳ II: Ánh sáng của Đảng soi đường, chỉ lối
BHG - Nhận thấy tác hại, hệ lụy của những hủ tục đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 09). Từ khi có Chỉ thị 09 tất cả các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực. Để từng bước bài trừ, tiến tới xóa bỏ những hủ tục, ngày 01.05.2022, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc Hà Giang,
29/09/2022
“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ II: “Làn gió” của sự đổi mới
BHG - Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong đồng bào còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và sản xuất. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển KT-XH… dẫn tới nghèo đói!
29/09/2022
“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ cuối: Cách mạng văn hóa trên mảnh đất biên cương
BHG - Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU đã được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh quan tâm lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện, làm chuyển biến nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc về xóa bỏ hủ tục, việc xây dựng nếp sống văn minh được nâng lên, đời sống có nhiều chuyển biến tích cực.
28/09/2022
“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ I: Hệ lụy từ những hủ tục
BHG - Với điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, do đó, trên địa bàn Hà Giang còn tồn tại nhiều hủ tục kìm hãm sự phát triển KT-XH. Trước thực tế đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”.
28/09/2022