“Cú hích” phát triển nông nghiệp bền vững - Kỳ cuối: Nâng tầm sản phẩm đặc trưng

10:41, 30/09/2022

BHG - Có thể nói, hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh đang đối mặt với hai thách thức lớn, đó là biến đổi khí hậu đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp; sự linh hoạt, năng động của kinh tế thị trường mở với xu thế sử dụng sản phẩm ngon, sạch của người tiêu dùng đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải thay đổi tư duy để thích ứng. Giải pháp tối ưu chính là phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, nông thôn, phải đưa được hàm lượng KHCN cấu thành vào trong giá trị của sản phẩm.

Ứng dụng KHCN vào trồng, chăm sóc giúp người dân Bắc Quang nâng cao giá trị sản phẩm cam.
Ứng dụng KHCN vào trồng, chăm sóc giúp người dân Bắc Quang nâng cao giá trị sản phẩm cam.

Trước thực trạng đó, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp nâng tầng giá trị nông sản. Bắc Quang là địa phương có thế mạnh về cây cam Sành với diện tích trên 4.810 ha. Huyện tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân áp dụng KHCN vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân; góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Quan trọng nhất, người nông dân nhận thấy ưu điểm của việc áp dụng KHCN vào sản xuất nên dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Phùng Viết Vinh cho biết: Ứng dụng KHCN vào trồng và chăm sóc cây cam Sành giúp huyện có trên 2.870 ha được chứng nhận VietGAP; năng suất trung bình 14 tấn/ha, sản lượng trung bình năm khoảng trên 40 nghìn tấn. Qua đánh giá sơ bộ, năng suất, sản lượng cao hơn, mẫu mã đồng đều và đẹp hơn so với cam sản xuất thường; chất lượng nâng lên, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm cam Sành Hà Giang. Trước đây, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa tự nhiên, nay bắt đầu chủ động nguồn nước, điều chỉnh nước tưới cho cam. Huyện phối hợp triển khai Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới; đây là mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm cải tạo vườn cam Sành già cỗi đang trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh; huyện triển khai diện tích 60 ha tại các xã, vùng trong điểm cam như: Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Việt Hồng. Mặt khác, một số hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp các hộ kiểm soát độ ẩm và chủ động thời điểm tưới; tiết kiệm 50% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp gốc như trước đây; tiết kiệm 90% công bón, 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây dược liệu Đương quy giúp người dân Sủng Trà (Mèo Vạc) thay đổi tư duy sản xuất.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây dược liệu Đương quy giúp người dân Sủng Trà (Mèo Vạc) thay đổi tư duy sản xuất.

Đứng trước yêu cầu thị trường ngày càng cao, nhận thức người dân Bắc Quang chuyển biến rõ rệt. Một số cá nhân xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm cam Sành; huyện xây dựng và vận hành dây truyền sục Ozon cho sản phẩm cam, với công suất sục 25 - 30 tấn cam/ngày. Sản phẩm sau khi sục Ozon có bề mặt bóng, vàng hơn so với cam Sành để tự nhiên, giúp thời gian bảo quản tự nhiên dài hơn so với sản phẩm thông thường do đã được khử khuẩn, diệt nấm mốc. Giải pháp này vừa giữ được mẫu mã, chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, địa phương phối hợp tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cam vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử; đưa sản phẩm vào siêu thị, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, thùng đóng cam đối với các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình vườn cam mẫu 16 ha gắn với chuyển đổi số tại các xã trọng điểm.

Không có điều kiện thuận lợi trồng cam như Bắc Quang, nhưng Hoàng Su Phì được xem là vùng “thánh địa” của chè Shan-tuyết. Trước đây, cây chè trên địa bàn huyện chủ yếu sinh trưởng tự nhiên, không được chăm sóc thường xuyên, điều chỉnh lứa hái; sản phẩm chè chủ yếu chè đen, chè vàng chế biến thủ công hoặc bằng công nghệ cũ nên năng suất, chất lượng thấp. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn chia sẻ: Những năm gần đây, áp dụng KHCN mới từ khâu tạo nguồn nguyên liệu trồng, chăm sóc, thu hái đến khâu sản xuất, chế biến, tạo mẫu mã, bao bì, thương hiệu, quảng bá sản phẩm đã giúp thương hiệu chè Hoàng Su Phì từng bước hình thành, có chỗ đứng trên thị trường; nhiều sản phẩm vươn ra thị trường trong và ngoài nước, như: Trà vàng, hồng trà, bạch trà, trà ô long, trà móng rồng; đặc biệt, huyện có 2 sản phẩm chè được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Các sản phẩm nông sản tiêu biểu của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) được nhiều người biết đến.
Các sản phẩm nông sản tiêu biểu của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) được nhiều người biết đến.

Để nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng, một trong những giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025” được tỉnh ta xác định đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hàm lượng khoa học đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh tập trung bảo tồn, phục tráng các nguồn gen quý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất giống để cung ứng các giống tốt, chất lượng cao cho tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh; nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Áp dụng tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn xuất khẩu); gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số, sàn giao dịch điện tử, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhận diện vai trò KHCN trong sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN gắn với cải cách thủ tục hành chính theo hướng khoán tới sản phẩm cuối cùng; tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, hợp tác xã  tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Tỉnh tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp khoa học đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. Đẩy mạnh các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp tham gia, giữ vai trò trọng tâm giải quyết khâu vốn, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; người nông dân là chủ thể của sản xuất gắn kết với doanh nghiệp, đảm bảo kết nối quá trình sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Tỉnh chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Ưu tiên các đề tài ứng dụng, dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh; chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực, rau quả và các chế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Tổ chức sắp xếp lại các đơn vị khoa học của tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; bố trí bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về công nghệ sinh học, công nghệ mới cho cán bộ ngành nông nghiệp. Bố trí nguồn lực đầu tư quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có cơ chế hỗ trợ tổ chức, cá nhân, người dân ứng dụng KHCN mới vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phát huy vai trò động lực của KHCN, tạo cơ chế thông thoáng cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN cùng với những giải pháp cụ thể, hiệu quả để gỡ những “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp và nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng đang thực sự tạo “cú hích” mạnh mẽ giúp ngành nông nghiệp vươn mình, giúp người dân có cuộc sống ấm no ngay trên mảnh đất biên cương cực Bắc.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Kim chỉ nam” tự soi, tự sửa - Kỳ 3: Xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, nhân dân
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Công an của ta là Công an nhân dân (CAND), từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Không ngừng học tập, làm theo Bác và thấm nhuần, hiện thực hóa 2 lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại tướng Tô Lâm, Công an Hà Giang tiếp tục nỗ lực phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
30/09/2022
“Cú hích” phát triển nông nghiệp bền vững - Kỳ II: Gỡ “điểm nghẽn” sản xuất
BHG - Tỉnh ta chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với trên 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã xác định mục tiêu: “… tăng cường ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo…, xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2025 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc…”.
30/09/2022
"Kim chỉ nam” tự soi, tự sửa - Kỳ 2: Quyết tâm tạo đột phá về giáo dục chính trị tư tưởng
BHG - Đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” được Công an tỉnh triển khai có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời giáo dục bản lĩnh chính trị tư tưởng, để mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS), đảng viên rèn tâm trong, trí sáng, ra sức thi đua giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển KT- XH, đối ngoại của địa phương. Đặc biệt, vinh dự được Bộ Công an lựa chọn là điển hình để nhân rộng trong lực lượng Công an toàn quốc.
30/09/2022
“Kim chỉ nam” tự soi, tự sửa - Kỳ I: Nêu cao giá trị về danh dự, tinh thần tận tụy
BHG - Nhằm tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng, Công an Hà Giang đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt với chủ đề “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an" (đợt sinh hoạt). Đây là cách làm sáng tạo, mang lại nhiều kết quả toàn diện, xây dựng hình ảnh Công an Hà Giang sáng đẹp trong lòng dân; góp phần tô thắm truyền thống, bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
30/09/2022