Cần kiểm tra việc san đào đất, tạo mặt bằng tại Mậu Duệ

11:03, 19/11/2020

BHG - Có dấu hiệu trục lợi: Đầu năm 2020, UBND huyện Yên Minh nhận được đơn đề nghị của gia đình anh Sỹ Văn Quân và anh Sỹ Văn Đào cùng trú tại thôn Kéo Hẻn, xã Mậu Duệ (Yên Minh) “cho phép san đào đất, tạo mặt bằng và vận chuyển đất đá thải khi san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở” trên diện tích đất của gia đình. Cuối tháng 9.2020, UBND huyện Yên Minh có văn bản chấp thuận cho 2 hộ trên được phép san đào đất, tạo mặt bằng. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, việc san đào đất của 2 hộ trên đang có dấu hiệu lợi dụng để khai thác đá sản xuất gạch bê tông (gạch không nung).

Việc san đào đất, tạo mặt bằng của gia đình anh Sỹ Văn Quân và Sỹ Văn Đào vượt quá diện tích được chấp thuận.
Việc san đào đất, tạo mặt bằng của gia đình anh Sỹ Văn Quân và Sỹ Văn Đào vượt quá diện tích được chấp thuận.

Theo văn bản số 210, ngày 4.4.2019 của Sở Xây dựng về hướng dẫn quản lý công tác san đào đất đá, tạo mặt bằng và vận chuyển đất đá thải khi cải tạo san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh: “Việc san đào đất, đá tạo mặt bằng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, bảo đảm cao độ theo hồ sơ thiết kế quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận”. Tuy nhiên, gia đình anh Sỹ Văn Quân chỉ có 123,2 m2 đất ở nông thôn nhưng vẫn làm đơn đề nghị san đào đất, tạo mặt bằng làm nhà ở trên diện tích 280 m2, khối lượng đất đá thải 840 m3 và được UBND huyện Yên Minh chấp thuận. Gia đình anh Sỹ Văn Đào chỉ có 145,2 m2 đất ở nông thôn nhưng xin san đào diện tích 400 m2, khối lượng đất đá thải 1.200 m3 cũng được UBND huyện Yên Minh chấp thuận. Việc cho phép 2 hộ trên được san đào đất, tạo mặt bằng với diện tích gấp 2 - 3 lần diện tích đất ở đã được công nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Hàng nghìn m3 đá khai thác từ quá trình san đào, tạo mặt bằng được tập kết trên diện tích đất của gia đình chị Sỹ Thị Túng để nghiền thành bột đá, sản xuất gạch không nung.
Hàng nghìn m3 đá khai thác từ quá trình san đào, tạo mặt bằng được tập kết trên diện tích đất của gia đình chị Sỹ Thị Túng để nghiền thành bột đá, sản xuất gạch không nung.

Hơn nữa, trong quá trình san đào mặt bằng, 2 hộ đã chủ động tách riêng phần đá với khối lượng lên tới hàng nghìn m3, tập kết trên diện tích đất trồng cây hàng năm của gia đình bà Sỹ Thị Túng (chị họ của anh Quân và Đào) để gia đình này nghiền làm bột đá và sản xuất sạch không nung. Điều này được chính bà Túng thừa nhận. Theo quy định, khối lượng khoáng sản (đá vôi) thu được từ việc san đào đất đá, tạo mặt bằng chỉ được phép cho gia đình tận dụng để xây dựng nhà ở (nếu có); nếu dư thừa hoặc số lượng lớn muốn bán hay cho, tặng phải kê khai và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, đồng thời phải đóng góp các khoản thuế, phí theo quy định. Dù thời gian san đào đất, tạo mặt bằng đã diễn ra hơn một tháng, số đá khai thác rất lớn nhưng 2 hộ trên đã không thực hiện các quy định này. Hành vi trên cho thấy dấu hiệu lợi dụng việc san đào, tạo mặt bằng để khai thác đá phục vụ sản xuất, kinh doanh; đồng thời vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, văn bản số 210 ngày 4.4.2019 của Sở Xây dựng và văn bản chấp thuận của UBND huyện Yên Minh.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Huyện ủy – UBND huyện Yên Minh, các ngành chức năng của huyện đã siết chặt việc khai thác đá trái phép trên địa bàn; nhiều tổ chức, cá nhân bị bắt quả tang khi đang khai thác đá trái phép và bị tịch thu phương tiện, tang vật, xử phạt nghiêm minh dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (đá, bột đá, gạch xi măng) đã tìm mọi cách lách luật để có nguồn nguyên liệu đá vôi “miễn phí” hoặc giá thành rẻ từ việc thu mua đá tận thu trong quá trình phá đá làm đường hay xin cấp phép san đào đất đá, tạo mặt bằng làm nhà ở tại những vị trí có khối lượng đá lớn…

Cần siết chặt quản lý

Đầu tháng 11.2020, qua kiểm tra thực tế việc san đào đất, tạo mặt bằng của gia đình anh Sỹ Văn Quân và Sỹ Văn Đào, phóng viên ghi nhận diện tích san đào đất của 2 hộ này vượt quá diện tích trong văn bản chấp thuận của UBND huyện Yên Minh nhưng các ngành chức năng của huyện và chính quyền xã Mậu Duệ không kiểm tra, giám sát thường xuyên, không nắm bắt để yêu cầu 2 hộ trên thực hiện đúng cam kết.

Cùng với đó, các vị trí xin đổ thải đất, đá trong quá trình san, tạo mặt bằng của gia đình anh Quân và Đào thuộc các thửa số 28, 32, 34, 36, tờ bản đồ số 10 đều nằm trong quy hoạch là đất nông nghiệp khác và phần lớn đang là đất trồng cây hàng năm. Với khối lượng đá thải lên tới hàng nghìn m3, nếu đổ vào những vị trí này chẳng khác nào hành vi “hủy hoại đất” được Luật Đất đai nghiêm cấm. Điều này cho thấy quá trình kiểm tra, thẩm định đơn đề nghị san tạo mặt bằng của 2 hộ trên, các ngành chức năng của huyện Yên Minh chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra thực địa và đối chiếu với các quy định, quy hoạch, mục đích sử dụng đất để tham mưu cho UBND huyện yêu cầu xác định đúng vị trí đổ thải, đảm bảo các quy định của Luật Đất đai.

Theo văn bản chấp thuận cho phép san đào đất, tạo mặt bằng của 2 hộ trên, UBND huyện Yên Minh đã chỉ đạo UBND xã Mậu Duệ và các phòng: Kinh tế - Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, giám sát việc thi công san đào đất, tạo mặt bằng và vận chuyển đất đá thải khi san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để xảy ra những hạn chế trên cho thấy chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo. Điều này rất cần Huyện ủy, UBND huyện Yên Minh chỉ đạo chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để đảm bảo việc chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân được phép san đào đất, tạo mặt bằng đúng với văn bản hướng dẫn 210, ngày 4.4.2019 của Sở Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài, ảnh: Hoàng Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm học

BHG - Năm học 2019 – 2020 đã bắt đầu được 2 tháng, nhưng những khoản đóng góp đầu năm học của học sinh, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Giang vẫn chưa hết "nóng" trên các trang mạng xã hội cũng như dư luận. Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Hà Giang, Nguyễn Thị Hương Giang thông tin: Thành phố hiện quản lý 34 trường học thuộc các cấp học từ Mầm non đến THCS. Ngay khi kết thúc năm học 2018 – 2019, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, rà soát và ban hành kế hoạch nâng cấp...

23/10/2019
Mong điện thắp sáng Tà Làng

BHG - Những năm trở lại đây, Nhà nước đã nỗ lực đưa điện lưới Quốc gia về các thôn, bản vùng cao, nhưng người dân thôn Tà Làng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) sống ngay bên cạnh Thủy điện Nho Quế 1 nhưng vẫn "khát" điện. Điều bất cập ở đây chính là, tất cả các hộ dân trong thôn đều chủ động hiến đất để xây dựng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 1. 

22/09/2020
Bất cập trong việc xếp lương công nhân tại Trung tâm Dịch vụ công cộng - Môi trường Yên Minh

BHG - Trung tâm Dịch vụ công cộng (DVCC) - Môi trường và cấp thoát nước Yên Minh tiền thân là Đội DVCC và môi trường Yên Minh. Trung tâm được đổi tên và bổ sung nhiệm vụ cấp thoát nước theo Quyết định 325 ngày 10.3.2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ đó đến nay, nhiều bất cập liên quan đến việc xếp thang, bảng lương, tính bảo hiểm xã hội khiến hàng chục cán bộ, công nhân Trung tâm chịu thiệt thòi.

 

21/11/2019
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân thể thao xã Việt Vinh (Bắc Quang)

BHG - Tháng 4.2018, UBND huyện Bắc Quang đã quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình sân thể thao xã Việt Vinh với tổng vốn đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sân thể thao xã Việt Vinh khởi công giữa năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2018 nhằm hoàn thiện tiêu chí số 6 "Cơ sở vật chất văn hóa" để xã đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

21/10/2019