Vì dân phục vụ - nhìn từ việc đối thoại, tiếp công dân
BHG - “Thật vinh dự cho chúng tôi khi tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của mình được trực tiếp người đứng đầu cấp ủy cầu thị lắng nghe để xử lý công tâm, khách quan, kịp thời” – chị Nguyễn Thị Nhiệu, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) xúc động nói.
Qua đối thoại, tuyến đường bê tông xã Tân Thành (Bắc Quang) được hình thành, giúp nhân dân đi lại thuận tiện. |
Ngày 18.2.2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thực hiện nghiêm quy định này, người đứng đầu cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở nơi địa đầu Tổ quốc đã tạo nhiều hiệu ứng xã hội tích cực. Việc tăng cường đối thoại thực sự giảm bức xúc ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy KT-XH phát triển.
Những kiến nghị được giải quyết kịp thời nên người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) yên tâm đầu tư, đưa cơ giới vào thu hoạch lúa. |
Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp để xử lý, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của nhân dân đã trở thành nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Bí thư các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy được thể hiện rõ khi Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo các cấp, ngành xem xét, xử lý đơn thư, phản ánh, kiến nghị của công dân. Đồng thời, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết, xử lý đơn thư và những phản ánh, kiến nghị của công dân; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo quy định. Do vậy, các vụ việc cơ bản được lãnh, chỉ đạo giải quyết nghiêm túc. Nhiều vụ việc mới phát sinh được chỉ đạo xử lý kịp thời, tạo được lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Riêng với cấp huyện, xã; Bí thư cấp ủy đã chỉ đạo quyết liệt chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý, giải quyết đơn thư của công dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Qua đó, chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được nâng lên; nhiều vụ việc được chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong nhân dân.
Minh chứng điển hình cho thấy, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đã dành thời gian tiếp 5 cuộc với 17 công dân đăng ký đề nghị gặp Bí thư Tỉnh ủy tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành phần tham dự lắng nghe công dân trình bày tâm tư, nguyện vọng và báo cáo kết quả, quá trình giải quyết các vụ việc của cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở này, Bí thư Tỉnh ủy kết luận, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành giải quyết dứt điểm các vụ việc. Mặt khác, trực tiếp giải thích cho công dân hiểu một số vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ngay tại buổi tiếp công dân.
Điển hình, có thể kể đến vụ việc đề nghị giải quyết bồi thường của công dân Nguyễn Viết Xuân, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc trong vụ án Nguyễn Viết Xuân và Hoàng Nam Khánh xảy ra tại Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc. Năm 2013, hai trường hợp này bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Qua tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc khôi phục chức vụ, việc làm và các quyền lợi khác cho Nguyễn Viết Xuân và Hoàng Nam Khánh. Cùng với đó, Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì phối hợp, trao đổi, thống nhất với cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh để có văn bản thỉnh thị xin ý kiến Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý, giải quyết bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật. Hiện, vụ việc cơ bản được giải quyết… Hoặc như, công dân Nguyễn Thị Nhiệu đề nghị giải quyết vụ việc đánh nhau gây thương tích xảy ra ngày 5.11.2017, tại thôn Tân Thành, xã Phương Độ (T.p Hà Giang). Tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Giang trong quá trình tiếp nhận, thụ lý giải quyết vụ việc để xảy ra tình trạng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý vụ việc trên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy…
Tại cơ sở, Bí thư 11 Huyện ủy, Thành ủy đã có 128 cuộc tiếp xúc, đối thoại với công dân. Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn dành 1.928 cuộc tiếp công dân với những nội dung chủ yếu liên quan đến: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết chế độ, chính sách, tranh chấp đất đai… Qua các buổi tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã chỉ đạo, giao tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xem xét, giải quyết, trả lời dứt điểm kiến nghị của công dân, đảm bảo thấu tình, đạt lý và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, từ các buổi tiếp xúc, đối thoại này, Bí thư cấp ủy huyện, xã đã kịp thời chỉ đạo, xử lý nghiêm 14 vụ việc do cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, với các biểu hiện, như: Nhận tiền “chạy án”; lấn chiếm đất công; buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công…
Thực tế trên cho thấy, người đứng đầu cấp ủy từ tỉnh đến xã đã dành nhiều thời gian sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, xử lý, giải quyết kiến nghị, đề nghị, phản ánh của công dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều này đã góp phần quan trọng thể hiện “Ý Đảng – lòng dân” để cùng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Hà Giang vững mạnh nơi biên thùy.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG