Người dân xã Nông thôn mới Minh Ngọc... thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh(!)

09:34, 16/09/2017

BHG - Xã Minh Ngọc là một trong những địa phương của huyện Bắc Mê “cán đích” đầu tiên về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đa số hộ dân nơi đây đều có cuộc sống ổn định, nhưng việc thiếu nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng do hệ thống cấp nước xuống cấp khiến nhiều hộ dân cảm thấy bất an. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Ngay sau khi xã Minh Ngọc được công nhận đạt NTM tháng 1.2017, nhiều người đã rất mừng vì nghĩ đã là xã NTM thì đương nhiên hệ thống cung cấp nước sạch hợp vệ sinh của xã cũng sẽ được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, điều hy vọng nhỏ nhoi đó lại chưa được thực hiện khiến cho người dân không khỏi băn khoăn, trăn trở. Hiện nay, nguồn nước của xã do Đội Dịch vụ Công cộng và Môi trường (DVCC&MT) huyện Bắc Mê cung cấp bằng nguồn nước suối lấy từ đầu nguồn thôn Khuổi Lùng, chảy theo đường ống dẫn về tại bể chứa, sau đó được đưa về các hộ dân sống tập trung tại trung tâm xã thuộc các thôn: Nà Lá, Nà Cau và Nà Sài. Do hệ thống dẫn nước xử lý lắng, lọc sơ sài nên khi về đến các hộ thường xuyên suất hiện cặn sạn, rêu, lá cây...  đôi khi người dân còn thấy có cả con vắt trong chậu nước. Chính vì vậy, đa phần người dân ở trung tâm xã đều mong muốn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Người dân lo ngại nguồn nước họ đang sử dụng từ tự nhiên cũng không còn bảo đảm vệ sinh, bởi trên đầu nguồn, một số hộ dân trong xã sinh sống và làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, người dân đang rất bức xức vì chưa được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh nhưng vẫn phải nộp phí theo mức thu của Đội DVCC&MT huyện Bắc Mê thu với mức giá trên 3.800đ/1 khối nước.

Hệ thống cấp nước từ đầu nguồn còn sơ sài không đảm bảo vệ sinh.
Hệ thống cấp nước từ đầu nguồn còn sơ sài không đảm bảo vệ sinh.

 

Bể tạo áp xuống cấp nằm bên cạnh đường, nắp bể không có nên mỗi khi xe quặng đi qua, bụi bặm bay vào làm ảnh hưởng đến nguồn nước.
Bể tạo áp xuống cấp nằm bên cạnh đường, nắp bể không có nên mỗi khi xe quặng đi qua, bụi bặm bay vào làm ảnh hưởng đến nguồn nước.

Anh Bế Thanh Thuyết, người dân thôn Nà Lá, cho biết: Nước ở khu vực bể chứa này thường chảy rất yếu, những hộ dân ở cuối nguồn và ở những khu vực trên cao chẳng mấy khi được sử dụng. Nhiều khi chúng tôi lên trên bể chứa đầu nguồn còn thấy bọn trẻ con chui cả vào bể để tắm. Đơn vị quản lý nguồn nước rất thiếu trách nhiệm, trong khi chúng tôi vẫn phải đóng tiền nước. Chị Ma Thị Hiên, Bí thư Chi bộ thôn Nà Cau, cho biết: Xã được công nhận là xã NTM gần 1 năm nay. Nhưng thực tế, hiện xã vẫn chưa có được hệ thống nước hợp vệ sinh đủ đảm bảo để cung cấp cho người dân. Chúng tôi mong ước có một nguồn nước sạch, hợp vệ sinh để sử dụng. Có mặt tại bể chứa nước tạo áp của xã Minh Ngọc, chúng tôi chứng kiến toàn bộ hệ thống bể chứa nước tại đây đã xuống cấp, nắp bể bị vỡ, bụi bặm bay vào mỗi khi xe quặng đi qua; hệ thống đường ống bằng nhựa nhỏ nên nhiều chỗ bị đè bẹp, móp méo... do đó, bể chứa nước cũng luôn trong tình trạng cạn kiệt và nhuốm màu bùn. Khi được hỏi về nguồn nước đang sử dụng có đảm bảo vệ sinh hay không, nhiều người dân cho rằng có nước để sử dụng đã là may mắn lắm rồi, còn chất lượng nguồn nước như thế nào thì chưa quan tâm đến. Theo quy định của Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, để đạt tiêu chí môi trường, mỗi địa phương phải có ít nhất 60% dân số được sử dụng nước sạch. Do đó, việc thiếu nước sạch sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng NTM, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc, cho biết: Vấn đề nước sạch trên địa bàn xã hiện nay rất nan giải; nguyên nhân tình trạng thiếu nước là do đường ống dẫn quá bé nên không đủ cung cấp nước cho các hộ; mặt khác, nhiều hộ dân còn trích ống dẫn nước để kéo về ao nuôi cá khiến lượng nước suy giảm, khiến cho nguồn nước chảy về hạ lưu ít, nhiều bà con ở xa, ở trên cao bị thiếu nước. Là xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng lại thiếu nước sạch cho người dân sinh hoạt hàng ngày là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã. Do vậy, xã rất mong các cấp, ngành quan tâm sớm đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho xã đưa nước về phục vụ sinh hoạt cho người dân.

VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bao giờ người dân 4 thôn: Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm có cầu để đi

BHG- "Không có cây cầu cứng qua con suối, người dân 4 thôn dễ gặp nhiều hiểm nguy. Bởi thế, chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư cho thôn có một cây cầu tràn vững chãi để qua suối...". - Đó là mong muốn của 321 hộ sinh sống tại các thôn Độc Lập, Thâm Quảng, Nà Nhùng và Nà Nôm, xã Đường Âm (Bắc Mê).

31/05/2017
Ý kiến người dân: Đề nghị đổi lại tên cầu

BHG - Tuyến Quốc lộ 2 (QL2) thuộc hệ thống Quốc lộ do cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tại km 8+801m, đường Hà Giang đi Hà Nội (địa điểm tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức) có ,1 cây cầu hiện đang được khai thác sử dụng. Cây cầu này trước đây được xây dựng năm 1929, có tên là cầu LÀNG NÙNG.

31/03/2017
Thành phố Hà Giang xử lý quyết liệt việc xây dựng không phép, sai phép tại tổ 3, tổ 4, phường Quang Trung

BHG- Thời gian vừa qua, trên địa bàn tổ 3, tổ 4, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang đã xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng không phép, sai phép. Điều này tạo dư luận không tốt, gây bất bình cho người dân trên địa bàn. Trước tình trạng này, thành phố Hà Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng xảy ra, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.

22/08/2017
250 hộ dân xã Quảng Ngần "ngóng" điện lưới Quốc gia

BHG- Câu chuyện về những bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mong có điện thắp sáng để thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt ở tỉnh ta đang còn rất nhiều; bởi địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở và chưa đủ kinh phí để "nhà điện" đầu tư, xây lắp đường dây điện. 

21/06/2017