250 hộ dân xã Quảng Ngần "ngóng" điện lưới Quốc gia
BHG- Câu chuyện về những bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mong có điện thắp sáng để thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt ở tỉnh ta đang còn rất nhiều; bởi địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở và chưa đủ kinh phí để “nhà điện” đầu tư, xây lắp đường dây điện. Dẫu biết rằng, đó là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng mong muốn điện lưới về với bản luôn là một khát khao thường trực, là nhu cầu chính đáng của người dân. Với 250 hộ dân ở 5 thôn của xã Quảng Ngần (Vị Xuyên), họ như bất lực khi đường dây điện lưới Quốc gia kéo qua ngay sát nhà mình, nhưng dân bản vẫn phải sống trong ánh đèn dầu leo lét về đêm...
Đường dây điện lưới ngay sát nhà dân ở thôn Nặm Thăn, nhưng bà con nơi đây vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu leo lét khi đêm về. |
Xã Quảng Ngần có 8 thôn bản, 491 hộ với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có đến 5 thôn với 250 hộ, chiếm gần 60% dân số của xã chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia, là các thôn: Bản Chang, Nặm Ngạn, Khuổi Hóp, Nặm Chang, Nặm Thăn. 250 hộ dân này chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống từ bao đời nay, nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, trong khi điều kiện sản xuất không thuận lợi do thiếu nước và đặc trưng khí hậu. Do vậy, cuộc sống của đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, 145/250 hộ của 5 thôn vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Thôn Nặm Thăn nằm cách không xa khu dân cư đông đúc ở trung tâm xã, nhưng người dân nơi đây như tách biệt khỏi thế giới văn minh bởi điều kiện thiết yếu nhất của cuộc sống là điện lưới thì họ lại không có. Dừng chân ở một ngôi nhà sàn ngay cạnh đường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đường dây điện lưới Quốc gia được kéo qua ngay sát nhà người dân nhưng bà con ở đây vẫn chưa được sử dụng điện lưới. Qua tìm hiểu được biết, đó là đường dây điện lưới kéo vào xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), tuy nhiên “nhà điện” không hạ thế vì dân cư phân bố không tập trung; toàn thôn chỉ có 49 hộ trong khi để hạ thế và lắp đặt đường dây điện thì nguồn kinh phí là rất lớn. Trưởng thôn Nặm Thăn, Lý Văn Kinh cho biết: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh không có điện, mặc dù cột điện và đường dây điện lưới kéo qua ngay trên đầu nhà dân. Để có điện sinh hoạt, nhiều hộ đầu tư mua máy phát điện tự chế chạy bằng sức nước nhưng cũng không đủ để đáp ứng do lượng nước không ổn định nên điện rất yếu, thường chỉ thắp sáng được 1 bóng nhỏ. Những thiết bị phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: Ti vi, tủ lạnh, máy xay xát mãi chỉ là niềm mong ước của bà con nơi đây...”.
Chiếc máy phát điện mi-ni chạy bằng sức nước của người dân thôn Khuổi Hóp, xã Quảng Ngần. |
Trưởng thôn Lý Văn Kinh dẫn chúng tôi men theo con dốc lởm chởm đá xuống bờ suối để tận mắt chứng kiến những chiếc máy phát điện tự chế của bà con. Người dân ghép tre và gỗ, đặt tua – bin phát điện ở giữa dòng chảy. Từ những chiếc máy phát điện này, những đoạn dây điện được kéo hết sức sơ sài để bắc điện về nhà, nhiều chỗ còn để lộ phần ruột dây bên trong khiến nguy hiểm luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa hay khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Sấm, sét, giông bão, tố lốc... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngần, Dương Văn Tịnh thì hiện nay toàn xã có khoảng hơn chục chiếc máy phát điện tự chế, mỗi chiếc máy phát điện này có giá khoảng 1,5 – 4 triệu đồng. Nhiều hộ phải bán lợn, trâu để tậu máy phát điện, tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, không ít máy phát điện của người dân đã bị nước cuốn trôi. Thiếu điện, người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất do không tiếp cận được với các phương tiện, máy móc hữu ích khác. Nhiều hộ có điều kiện, muốn mua máy nông nghiệp như: Máy bơm, máy tuốt lúa, máy thái chuối... để nâng cao năng suất lao động, nhưng không có điện để chạy nên đành chịu.
Trực tiếp chứng kiến cảnh bà con sinh hoạt không có điện mới thấu hiểu hết được những khó khăn, vất vả và cả những nỗi thiệt thòi mà họ phải chịu đựng bao năm qua. 250 hộ dân của 5 thôn ở xã Quảng Ngần thực sự khát khao được sử dụng điện lưới để xua tan đi bóng tối, xua đi những hủ tục vì thiếu kiến thức, thông tin và xua đi cái đói, cái nghèo bao đời nay cứ quẩn quanh nơi xóm làng. Dõi đôi mắt xa xăm vào bóng tối mờ ảo, anh Trương Văn Páo, thôn Nặm Thăn ngậm ngùi chia sẻ: “Chẳng biết bao giờ điện mới về đến bản mình nữa. Chúng tôi thực sự mong sớm được sử dụng điện lưới để cải thiện đời sống sinh hoạt, sản xuất và để thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ nơi đây...”.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc