Khu di tích lịch sử Trọng Con, cần giải pháp bảo tồn và quản lý hiệu quả
BHG - Nằm khiêm tốn bên phải Quốc lộ 279 (hướng từ thị trấn Việt Quang đi xã Bằng Hành) thuộc địa phận thôn Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang), tấm bia “Di tích (DT) lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con” thu hút sự chú ý của người qua đường và được đông đảo du khách thập phương biết đến. Nơi đây, hơn 70 năm về trước, một căn cứ cách mạng của tỉnh đã hình thành và hoạt động mạnh mẽ. DT đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận DT lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2006. Kể từ đó đến nay, chính quyền địa phương và nhân dân Hà Giang luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của DT. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, hiện nay khu DT đang ngày càng xuống cấp và gần như bị... bỏ hoang (!)
Tấm bia “Di tích lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con” bên đường Quốc lộ 279. |
Khu DT lịch sử cách mạng Trọng Con bao gồm địa bàn 7 xã phía tả ngạn sông Lô: Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân, Thượng Bình, Kim Ngọc và Vô Điếm; hiện đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và tôn tạo, mở rộng gồm có các hệ thống: Nhà truyền thống Khu căn cứ cách mạng Tiểu khu Trọng Con; Nhà bia to ghi tên liệt sĩ các xã: Vô Điếm, Bằng Hành, Kim Ngọc, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân, Thượng Bình; Nhà bia nhỏ ghi tiểu sử và danh sách các gia đình có công với nước ở Tiểu khu Trọng Con.Dự án đầu tư, nâng cấp Khu DT được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 7.2008 với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng; do Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư. Năm 2013, DT đã từng được tôn tạo, nâng cấp với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng nhưng còn dở dang, mặt bằng chưa được giải phóng, dân chưa được đền bù. Đến nay sau hơn 7 năm thi công, công trình đã hoàn thành một số hạng mục với tổng kinh phí được quyết toán 8,8 tỷ đồng. Trong đó, có 7 hộ chưa được đền bù quanh khu nhà truyền thống và nhà bia, như: Hộ ông Nguyễn Đình Đảo, Nguyễn Đình Tới, Nguyễn Văn Dong... Từ năm 1996, khi Khu DT được Bộ VHTT&DL thẩm định để xếp hạng DT Quốc gia đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, mặc dù người dân và chính quyền địa phương nơi đây đã có nhiều ý kiến mong muốn được nâng cấp, tôn tạo và đền bù trong các cuộc họp HĐND nhưng các công ty thầu xây dựng và chính quyền vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nếu chi trả đền bù đúng theo đã thỏa thuận 200 triệu đồng/hộ, thì tổng số tiền chi trả sẽ là hơn 1 tỷ đồng cho 7 hộ dân xung quanh.
Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng hiện trạng và không gian DT chưa được cải thiện nhiều. Anh Nguyễn Văn Chương, một hộ sống trong khu vực DT cho hay: “Hệ thống bờ kè sát sông suối của DT có nhiều đoạn bị đổ, sạt lở. Một số nơi bị rêu phủ, đổ nát, nền bị hỏng hết”. Ngoài ra, mưa gió, thời tiết xấu cũng là nguyên nhân gây hư hại. Nhiều hộ dân xung quanh chưa được đền bù, đã mặc nhiên tận dụng diện tích rộng của khuôn viên DT để làm nhà chứa ván bóc, phơi gỗ ván bóc, chăn thả gia súc... gây mất mĩ quan. Sau nhiều ý kiến của dân, kiến nghị của cấp ủy, chính quyền sở tại về những bất cập của hạng mục, tại kỳ họp thứ 16 HĐND khóa XVI, đại diện chủ đầu tư là Sở VHTT&DL đã thừa nhận công tác phối hợp giữa cấp và ngành còn nhiều hạn chế.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị DT còn nhiều bất cập: Nhiều năm qua, Sở VHTT&DL đã tạm bàn giao một số hạng mục hoàn thành của DT cho huyện và xã quản lý, còn những hạng mục dở dang ngành thuê một số hộ trông coi dẫn đến khó khăn trong việc bảo tồn. Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh các hoạt động sai phạm. Nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo DT đạt khoảng 80% nhưng các ngành chức năng quản lý giàn trải, thiếu quyết liệt trong hoàn thiện công trình. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về DT còn hạn chế dẫn đến bà con chưa có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, mĩ quan khuôn viên DT, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, giảm tính tôn nghiêm, lòng tự hào dân tộc, tạo hình ảnh không đẹp với du khách thập phương mỗi khi tham quan... Anh Hoàng Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, cho biết: Việc đầu tư xây dựng, tôn tạo, quản lý khu DT thời gian qua chưa phát huy vai trò quản lý của các ngành chức năng. Xã rất mong được cấp trên quan tâm.
Người dân vô tư phơi ván bóc và chăn thả gia súc tại khuôn viên di tích. |
Đài mít tinh được xây dựng từ năm 2012 còn dở dang đến hiện giờ. |
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc