Con đường bị “lãng quên”
HGĐT- Đó là con đường du lịch sinh thái Quảng Ngần – Việt Lâm có chiều dài hơn 12 km, từ km 32 (đường Hà Giang – Tuyên Quang) men theo sườn núi qua các thôn Khuẩy Chậu, Nặm Quăng, Nặm Thăn, xã Quảng Ngần (Vị Xuyên) nối với đường Quảng Ngần – Thượng Sơn đang trong tình trạng bị bỏ quên và xuống cấp trầm trọng.
Người dân rào đường để ngăn trâu, bò.
Dự án đường du lịch sinh thái này được phê duyệt theo Quyết định số 2836/QĐ-UBND ngày 16.12.2005 của UBND tỉnh với tổng mức đầu tư là 23.068 triệu đồng do Sở Thương mại và Du lịch làm chủ đầu tư (nay là Sở VHTT&DL). Đến 15.1.2007, UBND tỉnh có Quyết định số 104/QĐ-UBND điều chỉnh về tổng mức đầu tư và công trình được khởi công do 2 nhà thầu là Công ty TNHH Thanh Long và Công ty Xuất nhập khẩu nông, lâm nghiệp Hà Nội thi công. Từ 2007 đến nay, công trình đã thi công xong phần nền, mặt đường, cống, rãnh thoát nước, trong đó đã rải nhựa được khoảng 8/12,474km. Khối lượng nghiệm thu xây lắp giữa chủ đầu tư và nhà thầu giá trị 23.500 triệu đồng. Đến ngày 31.12.2010, đã thanh toán cho chủ đầu tư 19 tỷ 796 triệu đồng, bằng 85,2% tổng mức đầu tư. Đây là con đường được đầu tư xây dựng với mục đích khai thác tiềm năng du lịch của huyện Vị Xuyên nói riêng, của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 1972/CT-TTg ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; theo Công văn số 8412 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư là 80% giá trị xây lắp còn lại do ngân sách địa phương đối ứng, nhưng tỉnh chưa bố trí được kinh phí. Do vậy, từ năm 2011 đến nay, các nhà thầu đã tạm dừng thi công để hoàn thiện, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng.
Như vậy, từkhi tạm dừng thi công đến nay, con đường này chưa được đưa vào khai thác. 3 năm qua, trong tình trạng “nằm im”, do tác động của thời tiết, sói lở; thiếu sự chăm sóc bảo dưỡng của đơn vị có trách nhiệm, nhiều đoạn đường đã bị sạt lở nghiêm trọng, thậm chí có đoạn gần như bị sạt mất mặt đường; đất, đá sạt lở từ ta-luy dương xuống mặt đường với khối lượng đáng kể. Cỏ dại, dây leo nhiều chỗ mọc, bò lan phủ gần kín mặt đường... Theo ông Trương Văn Cỏn, 1 trong hơn 10 hộ làm nhà gần con đường này cho biết: Từ khi có đường, tôi chưa thấy cái ô tô nào đi qua đây cả, thậm chí người dân qua lại cũng rất ít vì con đường này đi trên sườn núi, xa khu dân cư. Thỉnh thoảng nửa đêm, gần sáng có “bọn” chở gỗ bằng xe máy hoặc vác bộ từ Thượng Sơn ra “cây 32” thôi. Có đoạn rào lại thoải mái để ngăn trâu, bò qua lại vì chẳng có mấy phương tiện đi qua...
Mặt đường bị sạt lở nhiều đoạn.
Có thể trong tương lai, con đường này sẽ phát huy hiệu quả trong chiến lược phát triển du lịch. Nhưng việc dãn dân đến sinh sống gần khu vực này là rất khó thực hiện vì đây là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; không có mặt bằng làm nhà ở (vì địa hình đồi dốc cao); không có đất sản xuất... Thiết nghĩ, các đơn vị có trách nhiệm không vào cuộc, xử lý thấu đáo con đường bị bỏ quên trong thời điểm này thì sự lãng phí sẽ rất lớn. Nếu để hoang càng lâu, con đường càng xuống cấp, càng lãng phí ngân sách đầu tư. Với tổng kinh phí đã đầu tư là khá lớn, nhưng con đường vẫn chưa hoàn thành. Khi tiếp tục thi công thì số kinh phí để sửa lại những đoạn bị hỏng cũng sẽ không nhỏ. Người dân xã Quảng Ngần, đặc biệt là nhân dân các thôn Khuẩy Chậu, Nặm Quăng, Nặm Thăn đang chứng kiến từng ngày, từng giờ sự xuống cấp và lãng phí của con đường (tính từ thời điểm tạm dừng thi công đến nay). Bà con cũng mong mỏi các cơ quan có trách nhiệm sớm tìm giải pháp, biện pháp để con đường mang lại hiệu quả thiết thực, xứng tầm với số kinh phí đã đầu tư xây dựng con đường này.
Ý kiến bạn đọc